Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Lại một ngôi cổ tự được trùng tu… “xây mới”

Thứ Tư 07/08/2019 | 09:24 GMT+7

VH- Chùa Quốc Ân với lịch sử hơn 330 năm tại TP.Huế mặc dù chưa được công nhận là di tích, nhưng là nơi lưu giữ nhiều đặc trưng kiến trúc truyền thống Huế. Nhưng tiếc thay, chánh điện ngôi cổ tự này với hơn 200 năm xây dựng vừa được tháo dỡ hoàn toàn để xây mới…

Sau việc hạ giải hoàn toàn để xây mới chánh điện chùa Từ Hiếu cách đây không lâu, người dân địa phương lại “sững sốt” khi thấy nhà chánh điện của chùa Quốc Ân (số 143 Đặng Huy Trứ, TP.Huế) cũng được “dọn” sạch sẽ để xây mới.

Phải dùng thau hứng nước khi tụng kinh

Khi chúng tôi có mặt tại chùa Quốc Ân ngày 6.8, nhóm thợ đang dùng máy khoan và máy xúc để tháo dỡ những hạng mục cuối cùng bằng bê-tông của khu chánh điện. Hệ thống kết cấu gỗ đã được “dọn” trước đó và được nhà chùa phân loại, đánh dấu và bảo quản tại một khoảnh đất trong khuôn viên.

Công trình chánh điện chùa Quốc Ân vốn được dựng với kết cấu gỗ và nét đặc trưng của nhà rường xứ Huế. Đại đức Thích Minh Chơn- giám tự chùa cho biết: Chánh điện Quốc Ân có 48 cột gỗ, trong đó có 8 cột làm trụ chính. Tuy nhiên, 7 cột đã hư hỏng khoảng 50% và 1 cột thì đã hỏng hoàn toàn. Các cấu kiện bằng gỗ khác cũng bị mục ruỗng, hư hại nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hệ thống vách tường bị ngấm nước, mái ngói thì dột. “Mùa mưa, nhiều khi phải dùng thau hứng nước khi tụng kinh. Có lần đang ngủ, nghe vật gì rơi ầm, cứ nghĩ có người lạ “đột nhập” nhưng chạy đến thì thấy từng mảng gỗ bị mối ăn rơi xuống. Đã có nhiều trường hợp đang tụng kinh thì bị các đoạn gỗ hư hỏng rơi xuống trúng người”- Đại đức Thích Minh Chơn kể.

Chánh điện chùa Quốc Ân đã được tháo dỡ toàn bộ để... xây mới. Ảnh: Sơn Thùy

Ngôi chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu, gần đây nhất là đợt trùng tu năm 1945. Đã qua gần 75 năm, hứng chịu nhiều tác động khắc nghiệt của thiên tai nên các công trình xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực chánh điện. Theo vị giám tự của chùa Quốc Ân, nếu để công trình chánh điện đến mùa mưa năm nay thì không biết sự cố gì sẽ xảy ra? Vì tính an toàn lâu dài cho đời sau nên nhà chùa không tu sửa mà quyết định xây mới toàn bộ chánh điện.

Thực tế, nhà chùa đã tính đến kế hoạch trùng tu chánh điện từ nhiều năm trước đó, nhưng do một số lý do khách quan nên bây giờ mới thực hiện. “Năm 2016, việc xây dựng lại chánh điện đã được Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế thẩm định, cấp phép. Sau đó, vì chưa triển khai được nên chúng tôi đã 2 lần xin gia hạn. Đến tháng 4.2019, nhà chùa chính thức đặt đá để xây lại chánh điện; dự kiến đến tháng 10 (âm lịch) năm nay sẽ lợp ngói và hoàn thiện dần”- Đại đức Thích Minh Chơn thông tin.

Cấu kiện gỗ cũ được hỏi mua tiền tỷ nhưng không bán

Việc “xây mới” chánh điện chùa Quốc Ân dự kiến với kinh phí khoảng 30 tỷ đồng, trong đó riêng cấu kiện gỗ hơn 10 tỷ đồng. Loại gỗ này là gỗ cẩm xe, được nhà chùa đặt mua và nhập từ Lào và Campuchia về từ mấy năm trước. Ngay khoảng đất trước mặt chùa, dễ dàng nhận thấy bãi tập kết gỗ và nhóm thợ mộc liên tục cưa xẻ, thi công điêu khắc để kịp cho việc dựng chánh điện trước mùa đông năm nay.

