Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thu tiền học phí bằng... rác thải nhựa

Thứ Sáu 21/06/2019 | 10:14 GMT+7

VHO- Một trường tiểu học tại Ấn Độ đã triển khai cách thức bảo vệ môi trường vô cùng độc đáo, đó là thu tiền học phí bằng vỏ chai nhựa.

Trường Akshar, một ngôi trường nhỏ thuộc tiểu bang Assam, Ấn Độ được gây dựng bởi hai giáo viên trẻ là Parmita Sarma và Mazin Mukhtar vào tháng 6.2016. Mới đây, ngôi trường nhỏ nằm giữa ranh giới phía nam dãy Himalaya này đã áp dụng một biện pháp vô cùng độc đáo để bảo vệ môi trường đó chính là thu tiền học phí bằng vỏ chai và rác thải nhựa. Mỗi tuần, một trong số 110 học sinh tại trường Akshar có nhiệm vụ thu gom và đóng góp 20 vật dụng bằng nhựa để đóng “học phí”.

 Các em học sinh tại Trường Akshar đóng học phí bằng chai nhựa Ảnh: ANANYA BARUA

Hành động nhỏ

Sáng kiến về việc đóng học phí bằng chai nhựa, được đưa ra sau khi yêu cầu từ phía nhà trường đối với phụ huynh về chương trình tái chế bảo vệ môi trường không thành công. Một trong những lý do lớn nhất dẫn đến ý tưởng về hoạt động tái chế này, là sự ảnh hưởng từ khói độc đến trong hoạt động đốt rác thải nhựa để giữ ấm trong mùa đông từ các hộ dân cư lân cận đối với các lớp học tại trường. Việc các gia đình thu gom rác thải, bao gồm rác thải nhựa để sưởi ấm mà không ý thức được tác hại nghiêm trọng của chúng đối với sức khỏe con người vốn là điều vô cùng phổ biến tại khu vực tây bắc Ấn Độ. Chính vì vậy, hai giáo viên trẻ là Parmita Sarma và Mazin Mukhtar đã đưa ra một sáng kiến giúp tạo ra sự thay đổi trong giáo dục trẻ nhỏ ý thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

Trả lời phỏng vấn của truyền thông địa phương, Parmita Sarma cho biết: “Tôi vốn muốn xây dựng một trường học miễn phí cho tất cả học sinh nơi đây, tuy nhiên sớm nhận ra một vấn đề còn nan giải hơn đó chính là môi trường tại khu vực này khi mỗi lớp học đều chứa đầy khói độc từ việc người dân đốt rác thải nhựa vào mùa đông để giữ ấm. Chúng tôi muốn nhìn thấy sự thay đổi và việc khuyến khích học sinh đóng học phí bằng chai nhựa chính là một phần của những thay đổi đó”.

Trở lại năm 2013, Mazin Mukhtar đã có chuyến đi từ New York (Mỹ) đến Ấn Độ trong một dự án về giáo dục khác. Tại đây, anh đã gặp Parmita Sarma, một thạc sĩ ngành Công tác Xã hội tại Viện Khoa học Xã hội Tata (TISS). Kể từ đó, cả hai đã cùng thành lập nên trường học Akshar, một ngôi trường với mục đích chính là đưa nền giáo dục phổ thông đến gần hơn với các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tại tiểu bang Assam, Ấn Độ. Mazin Mukhtar cũng chia sẻ: “Chúng tôi nhận ra rằng, giáo dục cần phải phù hợp với xã hội, kinh tế và môi trường đối với trẻ nhỏ. Một trong những thách thức đầu tiên chính là việc thuyết phục người dân địa phương gửi con của mình đến trường, vì hầu hết trước đó, các em đều làm việc tại mỏ đá gần đó”. Theo lời Parmita, tại các mỏ đá, các em nhỏ được trả công từ 150 đến 200 rupee mỗi ngày (tương đương khoảng 67.000 đồng) với môi trường làm việc vất vả, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Đây được coi là hoạt động không phù hợp với trẻ vị thành niên. Chính vì vậy, với hy vọng thay đổi môi trường sống của các em, Parmita Sarma và Mazin Mukhtar đã xây dựng nên một ngôi trường phổ cập giáo dục với cách đóng học phí lạ lùng.

Ý nghĩa lớn

Hoạt động của ngôi trường cũng như sự thay đổi đến từ các em học sinh đã giáo dục cộng đồng của cả tiểu bang Assam về các hiểm họa sức khỏe bắt nguồn từ việc đốt rác thải nhựa một cách thường xuyên. Để củng cố sức lan tỏa từ thông điệp, hai nhà sáng lập trẻ tuổi cũng tạo ra các chương trình giảng dạy theo cách thay đổi nhận thức của các em học sinh theo học tại trường Akshar.

Trên thực tế, Akshar không phải ngôi trường duy nhất trên thế giới áp dụng hình thức đóng tiền học phí bằng rác thải nhựa với hy vọng bảo vệ môi trường. Trường quốc tế Morit, một trường tư thục ở châu Phi cũng đang áp dụng cách thức tương tự sau khi hợp tác với RecyclPay. Đây là một phần trong chiến dịch Làm sạch châu Phi (ACI). Tham gia vào chiến dịch này, hầu hết các bậc phụ huynh cho biết, họ bắt đầu tự hình thành thói quen thu các chai nhựa từ gia đình mình hoặc các hộ lân cận để đóng học phí cho con em mình. “Lúc đầu tôi cảm thấy khá ngại ngùng khi tiến hành thu nhặt các vỏ nhựa rỗng. Tuy nhiên, việc chi trả học phí vốn không phải một điều dễ dàng đối với chúng tôi. Chính vì vậy, chiến dịch này đã thực sự làm giảm gánh nặng cho các bậc phụ huynh nơi đây”, một phụ huynh cho hay.

Trong những năm trở lại đây, biến đổi khí hậu song song với lượng rác thải nhựa khổng lồ thải ra môi trường mỗi năm chính là vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn thế giới. Theo thống kê, năm 2016, dân số toàn cầu với hơn 7 tỷ người đã sản xuất hơn 320 triệu tấn nhựa. Con số này được dự đoán sẽ tăng lên gấp đôi vào năm 2034. 

 HẢI CHI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top