Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Cần nhiều mô hình điều trị cai nghiện ma túy

Thứ Hai 10/06/2019 | 11:10 GMT+7

VHO- Giải trình trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực ma túy, Bộ trưởng LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng hiện nay hầu hết các cơ sở cai nghiện đều quá tải, thiếu phác đồ điều trị ở các dạng nghiện khác nhau.

Theo số liệu của Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ,TB&XH), tính đến tháng 4.2019 trên cả nước hiện có 105 cơ sở cai nghiện công lập, hiện đang điều trị, cai nghiện cho gần 38.500 người nghiện, trong đó có gần 26.500 người cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án. Ngoài ra, gần 4.000 học viên cai nghiện tự nguyện tại cơ sở công lập, hơn 4.500 người nghiện không có nơi cư trú ổn định tại cơ sở xã hội và gần 3.500 người cai nghiện tự nguyện tại cơ sở cai nghiện ngoài công lập.

Nhiều cơ sở cai nghiện bị quá tải

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nay các cơ sở cai nghiện ma túy được quản lý tốt hơn, nhất là trong việc tiếp nhận, phân loại đối tượng nghiện, cắt cơn, cai nghiện, điều trị phác đồ cũng như lao động trị liệu và tạo việc làm, tạo ra môi trường thân thiện sau cai nghiện, nhất là quản lý và hỗ trợ sau cai nghiện. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng LĐ,TB&XH, hiện nay, hầu hết các cơ sở cai nghiện đều quá tải, thông thường là quá tải gấp 2 lần, thậm chí có nơi quá tải đến 4 lần. Chính vì sự quá tải này, dẫn đến tình trạng học viên phá cơ sở, bằng mọi lý do khác nhau, sẵn sàng đưa ra các xung đột nhất định để trốn khỏi cơ sở cai nghiện. Mặt khác, có đến 43% số người nghiện này có tiền án, tiền sự. Tại các tỉnh phía Nam, 90% là người sử dụng ma túy đá. “Hầu như các cơ sở này rất thiếu phác đồ điều trị, vì rất nhiều các loại nghiện khác nhau. Mà mỗi loại nghiện cần một phác đồ điều trị khác nhau. Trong khi đó, các cơ sở lại đang rất hạn chế số bác sĩ, số người chuyên môn sâu về vấn đề y tế. Do đó, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Y tế, tuy nhiên, sự phối hợp này vẫn chưa thật tốt” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.

Mô hình “Tăng cường hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người tham gia cai nghiện ma túy” của Trung tâm SCDI

Một thực trạng mà người đứng đầu Bộ LĐ,TB&XH trăn trở là tỷ lệ tái nghiện cao, thời gian qua nhiều trường hợp thanh niên sau khi cai thì lại tiếp tục trở lại trại. Các gia đình cần giáo dục con em mình, cố gắng mọi biện pháp để con em mình không mắc nghiện, vì “nghiện rồi thì rất dễ tái nghiện”. “Các cơ quan chức năng đang phấn đấu mục tiêu giảm cung- giảm cầu, sau đó là giảm tác hại. Đồng thời, phải thực hiện đồng bộ cả ba mô hình cai nghiện: Mô hình cai nghiện tại gia đình cộng đồng; cai nghiện tổng hợp; và cai nghiện bắt buộc. Cai nghiện bắt buộc là con đường cuối cùng, nếu như cai nghiện tại gia đình, cộng đồng không được thì mới đưa vào cai nghiện bắt buộc”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Ứng dụng các mô hình cai nghiện có hiệu quả

Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong phòng chống tệ nạn xã hội và định hướng công tác điều trị, cai nghiện trong tình hình mới do Bộ LĐ,TB&XH tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, thời gian qua, các vụ buôn bán ma túy với hình thức tinh vi diễn biến phức tạp và với số lượng ngày càng lớn. Giai đoạn 2010-2017, những chất ma túy buôn bán vào Việt Nam chủ yếu là nhóm Opiat (có nguồn gốc từ thuốc phiện). Trước đây nhóm này chiếm 90%, đặc biệt là khu vực phía Bắc thì hiện nay các nhóm đối tượng đã chuyển sang sử dụng ma túy tổng hợp chiếm 70-75%.

Việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất hướng thần gây nên biểu hiện rối loạn tâm thần, mất kiểm soát, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam và Tây Nam Bộ, tỷ lệ này lên đến 90-95%. Đáng chú ý, tình trạng người nghiện sử dụng đồng thời nhiều loại chất ma túy ngày càng phổ biến, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng. “Trong khi đó, một số quy định của Luật phòng, chống ma túy chưa thích ứng với Luật xử lý vi phạm hành chính. Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn, một số cơ sở cai nghiện ở các tỉnh, thành phố phía Tây Nam bộ có nguy cơ quá tải. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí và cơ sở vật chất cho cai nghiện…”, Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho hay.

Hiện nay, ngành LĐ,TB&XH đang điều trị Methadone cho 4.200 người, nhưng các chuyên gia cho rằng, việc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone gắn với trạm y tế cấp xã như là điểm cấp phát thuốc chưa được thực hiện rộng rãi tại các địa phương. Việc kiểm tra đánh giá về tuân thủ điều trị, sử dụng kép với ma túy khác, tình trạng bỏ liều diễn ra phổ biến, một bộ phận người nghiện điều trị nghiện thay thế bằng Methadone vẫn sử dụng heroin và ma túy khác, hoặc bỏ liều... “Công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng gặp nhiều khó khăn, số người được cai nghiện giảm dần, nguyên nhân do người nghiện và gia đình không tự khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác để tổ chức cai. Ngoài ra, cán bộ tổ công tác cai nghiện chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên nghiệp…”, ông Nguyễn Xuân Lập nói.

Thí điểm điều trị bằng đông y

Hiện nay, đã có nhiều mô hình mới hỗ trợ cai nghiện đang được thí điểm triển khai như mô hình “Tăng cường hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi với người tham gia cai nghiện ma túy” của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI). Mô hình này đang được triển khai tại 2 thành phố lớn là Hà Nội (tại quận Long Biên và Nam Từ Liêm), và TP.HCM (tại quận 4, Bình Thạnh và quận 1) nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan thực thi pháp luật, y tế, xã hội và cộng đồng trong hỗ trợ tiếp cận và tuân thủ các dịch vụ phù hợp với người sử dụng ma túy tại cộng đồng, nhằm đạt được hiệu quả điều trị cao nhất, giảm tỷ lệ tái nghiện, vi phạm pháp luật do tác động của ma túy, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV ở người sử dụng ma túy. Bộ Y tế cũng vừa “Khởi động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Buprenorphine” tại tỉnh Điện Biên. Trên thế giới, Buprenorphine được sử dụng để điều trị cho người nghiện các chất dạng thuốc phiện từ năm 1995 tại Pháp và hiện nay đã có 40 quốc gia trên thế giới áp dụng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa Buprenorphine vào danh mục thuốc thiết yếu từ năm 2005. Theo báo cáo của WHO năm 2015, khu vực châu Âu có tới 59% các nước đang triển khai điều trị bằng Buprenorphine. Tại Việt Nam, điều trị nghiện bằng thuốc Buprenorphine đã được thí điểm ban đầu từ năm 2015 trong khuôn khổ hai nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội và Trung tâm Phòng, chống HIV/ AIDS TP.HCM. Kết quả đánh giá cho thấy hiệu quả của điều trị Buprenorphine cho thấy rất nhiều ưu điểm.

Theo Cục trưởng Nguyễn Xuân Lập, thời gian tới, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thí điểm các mô hình cai nghiện ma túy tại địa phương như: Thí điểm điều trị, cai nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc đông y do Việt Nam sản xuất như Cedemex, Bông Sen, Heantos… Nghiên cứu thí điểm tòa án ma túy; thực hiện mô hình hỗ trợ tư vấn pháp lí và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma túy; Mô hình điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng; mô hình dự phòng nghiện ma túy cho nhóm nguy cơ cao. 

 VÕ ÂN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top