Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Chuyện những phụ nữ đi săn “tử thần”

Thứ Tư 31/07/2019 | 10:17 GMT+7

VHO- Những người phụ nữ mà công việc hàng ngày của họ là phải tiếp xúc với vô vàn bom đạn, vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh. Tính cẩn thận phải được đặt lên hàng đầu bởi chỉ cần sai một ly hay tích tắc bất cẩn, tính mạng có thể ngàn cân treo sợi tóc.

 Công việc rà phá bom mìn đòi hỏi tính cẩn trọng rất cao

Họ chính là những nhân viên thuộc Đội nữ rà phá bom mìn của dự án RENEW và Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy (NPA) đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Đi săn “tử thần”

Giữa trưa, nắng như đổ lửa trên đầu nhưng những nữ nhân viên của đội rà phá bom mìn, mỗi người mỗi nhiệm vụ vẫn cặm cụi với chiếc máy dò cạn, dò sâu bên những hố đất mà phía dưới là đạn, mìn đủ loại. Mỗi lúc rà tìm được bom mìn, đôi mắt họ lại ánh lên hạnh phúc. Chị Thủy (30 tuổi), Đội trưởng cho biết, tất cả nhân viên của các đội, dù ở đâu thì mỗi ngày cũng phải có mặt tại nhà hoạt động của dự án lúc 6 giờ sáng để chuẩn bị dụng cụ và cùng đồng đội xuất phát đến địa điểm rà bom mìn. Địa điểm hoạt động hôm nay là cánh rừng tràm tại thôn Gia Đẳng, xã Hải An, huyện Hải Lăng, khu vực từng là khu căn cứ quân sự của quân đội Mỹ thời chiến tranh.

Tranh thủ những phút nghỉ ngơi, chị Thủy kể rằng vào một ngày tháng 4 vừa qua, khi cô tham gia rà bom mìn và vật liệu nổ trên một ruộng lúa vừa được người dân thu hoạch tại một xã thuộc huyện Hải Lăng thì những tiếng kêu chói tai đồng loạt vang lên. Lúc đó rất nhiều bom bi đã được phát hiện. “Ngày hôm ấy trên đường về cứ suy nghĩ nếu không phát hiện kịp thời, lỡ vào vụ mùa người dân sử dụng máy cày va chạm phải thì hậu quả sẽ thế nào. Từ suy nghĩ đó, tôi thấy rất vui và yêu nghề và tin tưởng vào sự lựa chọn của mình”.

Công việc của 16 nữ nhân viên đội rà phá bom mìn cứ diễn ra trong bình lặng. Mỗi lần tiếng máy rà vang lên khi gặp phải kim loại cả đội vui mừng xen lẫn lo âu. Một người nhanh chóng cắm cờ đỏ lên khu vực phát hiện kim loại. Tiếp đó, một nhân viên khác cầm máy dò tay đến kiểm tra, dùng xẻng đào nhẹ lớp đất. Cứ thế, theo quy trình kỹ thuật, các nhân viên của đội sẽ bốc tách dần lớp đất cho đến khi phát hiện bom, mìn hoặc vật liệu nổ… Sau mỗi ngày làm việc, khoảng hơn 1 giờ chiều những vật liệu nổ sẽ được hủy hoàn toàn. Trừ những quả bom to có thể di chuyển an toàn thì sẽ được đưa về bãi nổ nơi cách xa dân cư để hủy.

Những cái tên như Thủy, Thắm, Oanh, Hòa, Nga, Ly, Khánh, Nhung, Nhi, Hương, Hà, Thanh, Yến, Phương, Hậu, Thảo cùng nhiều đồng nghiệp vẫn rong ruổi trên các đường quê Quảng Trị để góp phần xử lý phế liệu chiến tranh. “Nhìn nụ cười của người dân tiếp thêm cho chúng tôi động lực để tiếp tục công việc. Còn những điều như vất vả nắng mưa, đối với chị em tôi giờ không còn quan trọng nữa vì đã quá quen rồi, chỉ cần có niềm tin là không có công việc gì không thực hiện được”, Thủy cho biết.

