Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Chuyện thật như đùa ở Ninh Thuận: Muốn nhận thẻ bảo hiểm y tế, phải đóng phí

Thứ Sáu 24/05/2019 | 10:27 GMT+7

VHO- Rất nhiều hộ dân ở xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) hiện nay không được chính quyền cấp thẻ bảo hiểm y tế vì “nợ phí” môi trường, quỹ đền ơn đáp nghĩa, điện thắp sáng... Nhiều người dân bị làm khó không được giao thẻ bao hiểm y tế mặc dù bệnh tật trong người tái phát cần được cấp thuốc, khám chữa bệnh.

 Người dân bức xúc vì nhận thẻ BHYT phải đóng 200 nghìn nợ phí

Theo phản ánh của nhiều người dân tại xã Phước Hữu, muốn lấy được thẻ BHYT người dân phải đóng các khoản phí như môi trường, quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, bê tông, điện thắp sáng… tổng cộng 200 nghìn đồng. Nếu ai không đóng thì sẽ không cho lấy bảo hiểm y tế.

Nhập nhèm “nợ phí”

Chị Hán Thị Saly (ngụ thôn Tân Đức, xã Phước Hữu) cho biết: “Lâu nay có mua BHYT tự nguyện cho ba tôi, mỗi khi đi khám bệnh bằng thẻ bảo hiểm này vẫn bình thường. Nhưng hôm 14.5 vừa qua, tôi chở ba tôi là ông Hán Đực đến trạm y tế xã Phước Hữu để khám bệnh cao huyết áp thì nhân viên y tế ở đây từ chối khám với lý do là gia đình tôi thuộc diện người đồng bào Chăm có thẻ bảo hiểm riêng do Nhà nước cấp (còn gọi là thẻ DT). Thế là tôi phải đưa bố tôi về nhà và lên xã để xin nhận thẻ BHYT dành cho đồng bào Chăm. Khi đến đây xã từ chối không cho nhận và bắt tôi phải đóng 200 ngàn rồi mới lấy thẻ”.

Xót xa hơn là trường hợp bà Sử Thị Thủy (76 tuổi, ngụ thôn Thành Đức, xã Phước Hữu). Bà hiện đang sống một mình được UBND xã Phước Hữu đưa vào danh sách hộ cận nghèo của thôn. Theo quy định, bà Thủy được cấp thẻ BHYT miễn phí nhưng chính quyền địa phương vẫn bắt buộc cụ đóng 200 ngàn đồng tiền… nợ phí. Bà Thủy buồn bã kể: “Cách đây 4 ngày, chị Đăng làm bên phụ nữ thôn đem thẻ bảo hiểm vào nhà tôi và nói tôi đóng 200 ngàn đồng rồi mới được nhận thẻ. Tôi có nói giờ sống một mình làm gì có 200 ngàn”. “Khi thấy tôi không đủ 200 ngàn đồng thì chị Đăng nói đóng 100 ngàn cũng được. Tôi có nói giờ chưa đủ tiền đóng thì chị Đăng ra về và không đưa tôi thẻ BHYT. Giờ trong người tôi đủ thứ bệnh tuổi già như tim, đau khớp, bao tử… chỉ mong có cái BHYT để đi khám rồi nhận thuốc về uống thôi”, bà Thủy giãi bày.

Theo số liệu thống kê tại xã Phước Hữu có 4.445 hộ/19.045 nhân khẩu, trong đó đồng bào Chăm có 2.570 hộ/11.963 nhân khẩu; số hộ được nhận thẻ BHYT miễn phí năm 2019 là 1.764 khẩu/8.394 thẻ (tương đương với số nhân khẩu của xã). Đến thời điểm hiện nay (21.5) địa phương đã cấp phát được 5.464 thẻ ở 4 thôn là Hữu Đức, Tân Đức, Thành Đức và Hậu Sanh, còn 2.930 thẻ còn lại xã Phước Hữu đang cấp phát cho người dân. Riêng thôn Tân Đức có 3.232 khẩu, hiện thôn đã nhận và phát được 2.380 thẻ BHYT, số còn lại sẽ được tiếp tục phát trong thời gian tới.

 Phiếu thu tiền nợ phí

Sẽ dừng thu “nợ phí”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, các khoản phí mà UBND xã Phước Hữu thu của người dân cụ thể là phí môi trường là 24.000 đồng (mỗi tháng 12.000 đồng địa phương thu trước 2 tháng 5 và 6), quỹ vì người nghèo là 15.000 đồng (tự nguyện), quỹ đền ơn đáp nghĩa là 20.000 đồng (tự nguyện), bê tông là 25.000 đồng và cuối cùng điện thắp sáng là 20.000 đồng. Tổng tất cả các loại phí là 104.000 đồng. Nhiều người đặt nghi vấn, thu 200 nghìn thì số phí còn dư 96.000 đồng sẽ đi đâu?

Điều đáng nói hơn là nhiều phiếu thu mà địa phương đưa cho người dân lại không dấu đỏ, không chữ ký người thu tiền. Thậm chí phần lý do thu tiền chỉ được ghi qua loa là “hộ dân đóng góp các khoản”. Ông Huỳnh Kiều Minh, Chủ tịch UBND xã Phước Hữu thừa nhận, ở xã Phước Hữu có xảy ra tình trạng thu tiền phí 200.000 đồng rồi mới đưa thẻ BHYT. “Về vấn đề thu tiền này ở xã không chỉ đạo mà do thôn tự thu. Sau khi nhận quyết định về việc cấp thẻ BHYT miễn phí cho đồng bào người Chăm thì xã cũng đã chuyển tất cả các thẻ này xuống 7 thôn để các thôn này quản lý và cấp cho người dân”, ông Minh khẳng định. Ngoài ra, ông Minh cũng chia sẻ khó khăn, hiện nay việc thu các khoản phí như bê tông, môi trường,… ở các thôn gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ không chịu đóng tiền do đó các thôn phải dùng cách thu phí trước rồi mới đưa thẻ để cân đối nguồn thu cho địa phương.

“Điều mà người dân bức xúc là do thôn khi đi thu tiền mà không thông báo trên loa hay họp dân nên làm người dân hiểu nhầm việc nhận BHYT miễn phí là phải đóng tiền. Sau khi nhận được phản ánh của người dân UBND xã đã chỉ đạo thôn Tân Đức dừng ngay việc thu tiền và phải phát BHYT cho người dân”, ông Huỳnh Kiều Minh nhấn mạnh. Cũng theo ông Minh, UBND xã sẽ mời các hộ dân mà thôn đã thu tiền lên xã để làm việc, nếu người dân không đồng ý thì địa phương sẽ trả tiền lại và cử cán bộ chuyên trách xuống từng hộ để thu các khoản phí mà địa phương đã quy định. 

  Khi thấy tôi không đủ 200 ngàn đồng thì chị Đăng nói đóng 100 ngàn cũng được. Tôi có nói giờ chưa đủ tiền đóng thì chị Đăng ra về và không đưa tôi thẻ BHYT. Giờ trong người tôi đủ thứ bệnh tuổi già như tim, đau khớp, bao tử… chỉ mong có cái BHYT để đi khám rồi nhận thuốc về uống thôi.

(Bà Sử Thị Thủy, 76 tuổi, ngụ thôn Thành Đức, xã Phước Hữu)

 

 XUÂN HƯỚNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top