Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Sân khấu Việt: "Đang tụt hậu chạm đáy"?

Thứ Hai 10/06/2019 | 11:26 GMT+7

VHO- Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đi cùng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi công chúng ngày càng có điều kiện cập nhật các giá trị văn minh nhân loại, hoạt động nghệ thuật càng đòi hỏi những phương thức, cách làm mới để bắt kịp, đáp ứng yêu cầu của thế hệ “công dân toàn cầu”… Vì thế, việc hiện đại hóa nghệ thuật sân khấu là điều tất yếu.

Một vở diễn tham dự Liên hoan Sân khấu Tuồng, Dân ca kịch 2019

 Tuy nhiên, sân khấu nước ta hiện nay có vẻ như vẫn đứng ngoài “xu thế” và ngày càng tụt hậu so với sự phát triển của thời đại.

Biết rồi, vẫn nói tiếp

Ở nước ta tuy có nhiều rạp hát, nhà hát được xây dựng từ thời Pháp thuộc cho đến nay, nhưng vẫn chưa có một địa điểm nào đạt tiêu chuẩn và tầm cỡ khu vực lẫn thế giới. Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, một trong những kiến trúc nhà hát hàng đầu của châu lục, nhưng chỉ có sức chứa khoảng 600 chỗ, thích hợp với các chương trình mang tính cổ điển, bác học. Cung Văn hóa Hữu nghị tuy rộng rãi hơn với sức chứa hơn 1.200 chỗ ngồi, hay Trung tâm Hội nghị quốc gia rộng 4.000 m2, có sức chứa 3.500 chỗ ngồi, nhưng lại được xây dựng không phải là một rạp hát đúng nghĩa.

Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long ở khu phố cổ Lương Văn Can, nhưng lại quá chật hẹp, không đủ điều kiện để tổ chức biểu diễn. Hoặc như Nhà hát Kịch Việt Nam nằm ngay sau lưng Nhà hát Lớn, sân khấu khai thác từ phòng tập nhỏ của diễn viên. Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam nằm sâu trong một con ngõ gấp khúc ở phố Núi Trúc. Riêng Nhà hát Múa rối Trung ương có cơ ngơi tương đối hiện đại thì lại nằm ngay trên đường vành đai, gắn liền với hình ảnh của nạn tắc đường, mù mịt khói và bụi.

Ở TP.HCM có Nhà hát Hòa Bình, với sức chứa hơn 2.000 chỗ ngồi, nhưng cũng chỉ thích hợp với các chương trình ca nhạc tạp kỹ, còn sân khấu với đối tượng công chúng chọn lọc hơn, thường chỉ giới hạn lượng người xem trong khoảng mấy trăm ghế cho một suất diễn thì lại không phù hợp. Rạp Trần Hưng Ðạo xuống cấp trầm trọng và sau khi được nâng cấp thì bị rơi vào tình trạng không biểu diễn được vì đơn vị thi công thực hiện sai thiết kế. Ở một số địa phương có xây dựng rạp hát cho các đoàn biểu diễn, nhưng lại cách xa khu đông dân cư (như Đoàn Văn công Đồng Tháp - Domesco)… và việc xây dựng mới chỉ chú ý đến vấn đề tìm và xây dựng được một địa điểm để tạo chỗ trú chân cho đơn vị biểu diễn, mà chưa tính đến những điều kiện thích hợp để phát huy tối đa các thiết chế nhà hát, rạp hát với tư cách là các

 trung tâm trình diễn nghệ thuật.