Các nữ nhân viên Dự án Renew - NPA vận hành máy rà phá bom mìn

Những hi sinh thầm lặng

Dù rất yêu nghề và quyết tâm dấn thân với sở thích của mình nhưng những nữ nhân viên của đội rà phá bom mìn vẫn phải vất vả vượt qua nhiều định kiến của gia đình, người thân và cả xã hội. “Bố mẹ yên tâm, con sẽ giữ an toàn cho mình và mọi người”, chị Thắm (24 tuổi) nói với bố mẹ khi quyết định nghỉ việc tại một trường học để nộp hồ sơ dự tuyển đi rà phá bom mìn. Người Thắm yêu lúc này cũng khuyên ngăn vì cho rằng việc làm này là của đàn ông. Có lúc cuộc tranh cãi lên đến đỉnh điểm, không tìm được tiếng nói chung nên hai người giận hờn và nói lời chia tay.

“Em nói với anh ấy rằng, đó là công việc của em, em đã chọn thì anh nên tôn trọng. Nếu không chấp nhận thì chúng ta có thể chia tay. Ngăn cấm không được, anh ấy hạ giọng chuyển sang khuyên ngăn. Anh nói công việc này nguy hiểm, suốt ngày phải tiếp xúc với bom đạn. Rồi sau này chúng ta có con thì càng khó khăn. Nhưng điều đó càng làm em quyết tâm hơn”, chị Thắm kể. Từng chứng kiến một vụ tai nạn bom khiến một người hàng xóm tử vong, rồi hơn chục năm trước, gia đình Thắm phát hiện một quả bom nằm trong rẫy. Cô không dám bước chân vào, suốt ngày lo lắng vì sợ ai đó đi ngang qua vô tình dẫm đạp phải hoặc nó sẽ tự nổ khi phơi dưới tiết trời nắng nóng của miền Trung. Sau đó, quả bom được những cô chú của đội rà phát bom mìn lưu động về địa phương lấy.

Những hình ảnh đó cứ luẩn quẩn trong đầu cô suốt hai hôm thức trắng suy nghĩ. Rồi dòng chữ mang tên Trịnh Thị Hồng Thắm cũng được thêu ngay mặt trước bên phải chiếc áo đồng phục vào năm 2015. Từ đó cuộc sống của chị Thắm gắn liền với những chuyến đi đến những vùng đất lạ. Những nơi cô cùng với đồng đội đi qua sẽ để lại những vùng đất “sạch” để bà con an cư, canh tác. Chị Thắm giờ đã làm công việc rà phá bom mìn 2 năm và đã có một con nhỏ. Khi được hỏi có muốn tiếp tục với công việc hiểm nguy này không khi trọng trách của một người mẹ đặt nặng trên vai, chị Thắm cười tươi và khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục”.

Khác với Thắm, Trần Thị Bảo Khuyên đến với nghề rà phá bom, mìn khi đang là cán bộ công tác đoàn địa phương. Cuộc sống cứ bình lặng trôi đi nếu như chị Khuyên không quyết định rẽ ngang để đến với nghề rà phá bom mìn. Chị Khuyên cho biết, bị gia đình phản đối kịch liệt, cô phải giấu mọi người đi nộp hồ sơ để vừa kiếm cho mình một công việc phù hợp. Đến ngày trúng tuyển đi làm thì không thể giấu thêm được nữa.

“Dù ba mẹ rất giận nhưng chỉ ít hôm thì cũng phải chấp nhận và động viên mình phải làm việc cẩn thận, an toàn. Ba mẹ cản cũng chỉ sợ mình nguy hiểm thôi, người Quảng Trị mà, ai cũng đã chứng kiến nhiều việc đau lòng từ bom đạn nên rất ám ảnh”, Khuyên tâm sự. 

 KIÊN ĐỒNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top