Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đề án phát triển mô hình nuôi cá mũ, cá bơn, bào ngư... ở Hà Tĩnh: "Phung phí" hàng chục tỉ

Thứ Hai 17/12/2018 | 09:58 GMT+7

VHO- Nhằm phát triển lợi thế vùng ven biển, năm 2015 tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư hàng chục tỉ đồng cho các doanh nghiệp thực hiện mô hình nuôi cá bơn, cá mú... trên địa bàn các xã thuộc 3 huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên. Tuy nhiên sau một năm đưa vào sản xuất thì “chết yểu” do bộc lộ nhiều hạn chế.

 Hà Tĩnh đã chi hàng chục tỉ đồng cho DN để phát triển mô hình cá bơn, cá mú tại các xã ven biển nhưng dự án đang “chết yểu”…

Dư luận đang đặt câu hỏi, ai là người phải chịu trách nhiệm khi phung phí hàng chục tỉ đồng ngân sách phát triển dự án này?

Sự lựa chọn mạo hiểm...

Đề án phát triển nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao giai đoạn 2015 - 2020 là Công ty TNHH phát triển Fineton (Công ty Fineton) xây dựng và đã được tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt đầu năm 2015, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo ba huyện ven biển (Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên) tổ chức thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư triển khai xây dựng mô hình trên địa bàn các huyện.

Các doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Như Nam, Công ty cổ phần Sản xuất và nuôi trồng thủy sản Hoàng Dương, HTX Viết Hải là ba đơn bị đầu tiên được lựa chọn đã đầu tư xây dựng hệ thống ao nuôi với tổng mức đầu tư hơn 24 tỉ đồng. Theo hợp đồng được ký kết, Công ty Fineton là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguồn cá giống và tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị tham gia sản xuất.

Tuy nhiên, đến thời điểm thu hoạch, phía Công ty Fineton không thực hiện tiêu thụ sản phẩm theo đúng hợp đồng đã ký kết. Các doanh nghiệp không thực hiện được hợp đồng tiêu thụ nên bị động trong việc tìm thị trường tiêu thụ dẫn đến thua lỗ. Theo phản ánh của các đơn vị tham gia, ngay từ đầu việc chọn đối tác liên kết sản xuất là Công ty Fineton thực hiện đề án đã bộc lộ nhiều rủi ro bởi bản thân Công ty này là một doanh nghiệp chuyên hoạt động ở lĩnh vực khai khoáng. Vì không có kinh nghiệm, tay nghề trong lĩnh vực nuôi trồng thủy, hải sản nên suốt quá trình hợp tác, đơn vị này chỉ đóng vai trò trung gian, môi giới.

Theo hợp đồng được ký kết, Công ty Fineton là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nguồn cá giống cho các đơn vị tham gia sản xuất. Nhưng ngay từ lô cá đầu tiên nhập qua đường tiểu ngạch đã bị cơ quan kiểm dịch thú y từ chối nhập cảnh vì toàn bộ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa không hợp lệ. “Được các cơ quan chức năng vào cuộc, lô cá giống thứ hai về với đầy đủ hồ sơ, được phép nhập cảnh thì chúng tôi càng bất ngờ hơn vì mức phí nhập khẩu cá giống quá cao so với hàng nội địa…”, một cán bộ Sở NN&PTNT Hà Tĩnh tham gia đoàn khảo sát cho biết.

Chưa dừng lại ở đó, theo chia sẻ của một giám đốc tham gia sản xuất mô hình này cho biết, không chỉ mức giá nguồn cá giống cao mà chi phí các hạng mục vật tư, thiết bị do đối tác cung cấp phục vụ đề án đều cao hơn thị trường. Ngoài ra, mặc dù ngay đầu vụ, các chủ mô hình đã ký hợp đồng cung ứng, tiêu thụ với Công ty Fineton (giống cá; thuốc phòng, chữa bệnh; kỹ thuật thiết kế xây dựng ao hồ; kỹ thuật nuôi cá; tiêu thụ sản phẩm, mua toàn bộ sản phẩm cá tại ao nuôi) nhưng đối tác này chỉ thu mua được 13 tấn/87 tấn cá được sản xuất trong vụ.

