“Khát nước” giữa mùa mưa

VHO- Tổng lượng mưa từ tháng 1 đến tháng 4.2019 sẽ ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-50%. Riêng khu vực Tây Nguyên sẽ hầu như không có mưa trong những tháng đầu năm 2019. Chính lượng mưa ít, các hồ chứa sẽ không tích đủ nước và nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân trong mùa khô của năm 2019 sắp đến.

“Khát nước” giữa mùa mưa - Anh 1

Nhà máy thủy điện Hương Điền điều tiết nước cho vùng hạ du sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên Huế)

 

 Đó là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị Nâng cao hiệu quả phòng chống lũ các hồ chứa khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phối hợp với Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức ngày 29.11 tại TP Huế.

Theo số liệu từ Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), 14 tỉnh thành khu vực miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) có 2.393 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 330 hồ chứa lớn và 2.063 hồ vừa và nhỏ. Trong đó, hai hồ chứa lớn là hồ Tả Trạch (sông Hương, Thừa Thiên Huế) và hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa) rất quan trọng, có liên quan đến an ninh quốc gia. Trong năm 2017, do ảnh hưởng của những trận mưa lớn liên tiếp nên các địa phương ở khu vực này đã xảy ra 17 sự cố đập, hồ chứa trong tổng số 23 sự cố đập, hồ chứa xảy ra trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục thiên tai (thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai) thông tin: Quy trình vận hành liên hồ chứa trong khu vực chỉ mới thực hiện từ năm 2010, chưa có sự chuẩn bị cần thiết từ các địa phương. Trong mùa cạn, các thủy điện gần như chỉ phát điện trong giờ cao điểm và ngừng hoạt động trong các giờ thấp điểm nên chế độ dòng chảy trên sông biến động lớn trong ngày. Một số thủy điện hoạt động chuyển nước dẫn đến việc tranh chấp sử dụng nước ở hạ lưu sông, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, như thủy điện Đăk Mi 4, An Khê- Ka Nak…

Các hồ chứa ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên phần lớn là hồ vừa và nhỏ, dung tích phòng lũ thấp, địa hình dốc, thời gian truyền lũ nhanh nên dẫn đến hạn chế về chất lượng và thời gian cảnh báo, dự báo. Công tác dự báo lũ về hồ chứa chưa chính xác và kịp thời, do chưa dự báo chính xác lượng mưa và thiếu trạm quan trắc khí tượng thủy văn, số liệu dự báo chưa thống nhất, còn sai lệch nhiều. Điều này làm cho việc tham mưu ban hành lệnh vận hành điều tiết giảm lũ cho hạ du còn bị động, rất khó khăn cho công tác quyết định vận hành. Hiện nay, mạng lưới trạm đo mưa ở hầu hết các khu vực sông còn khá thưa, đặc biệt là vùng thượng lưu, với 760 km2/trạm nên chưa đáp ứng được yêu cầu tính toán dự báo lũ.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong tháng 12 tới, còn có khả năng xuất hiện một cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, nhưng ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Cũng trong tháng cuối năm nay này, các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1-2 đợt lũ vừa và nhỏ. Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ thiếu hụt từ 10-50% so với trung bình nhiều năm, các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận và Đắk Lắk thiếu hụt trên 70%.

Mặc dù đã bước vào mùa mưa lũ từ lâu nhưng nhiều tỉnh, thành ở miền Trung – Tây Nguyên rất khan hiếm mưa nên các hồ chứa thiếu nước. Các kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới đều cho thấy xu hướng tiếp tục tăng nhanh của nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4. Theo đó, trạng thái El Nino được dự báo duy trì trong các tháng cuối năm 2018 và nửa đầu năm 2019 với xác suất khoảng 70-80%.

 THÙY AN

Ý kiến bạn đọc