Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Ký ức về liệt sĩ làng Lai: Nỗi ám ảnh về sự mong manh

Thứ Tư 31/07/2019 | 11:21 GMT+7

VHO- Mỗi ô cửa sổ giới thiệu ký ức một liệt sĩ. Những mảnh ghép lưu lại trong ký ức người thân liệt sĩ với những nỗi đau day dứt đã được nhóm sinh viên khoa Di sản Văn hóa (Đại học Văn hóa Hà Nội) cùng các chuyên gia “ghép lại” ở cuộc triển lãm “Ký ức về liệt sĩ làng Lai”.

 Những giọt nước mắt của người mẹ tại triển lãm Ký ức liệt sĩ làng Lai

Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá những ngày này luôn có nhiều người tìm đến để được sống lại ký ức khó quên về những anh hùng liệt sĩ làng Lai, cùng với nỗi đau day dứt của người ở lại. Triển lãm vừa mới được khai mạc và kéo dài đến hết tháng 9.2019.

Ký ức mỏng manh

Trưng bày gồm 3 phần: Những ký ức đậm sâu; Day dứt những nỗi đau và Những ký ức mỏng manh. Mới lạ và công phu, cách những người thực hiện triển lãm tạo ấn tượng đặc biệt là thông qua mỗi ô cửa sổ để giới thiệu ký ức một liệt sĩ, nhằm gợi cho người xem cảm xúc muốn khám phá tìm hiểu. Mỗi ô cửa đó mở ra không phải để thỏa mãn tò mò mà để bắt gặp cảm xúc mạnh mẽ về những chàng trai trẻ đã ra đi và không thể trở về.

Cũng như bao làng quê khác, Lai Xá (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, Hoài Đức, Hà Nội) có nhiều người con đã nằm lại vĩnh viễn nơi chiến trường trong cả hai cuộc kháng chiến, lẫn trong chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. “Ký ức về liệt sĩ làng Lai” của Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá là hoạt động tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn những người đã hy sinh xương máu vì nền độc lập của Tổ quốc khi tháng 7 đến. Gần 20 liệt sĩ Lai Xá trong triển lãm này là những chàng trai tuổi đời còn rất trẻ, nhiều người trong số họ còn chưa lập gia đình. Họ ra đi khi những đứa em còn nhỏ dại. Mất mát và đau đớn ập về chỉ sau vài tháng hoặc một năm họ ra chiến trường, khiến gia đình không dám tin đó là sự thật.

Kỉ vật về các anh có thể là bức ảnh thờ, là bức hình hoen mờ dấu vết thời gian, là tấm ảnh đám cưới tổ chức vội vã trước khi lên đường ra chiến trận… PGS. TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, người con quê hương Lai Xá cũng là người đã có ý tưởng tổ chức trưng bày chia sẻ, lần đầu tiên, một triển lãm về liệt sĩ không kể nhiều về chiến công của người đã mất mà kể về sự day dứt của người còn sống khi ký ức về người thân ngày một nhạt nhoà theo năm tháng. Đó là nỗi day dứt của bà Nguyễn Thị Bích, vợ liệt sĩ Trần Ngọc Dem, sau 50 năm chồng ra đi nơi chiến trường nhưng vẫn chưa tìm được hài cốt để thắp nén hương lên nấm mộ. Người phụ nữ 77 tuổi này cho đến bây giờ trong lòng vẫn chất chứa biết bao nỗi niềm. Các bức ảnh, các kỷ vật về người chồng vẫn được bà lưu giữ trong chiếc hộp gỗ nhỏ ở nhà. Mỗi dịp như thế này, nỗi nhớ khôn nguôi lại ùa về trong người phụ nữ ấy.

