Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện: “Không hy sinh di sản vì bất cứ giá nào”

Thứ Tư 05/06/2019 | 19:31 GMT+7

VHO-Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội về nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch, vào chiều 5.6.

Các lĩnh vực thuộc Bộ VHTTDL được Quốc hội và cử tri quan tâm

Mở đầu phiên chất vấn với nhóm vấn đề thứ tư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, các lĩnh vực thuộc Bộ VHTTDL được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm vì liên quan đến đời sống tinh thần của toàn xã hội. Đã có 61 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ngay đầu phiên chất vấn về nhóm vấn đề này.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội

Theo chương trình, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện sẽ trả lời chất vấn về công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn, quản lý điện ảnh, quản lý hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; công tác phòng ngừa mê tín dị đoan; quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh; công tác quản lý và phát triển dịch vụ du lịch…

Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện  cho biết ngành VHTTDL là ngành khá rộng, từ văn hoá, con người là nền tảng tinh thần của xã hội đến lĩnh vực kinh tế. “Đây là ngành vừa có cơ sở hạ tầng, vừa có kiến trúc thượng tầng nên luôn có nhiều vấn đề và vấn đề nóng.”, Bộ trưởng Thiện bày tỏ.

Cũng theo Bộ trưởng, mặc dù vậy nhưng nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo, giám sát của các cấp lãnh đạo; sự ưu ái và tình cảm của cử tri và nhân dân cả nước, toàn ngành VHTTDL đã luôn cố gắng thực hiện một cách tốt nhất nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình trong lĩnh vực được giao phó.

Vì thế trong thời gian vừa qua, các lĩnh vực VHTTDL đã có một số kết quả trên các lĩnh vực như xây dựng văn hoá, đạo đức, lối sống liên quan đến bảo tồn phát huy di sản văn hoá dân tộc, quản lý lễ hội; các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật biểu diễn, triển lãm…

Trong lĩnh vực Thể thao, thể thao thành tích cao như bóng đá, bắn súng, bơi lội, điền kinh cũng đã đạt được nhiều kết quả trên đấu trường khu vực và quốc tế. Lĩnh vực Du lịch, ngành cũng đã đạt được nhiều kết quả bước đầu khá quan trọng. Trong 3 năm vừa qua ngành Du lịch đã tăng gần gấp đôi lượng khách quốc tế đến Việt Nam, cơ bản trong năm nay sẽ hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đặt ra là phát triển Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đạt khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng cho biết, với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, Bộ sẽ xin được lắng nghe và cố gắng để trả lời tốt nhất trong khả năng của mình đối với vấn đề đại biểu đặt ra.

Tại sao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam lại thấp trong khi có nhiều chỉ số cao?

Người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Thiện là đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội). Ông Hưng đặt vấn đề về chủ trương của Chính phủ trích 1,8% tổng chi ngân sách để đầu tư cho Văn hóa và đặt câu hỏi Chính phủ và Bộ đã có kế hoạch gì để kiến nghị sớm trở thành hiện thực? 

Ông Hưng cũng đặt câu hỏi, Diễn đàn kinh tế thế giới đã xếp hạng Du lịch Việt Nam đứng thứ 30 về tài nguyên Văn hoá, đứng thứ 34 về tài nguyên thiên nhiên, đứng thứ 37 về tài nguyên nhân lực nhưng tổng thể tính cạnh tranh của Du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 67/136 nền kinh tế thế giới. Vậy đâu là nút thắt cổ chai dẫn đến tình trạng này và những giải pháp đột phá nào để sớm cải thiện thứ hạng đưa Du lịch Việt Nam vào nhóm đầu các nước ASEAN, đạt mục tiêu cao như Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đề ra?

Câu hỏi tiếp theo của đại biểu Hưng là tại sao Du lịch Việt Nam đang tăng trưởng rất mạnh là gần 30% trong 2 năm 2016-2017 nhưng 5 tháng đầu năm nay, lượng khách đến Việt Nam lại tăng chậm lại, chỉ là 8,8%?