Do phía Công ty Fineton không thực hiện tiêu thụ theo đúng hợp đồng đã ký, đến thời điểm thu hoạch, các doanh nghiệp không thực hiện được hợp đồng tiêu thụ nên bị động, lúng túng trong tìm thị trường tiêu thụ, các đơn vị phải kéo dài thời gian nuôi, lưu giữ cá trong ao. Một số lượng lớn cá lưu giữ gặp rét bị chết; một số do nuôi kéo dài không đúng thời vụ, thời tiết bất lợi đã phát sinh dịch bệnh chết; một số cá bị ảnh hưởng của sự cố môi trường tiêu thụ khó khăn, giá bán thấp. Theo báo cáo của các đơn vị tham gia Đề án, ngay từ vụ nuôi đầu tiên, các đơn vị này đều bị lỗ từ 7 đến 9 tỉ đồng/năm.

Qua tìm hiểu được biết, để triển khai Đề án này tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định hỗ trợ cho năm đơn vị tham gia là 38 tỉ đồng, trong đó đã cấp ứng 30,7 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có ba doanh nghiệp tiến hành việc thả nuôi, còn hai doanh nghiệp là Công ty cổ phần Xây lắp Thành Vinh, Công ty cổ phần Xây dựng Tiến Đạt đã được cấp ứng nhưng chưa nuôi.

Ai chịu trách nhiệm?

Có thể nói, việc triển khai Đề án phát triển nuôi cá mú, cá bơn, bào ngư, tôm chất lượng cao tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2015 - 2020 của Công ty Fineton trên địa bàn các xã ven biển ở Hà Tĩnh đang “chết yểu”, khó có khả năng vực dậy. Dư luận đặt câu hỏi, ai là người phải chịu trách nhiệm khi dự án triển khai để phung phí hàng chục tỉ đồng ngân sách nhà nước?

Những bất cập liên quan đến dự án này đã được nhiều đại biểu đặt ra trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 8, HĐND khóa XVIII tỉnh Hà Tĩnh vừa qua.

Đại biểu Nguyễn Quốc Cương cho rằng, mô hình nuôi cá mú, cá bơn khi bắt đầu triển khai rất được kỳ vọng và có nhiều đoàn đến tham quan học tập. Tuy nhiên, đến nay mô hình này đã bộc lộ nhiều khó khăn. Trả lời chất vấn, ông Võ Văn Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, về mặt chuyên môn, mô hình đã chuyển giao công nghệ thành công khâu đảm bảo chất lượng cá, năng suất… Nhưng vướng mắc khiến mô hình không thể thành công đó là nguồn giống đầu vào và khâu tiêu thụ sản phẩm. Phía Công ty Fineton đã cam kết mua sản phẩm theo hợp đồng, tuy nhiên, đến giai đoạn thu hoạch thì phía công ty này lại phá vỡ hợp đồng, không tiêu thụ sản phẩm như đã cam kết trước đó dẫn đến các doanh nghiệp rơi vào cảnh thua lỗ.

Ông Trần Tú Anh, Giám đốc Sở KH&ĐT thì nhận định, vấn đề nuôi cá mú, cá bơn trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh vấn đề thị trường thì các nhà đầu tư không còn mặn mà với việc thực hiện mô hình này nữa. Việc đốc thúc của chính quyền dù rất quyết liệt nhưng sự phối hợp giữa các doanh nghiệp trong việc thực hiện chuyển đổi mô hình đầu tư đang còn hạn chế. Tỉnh đã giao Sở Tài chính xử lý về việc tiếp tục hỗ trợ theo cơ chế nữa hay không và thu hồi một phần hay thu hồi toàn bộ…! 

 THÂN BA

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top