Đó là những ký ức của người em về người anh liệt sĩ. Hình ảnh bộ quần áo xanh bộ đội khi anh ra chiến trường vào chiều xưa chập choạng vẫn luôn ám ảnh người em của liệt sĩ Phạm Văn Tịnh, cho đến tận bây giờ. Là lá thư in hằn vết tích tháng năm của liệt sĩ Phạm Gia Kim từ chiến trường gửi về cho vợ, bà Nguyễn Thị Hằng vào năm 1969, sau những cuộc hành quân chiến đấu dài qua Lào, Campuchia. Ông Kim viết: “... Vì sự việc chống Mỹ cứu nước anh phải đi, em cũng thông cảm cho anh, em nhé. Vì miền Nam ruột thịt em ạ. Anh chúc em khoẻ, nuôi con ngoan, chăm cho chúng nó ăn, động viên chúng nó bố đi đánh Mỹ, thống nhất bố về với con. Nhớ em anh để trong lòng. Thương em anh cũng đành mà đi…”. Ông Kim đã hi sinh sau những ngày tháng đó.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy xúc động: “Nhiều người dân đã giấu hay hủy đi các hiện vật của người thân, để “trốn” đi sự đau thương mất mát quá lớn. Thời gian trôi đi, bố mẹ các liệt sĩ lần lượt qua đời, đàn em lớn lên nhớ về các anh trong một ký ức mờ nhạt. Những tấm ảnh ngày một hoen ố và đa phần cũng bị thất lạc. Nhiều liệt sĩ còn không thể tìm thấy hài cốt. Và nhiệm vụ của những người sưu tập, lưu giữ là đi tìm, lưu lại các ký ức đó từ chính một làng quê”.

Trưng bày Ký ức liệt sĩ làng Lai

Những ô cửa mở ra ký ức

Trưng bày với cách kể chuyện và khám phá mới mẻ, thông qua ký ức của các thế hệ khác nhau về người thân là liệt sĩ, người xem sẽ thấy được có những ký ức sâu đậm, có những ký ức mong manh. Những bức ảnh chứa đựng nhiều kỷ niệm và ký ức thì lại càng mong manh hơn, bởi chúng đang bị huỷ hoại dần theo thời gian. Chúng ta phải làm gì trước những sự mong manh này? Đó là câu hỏi cho người Lai Xá và khách tham quan khi bước ra khỏi phòng trưng bày tuy nhỏ nhưng đầy ắp tình yêu này.

Và có lẽ đó cũng là thông điệp sâu sắc của những người tâm huyết cùng nhau hiện thực hóa ý tưởng cuộc trưng bày. Tại đó, có những ô cửa với cánh cửa màu đen nằm cạnh nhau trên những tấm pano trưng bày. Khi ô cửa đó mở ra, công chúng nhìn thấy những tấm chân dung liệt sĩ cùng câu chuyện về họ, về gia đình họ. Nhiều câu chuyện nhỏ đã được kể lại trong cuộc trưng bày rơi nước mắt này. Điều đặc biệt, câu chuyện về những anh hùng liệt sĩ làng Lai đã được tái hiện qua phỏng vấn của nhóm sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, qua những hình dung mà người thân các liệt sĩ chia sẻ. Trong suốt hơn 2 tháng hè, những bạn trẻ không quản trời mưa nắng, lặn lội tìm đến từng người thân của gia đình các liệt sĩ để nghe họ kể chuyện. Họ cùng góp nhặt những kỷ vật còn sót lại, để vừa gợi ký ức, vừa kể cho công chúng câu chuyện thời hậu chiến.

Làng Lai Xá vốn nổi tiếng về nghề nhiếp ảnh, nhưng ở triển lãm này, hiện diện đều là những tấm ảnh ố màu, chân thực đến bật khóc, những tấm hình không chỉnh sửa. Với cách tiếp cận nhân vật khác biệt nên những câu chuyện trong triển lãm cũng khiến người xem đắm đuối từ đầu đến cuối. Ai cũng có thể vừa cảm nhận về sự chân thực dung dị của người làng Lai, vừa cảm thấy tính hiện đại, khúc triết trong thủ pháp trưng bày. Còn theo những người thực hiện, điều khó nhất ở đây chính là sự mong manh của ký ức, khi thời gian mải miết trôi đi. Làng có 50 liệt sĩ, nhưng khi tìm kiếm thông tin cho triển lãm thì chỉ có 20 người.

“Thông qua triển lãm này, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá mong muốn gửi đến người xem một thông điệp lớn. Đó là cộng đồng hãy tiếp tục cùng nhau ghi lại những ký ức đang dần phai nhạt theo thời gian, sưu tầm, lưu giữ thật tốt những tấm ảnh quý về các liệt sĩ nói riêng và về gia đình nói chung…”, PGS. TS Nguyễn Văn Huy bộc bạch. 

 Thông qua triển lãm này, Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá mong muốn gửi đến người xem một thông điệp lớn. Đó là cộng đồng hãy tiếp tục cùng nhau ghi lại những ký ức đang dần phai nhạt theo thời gian, sưu tầm, lưu giữ thật tốt những tấm ảnh quý về các liệt sĩ nói riêng và về gia đình nói chung…

(PGS. TS NGUYỄN VĂN HUY)

 HOÀNG VY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top