Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh): Dân khổ vì dự án bỏ hoang

Thứ Hai 14/01/2019 | 10:03 GMT+7

VHO- Được Chính phủ xác định là một trong 9 khu kinh tế trọng điểm giai đoạn 2016- 2020, Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh) không chỉ là niềm hy vọng mà còn là điểm nhấn trong chiến lược phát triển kinh tế vùng biên ở tỉnh Hà Tĩnh.

Một số dự án tại KCN Đại Kim “đắp chiếu” gây lãng phí, người dân không có đất sản xuất

Thế nhưng, vài năm trở lại đây, sự thiếu nhất quán trong chính sách khiến nhiều doanh nghiệp, cơ quan quay lưng với KKT này. Hàng loạt dự án “vẽ ra” rồi bỏ hoang, nhiều hệ lụy cho địa phương nhưng đến nay chưa có chính sách giải quyết…

Bức tranh ảm đạm…

Ngày 19.10.2007 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 162/2007/QĐ-TTg công nhận KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh là khu phi thuế quan, với hàng loạt ưu đãi về chính sách tài chính, đầu tư, đất đai cho các nhà đầu tư hoạt động trong KKT. Nhờ vậy, hàng chục dự án, hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn hộ cá thể tham gia đầu tư SXKD vào đây.

Ngày 15.8.2014, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 109/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg, trong đó, quy định danh mục mặt hàng chịu thuế ngay khi nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan Cầu Treo là tất cả các mặt hàng, trừ hàng hóa nhập vào để thực hiện dự án đầu tư.

Ngày 1.9.2016, Luật Thuế xuất nhập khẩu số 107/2016/QH13 có hiệu lực, KKT Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo không còn được xem là khu phi thuế quan, không được hưởng các chính sách thuế đối với hàng hóa, dịch vụ như trước đây.

Thay đổi chính sách liên tục và gần như không còn ưu đãi gì đáng kể thì hàng loạt doanh nghiệp, hộ kinh doanh không muốn đầu tư dài hạn vào KKT nữa. Hàng loạt công trình dự án được triển khai dang dở thì “đắp chiếu” lại.

Hiện khu vực KKT Cầu Treo Hà Tĩnh có 30 dự án đầu tư, 130 doanh nghiệp, hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, nhưng trên thực tế, tỷ lệ các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả chỉ chiếm một phần rất khiêm tốn.

Đặc biệt, tại KCN Đại Kim (xã Sơn Kim 1) có nhiều dự án công nghiệp, thương mại đầu tư trên khuôn viên rộng hàng chục ha nhưng đều trong tình trạng dang dở, bỏ hoang, tạm dừng hoạt động. Chiếm diện tích lớn nhất là dự án Nhà máy May Five Star Hà Tĩnh. Dự án có vốn đầu tư 150 tỉ đồng, do Cty cổ phần May Five Star Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, thực hiện từ 22.1.2016 trên diện tích 6,5 ha. Đến nay, dự án đã chậm tiến độ đầu tư theo cam kết.

Cạnh đó là dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy và các sản phẩm công nghiệp SOKI - CT do Cty cổ phần đầu tư phát triển Việt Lào làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư là 371 tỉ đồng. Dự án thực hiện tháng 6.2008 trên diện tích 3,45 ha, trước đây đã đi vào hoạt động phần lắp ráp xe máy điện, nhưng hiện đang khó khăn về tài chính, thay đổi cổ đông.

Còn tại Khu vực Trạm kiểm soát nội địa KKT cửa khẩu Cầu Treo (còn gọi là cổng B ở xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn, thuộc KKT cửa khẩu Cầu Treo) một Dự án Khu trung tâm thương mại cửa khẩu được đầu tư hàng tỉ đồng đã xây dựng xong giờ thì bỏ hoang. Đây là dự án có tổng vốn đầu tư 112 tỉ đồng, do Công ty cổ phần đầu tư CK Việt Nam làm chủ đầu tư, triển khai thực hiện từ năm 2012.

Trong tổng 30 dự án đăng ký đầu tư vào KKT này thì chỉ mới có 15 dự án xây dựng cơ bản các hạng mục công trình chính và chỉ khoảng 1/3 trong số đó đang hoạt động hiệu quả; 7 dự án khác đăng ký nhưng chưa thực hiện; 3 dự án đã tạm dừng và chưa biết đến bao giờ mới khởi động lại. Các dự án lớn như Khu nghỉ dưỡng Ngàn Phố (vốn đăng ký 131,9 tỉ đồng) hiện chỉ là một vùng cây cỏ hoang hóa; dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư tập trung nam sông Ngàn Phố (vốn đăng ký 248,6 tỉ đồng) bỏ dở từ hơn nhiều năm nay…

Dân mất đất, không việc làm

Việc thay đổi chính sách phi thuế quan tại KKT khiến các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh không muốn đầu tư dài hạn vào KKT nữa. Hàng loạt công trình dự án được triển khai dang dở thì “đắp chiếu” lại đã kéo theo một hệ lụy cho người dân, chính quyền địa phương chỉ còn cách “lắc đầu” ngán ngao.

Ông Trần Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho biết, toàn bộ hơn 33 ha đất ruộng “ngon lành” nhất của 300 hộ dân thuộc xã ở Đại Kim đã bị thu hồi để xây dựng KCN Đại Kim. Ngày khởi công rầm rộ, hứa hẹn khi các dự án vào đầu tư sẽ tạo việc làm, phát triển kinh tế xã hội, làm thay đổi hẳn bộ mặt xã biên giới Sơn Kim 1. Thế nhưng, sau nhiều năm đầu tư, hầu hết các dự án đều bỏ hoang, “chết yểu” để lại hệ lụy lớn cho địa phương.

“Nhiều dự án khi vào đầu tư bảo người dân đi học nghề, học xong rồi về chờ mãi, nhà máy dừng đầu tư, không hoạt động nên dân không có việc làm, rất bức xúc. Thêm nữa, việc các dự án bỏ hoang, không bảo quản, một số người có thể vào lấy trộm đồ, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự”, ông Hải than phiền.

Theo ông Hải, thu hồi đất ruộng dành cho Khu CN Đại Kim khiến hàng trăm hộ dân của xã mất đất ruộng để canh tác, đời sống khó khăn. Do vậy, xã kiến nghị nhà nước, tỉnh có cơ chế, chính sách nào đó để thu hút được các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp tục đầu tư vào đây để tránh lãng phí quỹ đất, giải quyết việc làm cho người dân, từ đó, giúp địa phương phát triển các dịch vụ “ăn theo” quanh khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Nam, người dân xã Sơn Kim 1 cho biết, gia đình ông cùng nhiều hộ dân ở đây đã bị thu hồi toàn bộ đất ở, đất vườn, đất ruộng cho Dự án nhà máy May Five Star Hà Tĩnh. Do không còn quỹ đất ruộng để cấp nên đến nơi ở mới, gia đình chị không có đất ruộng, cuộc sống rất khó khăn...

Nhưng tồn tại khó khăn tại KKT Cầu treo là vậy và đến nay vẫn chưa có một hướng xử lý nào. Ông Hoàng Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, hiện tại Sở đang tập trung rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách để tỉnh kiến nghị với Chính phủ, bộ, ngành trung ương sửa đổi, bổ sung nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút đầu tư vào khu kinh tế. Cùng với đó, sẽ tập trung rà soát quy hoạch chung khu kinh tế để tham mưu điều chỉnh quy hoạch phù hợp thực tế hiện nay, nhằm tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư. 

 THÂN BA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top