Trò chơi ngày tết của trẻ em đồng bào Thái

VHO- Ngày nay, những trò chơi cùng với các bài hát đồng dao xưa chỉ còn trong trí nhớ của những người lớn tuổi như ông Lả, bà Hồng.

Từ xa xưa, trẻ em đồng bào Thái có rất nhiều trò chơi dân gian và trong các ngày lễ, tết, ngày hội vui bản vui mường không thể thiếu những trò chơi này. Nhưng theo năm tháng, nhiều trò chơi đã bị mai một, chỉ còn lại một số trò như ném còn, đẩy gậy, kéo co, đánh đu....

tro choi ngay tet cua tre em dong bao thai  hinh 1

Các em nhỏ dân tộc Thái chơi Cướp cờ

Những trò chơi của trẻ em đồng bào Thái luôn gắn với câu đồng dao, lời ca văn vần vào một trò chơi để các em vừa hát vừa chơi hồn nhiên, phù hợp với tâm sinh lý của trẻ em. Như trò chơi “ Num num tảu tảu” (Vào vào ra ra ). Cách chơi: Hai em đan tay giơ lên cao tạo thành cái cổng và hát. Hàng người phải làm sao chui hết qua cổng trước khi bài hát kêt thúc và cứ lần lượt như thế cho đến người cuối cùng trong hàng bị bắt. Trò chơi càng đông người càng vui, cùng với câu hát đồng dao, câu vè làm cho các em càng phấn khích.

Ông Lò Văn Lả ở tổ 7, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La cho biết: "Đầu tiên các em làm hàng dài nối đuôi nhau, 2 người đan tay nhau dựng thành cổng cho hàng người chui qua, mồm đọc câu đồng dao “Num num tảu tảu".  Thứ 2 là hàng người chui qua, chui lại, muốn được em bé  tý tẹo nhanh tay đón lấy; sau đó không cho người đó ra ngoài.  Rồi người đó hỏi, cửa này cửa gì? Nếu bị khoá chặt quá phải tìm cửa khác, đến khi ra ngoài được mới thôi.”

Ngoài trò chơi “ Num num tẩu tẩu” các em còn có nhiều trò chơi khác như “ Tham ngu” (Hỏi rắn ). Nhiều em ôm ngang lưng nhau làm dây nhái. Một em làm nhái, em ở đầu dây hỏi và lừa em ở cuối dây. Vừa chơi vừa hát “ Rắn gì? Rắn dáo trắng; Rắn gì? Rắn dáo nâu; Kiếm gì ăn? kiếm nhái ăn; Nhái gì? Nhái bén: Đớp được đớp thử xem”.

Một trò chơi khác khá phổ biến dưới gầm sàn xưa. Bà con thường làm cái đu cho trẻ em ngồi đu, chơi cùng với câu hát “Ngồi lên đu, đu quay, thang đu cây chó đẻ; đu về dưới cưỡi thuyền; đu lên trên cưỡi ngựa... Đến bãi cỏ chăn trâu; đến rừng mây chăn voi; đu vút bổng...đu vút bay...bay.” Theo bà Cà Thị Hồng ở bản Bó, phường Chiềng An, thanh phố Sơn La, trẻ em đồng bào Thái ngày  xưa có rất nhiều trò chơi:“ Những trò chơi trẻ em, trời mưa thì chơi dưới gầm sàn, lúc trăng sáng thì rủ nhau cùng chơi giữ sân bản. Mua đông trời giá rét thì nhóm lửa giữa sân cùng chơi, như chơi âm, chơi giáp trận, chơi cướp cờ, kéo co, đến tết thì chơi ném còn ...” 

tro choi ngay tet cua tre em dong bao thai  hinh 2

Kéo co cũng là một trò chơi phổ biến ở nhiều dân tộc, trong đó có người Thái

Trò chơi “Phăn liêng” ( Giáp trận ) cũng được các em tổ chức chơi rất vui nhộn cùng hát, cùng chơi. Các em chia ra thành 2 phe, số người tham trận được bàn bạc thống nhất trước, cử người làm trọng tài, có người ghi điểm. Ai bị chém tức là lấy tay đụng đến đầu, vai hoặc rốn thì bị loại không được tính điểm. Cách tính điểm như đã được quy định trong bài hát. Ai tạo được nhiều điểm nhất được làm tướng cưỡi ngựa hô quân, ai cao điểm thứ 2 thì cầm cờ đi trước, ai đứng thứ 3 làm phụ tá hộ vệ tướng.

Ông Lò Văn Lả, người sưu tầm và bảo tồn những bài hát đồng dao Thái nhớ lại lời bài hát:
“ Phăn liêng” như học võ; Người nhút nhát tách ra; Chém tay phải như thể đóng cùm; Đụng xương sườn coi gẫy cả lưng; Chém sau gáy coi như chết’ Chém ngang đùi như què; Đụng rốn như lôi ruột ra; Chém thái dương điểm sáu; Đụng vào đầu điểm mười; Chỗ khác thì một điểm cộng thêm; Điểm ai hơn làm tướng; Ai kém điểm làm quân.”

Ngày nay, những trò chơi cùng với các bài hát đồng dao xưa chỉ còn trong trí nhớ của những người lớn tuổi như ông Lả, bà Hồng. Bây giờ, trong các bản làng người Thái chỉ còn duy trì một số trò chơi như ném còn, kéo co, đẩy gậy, tó mák lẹ… không còn được phong phú như xưa. Dù là vậy, nhưng  sự góp mặt của mỗi trò chơi dân gian trong các ngày tết đến, xuân về, ngày hội của bản mường vẫn giúp cho các em nhỏ được thoả thích vui chơi trong không gian ngày xuân.                                                            

Theo Lường Hạnh/VOV.vn

Ý kiến bạn đọc