Trong khi đó, việc phân bổ các nhà hát, rạp hát cho các đoàn nghệ thuật bị rơi vào tình trạng bất hợp lý. Ðơn cử như Nhà hát Chèo Hà Nội có hai rạp hát là rạp Đại Nam và rạp Nguyễn Đình Chiểu thì Ðoàn xiếc Hà Nội, cho đến nay vẫn chưa có một rạp cho riêng mình, vẫn phải duy trì hoạt động chủ yếu theo hình thức lưu diễn. Trong 12 Nhà hát trực thuộc Bộ VHTTDL, hiện vẫn còn Nhà hát Cải lương Việt Nam chưa có “nhà” để diễn. Trụ sở của Nhà hát nằm trong ngõ nhỏ, ngoằn ngoèo, chật hẹp, chẳng liên quan đến môi trường thưởng thức nghệ thuật.

Hơn nữa, phần lớn các rạp hát, nhà hát đều xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị lạc hậu, không đảm bảo an toàn cũng như tiêu chuẩn của một sân khấu hiện đại, phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Thậm chí ngay cả những nhà hát, rạp hát được sửa chữa, nâng cấp nhưng khai thác chưa hiệu quả và trở thành nơi cho thuê địa điểm tổ chức các sự kiện… Việc chuyển đổi công năng của các rạp hát, nhà hát đó được xem như một hình thức “chống lãng phí” cơ sở vật chất nhưng lại tạo nên một kiểu lãng phí khác khi chưa khai thác để sử dụng hiệu quả theo đúng chức năng của các rạp hát, nhà hát đó.

Chính nghệ sĩ cũng... lạc hậu

Có thể thấy rõ hiện nay sân khấu có “làn sóng” đua nhau dàn dựng lại những kịch bản cũ từ cách đây ngót 10 - 20 -30 năm; khôi phục, dàn dựng lại những vở diễn cũ; lấy kịch bản viết riêng cho thể loại khác để rồi chuyển thể, tái sử dụng một cách khập khiễng; chỉ tìm đến đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại vì các đề tài này dễ “vào chèo, tuồng, cải lương, kịch dân ca” khi ca, múa, diễn và các nghệ sĩ đỡ mất công tìm tòi, thử nghiệm, đồng thời giải quyết vấn đề mang tính “ngắn hạn”, “trước mắt” là có được nguồn doanh thu từ các lễ hội địa phương… Điều này dẫn đến thực trạng sân khấu thiếu hơi thở của thời đại và lạc lõng với thời cuộc. Bên cạnh đó, sân khấu còn thiếu những sáng tạo mới mang tính đột phá, thiếu chiều sâu tư tưởng lớn mang tầm thời đại, nhất là ở khâu đạo diễn. Điều này làm cho sân khấu “đi vào lối sáo mòn”, “nặng tuyên truyền chính trị, hô hào khẩu hiệu”, “cách đặt vấn đề quá cũ, kiểu dàn dựng lạc hậu, diễn xuất lên gân” hoặc trở thành “hài nhảm, lê thê và nhạt nhẽo”, làm suy giảm chất lượng nghệ thuật, kém hấp dẫn khán giả.

Không phải ngẫu nhiên mà tại Liên hoan Sân khấu Tuồng, Dân ca kịch vừa qua, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo PGS.TS Trần Trí Trắc đã phải thừa nhận nghệ thuật sân khấu đã quên mất sứ mệnh “thư ký thời đại”, “đang tụt hậu chạm đáy”, và “tuy có đổi mới, cách tân nhưng vẫn không cất cánh bay bổng vượt khỏi sức ỳ, lạc hậu của loại hình” để phát triển “mang tầm hiện đại và phù hợp với thẩm mĩ thời đại”. Và tại Hội thảo Sân khấu Hà Nội với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức vào cuối tháng 5 vừa qua, các tham luận đều nhìn nhận rất thẳng thắn về sự tụt hậu và tính cấp thiết phải hiện đại hóa của nền sân khấu Việt.

Hơn lúc nào hết, sân khấu đang gióng tiếng chuông báo động về nhu cầu cần phải “đổi mới” và trước hết là “đổi mới tư duy” của các nghệ sĩ và các nhà quản lý. 

TRẦN THỊ MINH THU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top