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) chất vấn các vấn đề liên quan đến lĩnh vực Du lịch

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hưng về về chủ trương của Chính phủ trích 1,8% tổng chi ngân sách để đầu tư cho Văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Bộ hoàn toàn ủng hộ và đã báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về chủ trương này.

Về năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Thiện  cho biết tuy Du lịch Việt Nam được xếp hạng cao hơn về tài nguyên văn hoá, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân lực nhưng tại sao năng lực cạnh tranh chỉ đứng thứ 67 tức là rất thấp trong ASEAN, so với Thái Lan xếp thứ 34 và  Singapore xếp thứ 13?

Điều đó là do bên cạnh các chỉ số cao, chúng ta còn có chỉ số rất hạn chế như chỉ số về hạ tầng du lịch, chúng ta đứng thứ 113/136 trong đó Thái Lan đứng thứ 16; mức độ ưu tiên trong ngành Du lịch, chúng ta xếp hạng 101, Thái Lan hạng 34.

Mức độ mở cửa quốc tế, Việt Nam hạng 73, Thái Lan là 52; thị thực, chúng ta đứng thứ 116 trong khi đó Thái Lan 21 và Philipin 24. “Chúng ta đứng thấp nhất trong các nước ASEAN. Có thể nói, riêng thị thực chúng ta chỉ cho phép thị thực đơn phương cho 24 nước và cấp thị thực điện tử 80 nước, trong khi Indonesia miễn 158, Philipines miễn 157”, Bộ trưởng Thiện giải thích cặn kẽ.

Giải pháp đưa du lịch thành ngành mũi nhọn?

Trả lời câu hỏi tiếp theo của đại biểu Hưng về giải pháp khắc phục hạn chế, điểm yếu của Du lịch Việt Nam, Bộ trưởng Thiện cho biết chúng ta phải khắc phục các hạn chế về cơ sở hạ tầng, về mở cửa, thị thực, bền vững về môi trường. Giải thích vì sao Du lịch Việt Nam vài năm qua tăng rất nhanh, 1 năm gần 30% nhưng 5 tháng đầu năm vừa rồi chúng ta chỉ tăng gần 9, Bộ trưởng Thiện nói: “Vấn đề này chúng tôi đã dự báo trước nên năm nay kế hoạch đưa ra là chúng ta chỉ tăng khoảng 2,5 triệu lượt khách quốc tế. Xét theo tốc độ tăng trưởng này chúng ta có thể đạt nhiệm vụ mà Chính phủ giao là đạt 18 triệu”.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, nguyên nhân khiến Du lịch Việt Nam không còn tăng mạnh như các năm trước là do lượng khách Trung Quốc giảm, trong 5 tháng gần như không tăng. Những năm trước, lượng khách đến từ Trung Quốc tăng khoảng 30%, nhưng năm nay giảm.

Giải pháp để khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng Thiện là Du lịch Việt Nam phải đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại những thị trường quan trọng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Vì nếu thị trường Trung Quốc không tăng thì du lịch Việt Nam rất khó. Trên thế giới, tất cả các nước đều mong muốn thu hút khách từ thị trường Trung Quốc.

Cũng liên quan đến Du lịch, đại biểu Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng  về giải pháp đưa ngành du lịch trở thành ngành mũi nhọn, ngành đang chiếm 10% GDP của Việt Nam hiện nay. Ông cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ phương hướng phát triển ngành Du lịch làm sao để không mâu thuẫn, xung đột với việc giữ gìn an ninh môi trường và bản sắc dân tộc.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Thiện cho biết, Du lịch Việt Nam hiện nay đạt khoảng 9% GDP. Theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, Bộ sẽ phấn đấu đưa Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2020 du lịch Việt Nam sẽ đón từ 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa và phải đóng góp khoảng 10% GDP.

