Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Lễ hội Đúc Bụt năm 2019: Cứ giữ nguyên, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ chịu trách nhiệm

Thứ Tư 19/12/2018 | 14:11 GMT+7

VHO- Những hình ảnh phản cảm, phi truyền thống với hàng trăm thanh niên giẫm đạp, chen lấn cướp manh chiếu với mong muốn sinh con trai trong lễ hội Đúc Bụt (thôn Phù Liễn, xã Đồng Tĩnh, Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) được yêu cầu là không tái diễn trong mùa lễ hội năm 2019. 

 Một số hình ảnh đông đúc, chen lấn cướp chiếu tại lễ hội Đúc Bụt (Zing.vn) 

Giải pháp do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) đưa ra đối với lễ hội này là cắt nhỏ manh chiếu để tán lộc cho người dự lễ hội thay vì để cùng lúc rất đông người lao vào tranh cướp, tạo nên cái nhìn thiếu thiện cảm đối với một lễ hội truyền thống. 
Cướp được chiếu để có con trai? 
“Cho đến nay đã có điều tra khoa học nào khẳng định việc cướp được chiếu tại lễ hội Đúc Bụt sẽ sinh được con trai hay chưa? Chắc là chưa? Nhưng lễ hội năm nào cũng nháo nhào hàng trăm người già, con trẻ, thanh niên trai tráng lao vào cướp chiếu. Như vậy, công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lễ hội đã sai định hướng, khiến cho người tham gia hiểu sai và có hành động đi ngược truyền thống...”, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL ) khẳng định. 
Lễ hội Đúc Bụt diễn ra sáng mùng 8 tháng Giêng hằng năm tại đình làng Phù Liễn thu hút đông đảo du khách và nhân dân địa phương. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian truyền thống nhằm ôn lại truyền tích đẹp về “Đức Bà”, song song và phụ trợ cho tích truyện đúc Bụt. Trong lễ hội cũng diễn ra các trò hài, các cuộc thi đấu thể thao cờ tướng nhằm rèn luyện trí tuệ, nâng cao thể lực, sức khỏe, tạo thêm sự vui vẻ, phấn chấn trong lao động, sản xuất. Những giá trị truyền thống trong lễ hội đã góp phần tạo nên bản sắc của dân tộc Việt Nam. Sau các nghi lễ được tiến hành theo nghi thức truyền thống là đến màn cướp chiếu, người tham gia lễ hội reo hò tranh nhau manh chiếu. Tương truyền ai cướp được chiếu, nhất là chiếc chiếu có bó mạ xanh trên đầu thì chắc chắn năm đó vợ chồng họ sẽ sinh con trai. 
Tuy nhiên trong vài năm gần đây, xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông là hình ảnh hàng trăm trai tráng, già trẻ cùng xông vào cướp chiếu đã tạo nên cái nhìn phản cảm đối với lễ hội này. Với niềm tin sẽ sinh con trai, hàng trăm trai làng giẫm đạp lên nhau để giật bằng được manh chiếu cói. Đây cũng là phần nghi thức được rất nhiều người tham gia lễ hội mong đợi. Đa phần người tham gia đều tin rằng ai giành được manh chiếu sẽ mang lại may mắn cả năm, gia đình nào chưa có con cái sẽ sinh quý tử. Thậm chí, ngay cả các thành viên trong BTC lễ hội cũng khẳng định, nhiều cặp vợ chồng không có con trai sau khi cướp được chiếu thiêng đã sinh được quý tử. Điều đó càng khiến cho niềm tin vào sự thần kỳ của manh chiếu thiêng khi cướp được. 
Báo cáo Cục Văn hóa cơ sở tại buổi làm việc về công tác quản lý các lễ hội “điểm nóng” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vào cuối tuần trước, lãnh đạo UBND xã Đồng Tĩnh cho biết, lễ hội Đúc Bụt với các tục đúc Bụt và cướp chiếu đã được nhân dân địa phương duy trì liên tục từ năm 2013- 2018. Trong đó, các hoạt động chính diễn ra trong buổi sáng ngày 8 tháng Giêng âm lịch. “Với niềm tin cướp chiếu sinh con trai, nghi thức tranh cướp chiếu tại lễ hội đã ngày càng thu hút sự tham gia của nhân dân địa phương và du khách. Đồng Tĩnh có ba thôn và hoạt động cướp chiếu chủ yếu diễn ra ở thôn Phù Liễn. Mặc dù thu hút đông người nhưng chưa xảy ra tình trạng đánh nhau, gây thương tích. Nghi thức cướp chiếu diễn ra trong khoảng 20 phút, là phần nội dung luôn được bà con trông đợi và đề nghị giữ nguyên trong các mùa tới...”, lãnh đạo xã Đồng Tĩnh nêu. 
