Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Di tích quốc gia gia đình Văn Xá (Hà Nam) bị sơn đỏ: Không khỏi cảm thấy đau lòng…

Thứ Tư 29/05/2019 | 10:08 GMT+7

VHO- “Thật đáng tiếc vì sự thiếu hiểu biết đã khiến cho một di tích cổ kính mất đi những màu sắc thâm trầm, mang dáng vóc của thời gian. Thay vào đó là sắc đỏ choe choét, lòe loẹt và rất phản cảm...”.

TS Trần Hậu Yên Thế (Đại học Mỹ thuật Việt Nam) than thở về thực trạng được ghi nhận trực tiếp tại đình Văn Xá (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) trong chuyến đi thực tế về di tích vài hôm trước.

Xót xa nhìn… biến dạng

Họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống TS Trần Hậu Yên Thế đã cùng PGS Trần Lâm Biền về đình Văn Xá (Hà Nam), và ấn tượng hơn cả là sự giật mình. Ngôi đình đã bị sơn đỏ làm cho biến dạng. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế thảng thốt viết trên group Đình làng Việt: “Đình làng đang đẹp là thế, bỗng một ngày đem sơn đỏ choe đỏ choét thế này”, như một sự chia sẻ nỗi thất vọng với những người yêu di sản.

Theo TS Yên Thế, đình Văn Xá là một ngôi đình cổ có rất nhiều giá trị về cảnh quan và kiến trúc. Đặc biệt, đình còn bảo tồn được những mảng chạm mang đặc trưng kiến trúc của thế kỷ XVII- XVIII với những hoạt cảnh nghê, rồng, phượng... náo nức sôi động, được chạm khắc bằng nhiều kỹ thuật tinh xảo. Toàn thể ngôi đình mang một dáng vẻ vững chãi, vùng Bắc Bộ hiếm có ngôi đình nào có được những loại ngói to và chắc như ở đình Văn Xá.

Với những giá trị đặc biệt riêng có nên đình Văn Xá đã được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1962. Sách Kiến trúc đình làng qua tư liệu của Viện Bảo tồn di tích cũng xuất hiện những hình ảnh của ngôi đình giá trị này, ghi nhận về những giá trị trang trí điêu khắc nổi bật ở di tích. Theo đó, hầu hết các cấu kiện gỗ của ngôi đình trừ các cột, đều có trang trí... Các trang trí được đục chạm rất kỹ bằng nhiều kỹ thuật: chạm kênh bong, chạm nổi và chạm lộng. Tập trung nhiều nhất là các đề tài linh thú, biểu tượng tự nhiên, hoa lá.

Thế nhưng, việc sơn đỏ đã khiến cho nhiều trang trí tinh xảo được mô tả không còn có thể nhận diện. TS Trần Hậu Yên Thế xót xa, ngắm những hình ảnh trước và sau khi sơn của đình mà không khỏi cảm thấy đau lòng. “Trong cách trang trí, phân bố màu sắc xưa thì chỉ có phần khu vực gian giữa của các ngôi đền hoặc hậu cung là có sơn son thếp vàng, tuy nhiên màu sắc cũng rất chừng mực, vừa phải và thâm trầm. Thế nhưng, vì không hiểu biết về di tích, không nắm được những quy định nghiêm ngặt của Luật Di sản văn hóa nên ngôi đình đã bị sơn lại bằng sơn công nghiệp lên phần giữa và hai cột cái, tạo nên một dáng vẻ và màu sắc phản cảm. Điều đáng tiếc là, sự thiếu hiểu biết đó đã làm cho một di tích cổ kính bỗng nhiên lại trở nên choe choét, lòe loẹt...”, TS Trần Hậu Yên Thế bức xúc.

 Hoa văn điêu khắc của đình Văn Xá trước và sau khi bị sơn đỏ

Không thể lấy lại được

PGS Trần Lâm Biền cũng cho rằng, việc sơn đỏ ở đình Văn Xá đã thể hiện sự thiếu hiểu biết. Đau nhất là những thứ mất đi thì sẽ không trở lại được nữa. Nuối tiếc, TS Trần Hậu Yên Thế cũng nói, sẽ không thể nào lấy được những gì đã mất. Việc khắc phục sẽ mất khá nhiều thời gian và công phu. Chưa kể, để quay trở lại màu sơn của mấy trăm năm trước là điều không thể làm được. “Có thể nói chúng ta đã mất đi vĩnh viễn những màu sắc thâm trầm của thời gian, sự cổ kính của di sản. Trải qua bao nhiêu thăng trầm biến đổi, qua chiến tranh bom đạn di sản vẫn còn đó, vậy mà chỉ vì sự tùy tiện chúng ta đã vĩnh viễn mất đi nhiều giá trị”, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế ta thán.

Chia sẻ về giải pháp níu giữ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế cho biết, biện pháp tình thế mà một số nơi đã áp dụng là trộn màu sơn với bột phù sa để giảm tông đỏ xuống. Sau đó có thể quét sơn công nghiệp phủ lên nhưng cũng cần tạo gam màu trầm và đánh ráp, mài đi để màu sơn không bị bóng đỏ. Cách làm này khá mất công, phải qua nhiều lần mới đem lại hiệu quả nhất định. Tuy nhiên thì cuối cùng vẫn không thể giữ được như độ thâm trầm, sâu thăm thẳm của sơn mài truyền thống. TS Trần Hậu Yên Thế cho biết thêm, nếu dùng đúng chất liệu sơn mài để làm thì càng khó hơn. Thường sẽ phải dỡ cấu kiện và thực hiện dưới bề mặt đất, làm đủ các công đoạn như cách các cụ trước đây đã làm.

Đình Văn Xá thuộc thôn Văn Xá (xã Đức Lý, huyện Lý Nhân). Đình thờ nhị vị Thủy tề Long vương cùng song thân, được xây trên khu đất rộng, gồm hai toà 8 gian, tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian, có kiến trúc theo kiểu chữ nhị. Đình Văn Xá là một công trình kiến trúc đồ sộ hai gian chái đình, mái cong cả ba phía, tiếp giáp với gian kế cận, việc thi công công trình đòi hỏi trình độ kỹ thuật, mỹ thuật cao. Đình Văn Xá cũng là di tích còn giữ được nhiều đồ thờ tự có giá trị nghệ thuật. 

  Một câu chuyện  khác ở ngôi đình này được các chuyên gia phát hiện sau chuyến đi là hiện vật chiếc khay thờ đặc biệt quý hiếm đã không thấy đâu. Theo PGS Trần Lâm Biền, ông đã rất hào hứng muốn giới thiệu cho cán bộ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam về hiện vật này, nhưng cuối cùng không thấy đâu cả. Trước đây ông là người đã đưa hình ảnh của chiếc khay thờ này vào cuốn sách “Đồ thờ trong di tích của người Việt”. Theo ông, hiện vật có giá trị về kỹ thuật, nghệ thuật rất cao, có niên đại từ thời Mạc, sớm nhất trong số các khay gỗ tương đồng.

Sau khi phát hiện chiếc khay bị mất, lời kêu gọi tìm kiếm đã được một số nhà nghiên cứu di sản đưa ra trên trang cá nhân và trong một số nhóm yêu di sản.

 

 

 BẢO ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top