“Với mức độ như vậy, ngành Du lịch mới cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nếu để thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải đến năm 2030. Những giải pháp thì có thể nói rằng ở đây rất nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phải khắc phục hạn chế của Du lịch Việt Nam, đặc biệt trong năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam, những hạn chế như tôi vừa nêu, liên quan đến công tác quảng bá xúc tiến, liên quan đến hạ tầng, liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực, liên quan đến công tác quản lý nhà nước về du lịch thì đó là những giải pháp mà trong Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã nêu và Chính phủ cũng đã triển khai”, Bộ trưởng Thiện nói.

Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ tư

Không thể hy sinh di sản vì bất cứ giá nào

Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc phát triển bền vững của ngành Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết việc phát triển du lịch cũng như phát triển các ngành kinh tế khác, phát triển nhưng không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, không làm phá vỡ di sản văn hóa. Đây là một vấn đề lớn, trong mối quan hệ bảo tồn và phát triển đối với tất cả các nước trên thế giới trong quá trình phát triển. Thời gian vừa qua, đất nước chúng ta liên quan đến quá trình phát triển, xây dựng các nhà máy, các khu du lịch thì cũng có nơi này, nơi khác ảnh hưởng đến vấn đề bảo tồn.

“Chúng tôi xin trích dẫn 1 câu nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị toàn quốc liên quan đến công tác bảo tồn di sản văn hóa. Thủ tướng nói rằng, tất cả mọi cái đều có thể xây dựng được, làm được nhưng di sản văn hóa thì không thể làm lại được, cho nên không thể hy sinh di sản vì sự phát triển, vì bất cứ giá nào. Câu nói đó đã nói lên tất cả. Chúng ta phải bảo tồn. Trong quá trình phát triển kinh tế, luôn luôn phải lưu ý đến vấn đề bảo tồn các di sản”, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.

Cũng theo Bộ trưởng Thiện, trong thời gian vừa qua, vấn đề này có mấy tồn tại, khuyết điểm, như là trong khi phát triển thì ít quan tâm, làm phá vỡ bảo tồn…

Đề nghị có quy định quản lý tiền công đức

Báo cáo Quốc hội về vấn đề liên quan đến quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh, Bộ trưởng Văn hóa Nguyễn Ngọc Thiện nêu ba nguồn thu chính ở các khu du lịch tâm linh là phí tham quan, phí dịch vụ hỗ trợ, tiền công đức. Trong đó, phí tham quan được điều chỉnh bởi Luật Phí và lệ phí; phí dịch vụ hỗ trợ được quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Riêng về tiền công đức, Bộ trưởng Văn hóa cho biết hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định. “Hiện chưa có một văn bản pháp quy nào điều chỉnh tiền công đức, quy định tiền công đức sẽ thu như thế nào và ra sao? Về quản lý nhà nước hiện chưa có văn bản này. Chúng tôi chỉ có một văn bản của Bộ VHTTDL cùng với Bộ Nội vụ có hướng dẫn về việc sử dụng tiền công đức nhưng ở đây, chỉ có nói tại Thông tư liên tịch 04 năm 2014, có hướng dẫn là tiền, tài sản được dâng cúng công đức, tài trợ cho các cơ sở tín ngưỡng phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, công khai. Về quản lý nhà nước đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi chưa có văn bản quản lý nhà nước nào quy định về việc này”, Bộ trưởng Thiện cho biết.

Bộ trưởng Thiện cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành văn bản pháp luật quy định cụ thể quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh. Bộ Tài chính sớm hướng dẫn quản lý tài chính tại các lễ hội và tiền công đức. Cùng với giải pháp đó, Bộ VHTTDL đề nghị tăng cường trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và đề nghị UBND các cấp chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp đẩy mạnh kiện toàn bộ máy quản lý di tích, gắn với công trình tôn giáo, tín ngưỡng.

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top