Đại diện BQL di tích (Sở VHTTDL Vĩnh Phúc) cho rằng, trong lễ hội Đúc Bụt, nếu không có chiếu thiêng thì lễ hội không có giá trị, thậm chí nếu đưa ra một manh chiếu chưa được làm lễ cắt ra để phát thì chắc cũng không ai nhận. “Đề nghị giữ nguyên nghi thức chính tại lễ hội. Sau phần tế thì manh chiếu sẽ được BTC cắt ra và phát cho bà con, như vậy mới giữ được tính thiêng. Bởi nếu không có nghi thức đắp Bụt, trùm chiếu cho ông Bụt thì không còn giá trị và tính thiêng của lễ hội”, vị này chia sẻ. 
Cần định hướng đúng cho dư luận về giá trị lễ hội 
Bà Ninh Thị Thu Hương lưu ý, lễ hội Đúc Bụt không chỉ gây chú ý với những hình ảnh tranh cướp chiếu lộn xộn mà còn ở cách hiểu sai lệch về giá trị tinh thần trong lễ hội. “Theo truyền thống, việc cướp chiếu ngoài mục đích cầu đinh còn có thể mang đến may mắn, tài lộc như dư luận vẫn nói hay không?”, bà Hương đặt câu hỏi. Các nhà quản lý tại địa phương khẳng định, tục cướp chiếu chỉ phục vụ mục đích cầu đinh, không có ý nghĩa mang đến may mắn và tài lộc. 
“Như vậy, lâu nay công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lễ hội đã sai. Điều đó cũng lý giải vì sao tại lễ hội bà già, trẻ con cũng lao vào cướp chiếu. Những hình ảnh này hoàn toàn sai lệch với giá trị truyền thống của lễ hội, nếu Vĩnh Phúc không thay đổi trong công tác quản lý và tổ chức ở lễ hội này thì UBND tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đã phân cấp rõ ràng...”, theo bà Ninh Thị Thu Hương. 
Thừa nhận việc tổ chức nghi thức cướp chiếu trong lễ hội đã tạo nên cảnh tượng lộn xộn, không đẹp mắt, ông Dương Quang Ứng, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc chấn chỉnh địa phương: “Vì sao lễ hội Đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) có thể thay thế nghi thức cướp hoa tre bằng phát hoa tre mà chúng ta không thay được cướp chiếu bằng cắt chiếu và phát cho người tham gia? Nếu nói có manh chiếu để cầu đinh thì bà già, trẻ nhỏ lao vào cướp với mục đích gì? Chúng ta phải thừa nhận đã tuyên truyền và làm sai lệch ý nghĩa truyền thống của các nghi thức trong lễ hội rồi”. 
Yêu cầu các nhà quản lý tại địa phương cần rà soát, xuất phát từ bối cảnh thực tiễn để xây dựng phương án tổ chức hiệu quả, giảm thiểu những hình ảnh phản cảm, theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, việc thực hành các nghi lễ truyền thống trước khi cắt chiếu tán lộc cho dân là một giải pháp cần xem xét. Theo Nghị định mới về quản lý lễ hội của Chính phủ ban hành, lễ hội Đúc Bụt cũng như lễ hội chọi trâu Hải Lựu của Vĩnh Phúc đều cần thực hiện thủ tục đăng ký, thay đổi phương thức tổ chức và chỉ được triển khai sau khi có văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. 
“Nếu tiếp tục duy trì nghi thức cướp chiếu gây lộn xộn, hoặc làm sai lệch ý nghĩa truyền thống như cướp chiếu để cầu may thì lễ hội Đúc Bụt cũng sẽ đứng trước nguy cơ phải tạm ngừng tổ chức vì Nghị định của Chính phủ đã quy định rõ như vậy”, bà Hương nhấn mạnh. 
Cam kết trước Bộ VHTTDL sẽ thay đổi phương thức tổ chức lễ hội Đúc Bụt ngay từ mùa tới, ông Dương Quang Ứng cho biết, Vĩnh Phúc sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân và du khách hiểu đúng giá trị và ý nghĩa đích thực của lễ hội. Phương thức tổ chức được thay đổi sẽ sớm báo cáo Bộ, cố gắng tối đa nhằm đảm bảo các yếu tố an toàn và hạn chế hình ảnh phản cảm, tiêu cực. 

 Lâu nay công tác tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị lễ hội đã sai. Điều đó cũng lý giải vì sao tại lễ hội bà già, trẻ con cũng lao vào cướp chiếu. Những hình ảnh này hoàn toàn sai lệch với giá trị truyền thống của lễ hội, nếu Vĩnh Phúc không thay đổi trong công tác quản lý và tổ chức ở lễ hội này thì UBND tỉnh sẽ phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ. Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội đã phân cấp rõ ràng... 

(Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở) 

 

 BẢO ANH 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top