Quốc Ân tự là ngôi tổ đình đầu tiên của thiền phái Lâm Tế tại Việt Nam. Năm 1682, thiền sư Nguyên Thiều đã dựng thảo am Vĩnh ÂN ở vùng đất Phú Xuân để tu tập và truyền bá Phật Pháp. Sau đó, được chúa Nguyễn Phúc Trăn đổi tên thành “Sắc tứ Quốc Ân tự”. Mặc dù bị tàn phá nặng nề vào thời Tây Sơn, nhưng sau đó chánh điện của chùa được thiền sư Mật Hoàng dựng lại năm 1817. Tính đến nay, chánh điện này có tuổi đời 202 năm.

Khi chúng tôi nhắc đến giá trị lịch sử  và giá trị kiến trúc độc đáo của công trình chánh điện, Đại đức Thích Minh Chơn nói rằng: người ngoài tiếc một, còn tôi thì tiếc mười. Nhưng không làm không được, vì an toàn cho tăng ni phật tử là trên hết. Để công trình xuống cấp vậy, nếu phật tử đang dâng hương niệm Phật mà có chuyện gì xảy ra thì nhà chùa làm sao chịu trách nhiệm hết. Vị giám tự này cũng thông tin thêm: cũng vì nhận rõ giá trị của hệ thống cấu kiện kiến trúc gỗ mà chúng tôi đã tỉ mỉ phân loại, bảo quản để có thể sử dụng ở một công trình khác của nhà chùa.

“Cũng có nhiều người chuyên làm nhà rường đến hỏi mua hệ thống gỗ vừa hạ giải xuống, họ trả giá đến 3-4 tỷ nhưng tôi không thể bán. Đây là “hồn cốt” của lịch sử nhà chùa, bán đi rồi mang tiếng cả đời. Dự kiến, sau khi xin giấy phép để phục chế các cột kèo còn sử dụng được, nhà chùa sẽ xem xét để thay thế cho hệ thống cấu kiện gỗ ở nhà hậu (phía sau chánh điện)- nơi thờ các vị tổ sư của chùa”- vị giám tự kể.

Cũng như chùa Từ Hiếu, chùa Quốc Ân dù chưa được xếp hạng di tích nhưng đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế lên danh sách 153 công trình, địa điểm cần được bảo vệ  (theo quyết định số 1046/QĐ-UBND ngày 8.10.1993). Ngôi chùa này hiện đang lưu giữ nhiều bảo pháp, trong đó có nhiều tượng Phật cổ nổi tiếng.

Trăn trở với chúng tôi, Đại đức Thích Minh Chơn chia sẻ: với giá trị lịch sử, kiến trúc và văn hóa đặc sắc nhưng chùa Quốc Ân vẫn chưa được xếp hạng di tích. Trong khi đó, một số chùa ở các địa phương khác- chỉ là một nhánh của chùa Quốc Ân, được “sinh sau đẻ muộn” nhưng xếp hạng di tích quốc gia rồi!.

Chùm ảnh PV Báo Văn Hóa ghi lại tại chùa Quốc Ân:

Chùa Quốc Ân có lịch sử hơn 330 năm, là tổ đình đầu tiên của phái Lâm Tế tại Việt Nam

Bản vẽ công trình chánh điện đã được Sở Xây dựng thẩm tra năm 2016

Khi PV có mặt tại chùa Quốc Ân ngày 6.8, toàn bộ khu vực chánh điện đã được tháo dỡ, chỉ còn một phần nền móng bê-tông

Hệ thống ngói liệt của chánh điện được phân loại và xếp ngay trong khuôn viên chùa

Các cấu kiện gỗ sau khi tháo dỡ chánh điện được phân loại và giữ lại để có thể tái sử dụng

Nhà hậu- nơi thờ các vị tổ sư nhà chùa cũng có lối kiến trúc nhà rường cổ. 

Nhà chùa dự kiến sẽ sử dụng các cấu kiện gỗ còn tốt của chánh điện để tu sửa công trình này

Một bãi tập kết gỗ cẩm xe nhập từ Lào và Campuchia để xây mới chánh điện

Các thợ mộc cưa xẻ và làm việc liên tục để kịp dựng chánh điện chùa Quốc Ân

SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top