Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bóng đá và ước mơ của những cầu thủ "tai tiếng"

Thứ Sáu 09/08/2019 | 10:37 GMT+7

VHO- “Em ước mơ sau này trở thành cầu thủ, được đá bóng như anh Văn Hậu, cống hiến cho đội tuyển bóng đá quốc gia”, em Lê Trọng Vũ đã nói như thế trong cuộc trao đổi với chúng tôi bên lề hành lang Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

 Được thỏa đam mê cũng là cách đưa các em về lại miền đất sáng Ảnh: NGUYỄN HÀO

Với những em đã vi phạm pháp luật đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đủ tuổi để khởi tố vụ án hình sự nên phải vào Trường giáo dưỡng như Lê Trọng Vũ thì ước mơ đó có thể “kéo” một người từ nơi tối tăm về miền đất sáng.

Ngày nào cũng đá bóng

Phạm tội nghiêm trọng và phải chấp hành biện pháp xử lý hành chính 2 năm trong Trường giáo dưỡng số 4 thuộc Bộ Công an, tại Long Thành, Đồng Nai nhưng Vũ vẫn có khuôn mặt non nớt, hồn nhiên, đáng yêu như bao bạn bè đồng trang lứa. Vũ kể, sống ở trong Trường giáo dưỡng, Vũ rất vui vì sự quan tâm của các thầy cô và đặc biệt, ngày nào em cũng được đá bóng. Đá bóng nhiều nên da đen sắt lại. Khi tiếp xúc, dường như vẻ hồn nhiên, trong trẻo và cách trả lời lễ phép của em khiến người đối diện quên đi cảm giác, cậu bé từng phạm tội lớn. Vũ bảo được tham gia giải đấu này em vui lắm, được đá bóng và hoà nhập với các bạn. “Em thích nhất anh Đoàn Văn Hậu trong đội hình đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 hiện nay. Em cũng ấn tượng nhất là trận chung kết của đội tuyển U23 quốc gia khi thi đấu dưới màn mưa tuyết trắng trời ở Thường Châu, Trung Quốc. Nhìn các anh thi đấu, em xúc động lắm”, Vũ khẽ khọt và đôi mắt đen lay láy của em ngước lên như đang hy vọng về một ngày em được khoác áo đội tuyển quốc gia thi đấu.

Vũ chỉ là 1 trong 7 trường hợp cầu thủ rất đặc biệt của đội bóng mang tên Bộ Công an ở Giải bóng đá dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này. Trong số 7 em, thì có tới 6 em phạm tội nghiêm trọng, 1 em phạm tội trộm cắp, 3 em mù chữ. 1 đội bóng phải cần tới 4 cán bộ Công an đi cùng để quản lý nhưng họ luôn nhìn các em với ánh mắt yêu thương: “Hầu hết các em phạm tội đều có hoàn cảnh rất đáng thương, sinh trưởng trong các gia đình mà bố mẹ ít có sự yêu thương, chăm sóc hoặc sơ sểnh trong cuộc sống hằng ngày để trẻ con bắt chước hoặc là do môi trường sống xung quanh quá phức tạp nên trong những giây phút bột phát, các em đã phạm tội. Vì thế nhiệm vụ của chúng tôi khi các em vào Trường là giáo dục cho các em về đạo đức, ý thức công dân, về việc thực thi pháp luật. Và quan trọng hơn cả là để các em thấy được sự ưu việt của chế độ, sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và pháp luật, để các em thấy được rằng các em vẫn có những cánh tay sẵn sàng giơ lên để đỡ các em vào đời”, thượng tá - Phó Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 4 Lê Công Hiệp chia sẻ.

Thắp lên hy vọng

Và cũng giống như ý nghĩa nhân văn của giải đấu này là lan toả yêu thương tới các em bé có hoàn cảnh đặc biệt, đội bóng của thầy Hiệp được cử tham dự giải đấu và vượt qua các cuộc thi đấu vòng loại cũng với một mong muốn, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng có thể khơi dậy những giá trị tốt đẹp trong mỗi em nhỏ đã từng phạm tội, để các em biết chọn con đường sáng sau khi ra trường. “Khi chúng tôi cho các em lưu trú tại một số khách sạn, ban đầu kể cả nhân viên của các khách sạn cũng nhìn các em với ánh mắt e dè. Nhưng sau khi tiếp xúc, thấy các em ngoan ngoãn, lễ phép chào hỏi, họ cũng mở lòng hơn. Và chúng tôi cũng mong muốn xã hội mở lòng với những em bé đặc biệt này để các em còn đường để quay về”, thượng tá Hiệp nói.

Để đến được với vòng chung kết của giải đấu, các cán bộ Công an đi theo đội cũng rất vất vả, luôn 24/24h bám sát các em, kể cả khi đi ngủ, quá trình di chuyển từ Đồng Nai ra TP.HCM rồi tới Hà Nội cũng gặp vất vả vì trên thực tế, các em đều là tội phạm vị thành niên đặc biệt nghiêm trọng, nên cần phải có các biện pháp nghiệp vụ thích hợp. Một vất vả nữa là trong số 7 em, chỉ có 4 em biết chữ, 3 em vẫn đang mù chữ, có em học 2 năm vẫn chưa qua được lớp 1. Vì thế bên cạnh việc giáo dục các em về đạo đức, Trường cũng phải tăng cường dạy các em về văn hoá, giáo dục về sức khoẻ, giới tính, kỹ năng sống, phổ biến giáo dục pháp luật và tạo sân chơi cho các em như thành lập đội bóng để các em có thể thoả mãn niềm đam mê của mình. Tham gia giải đấu này đều là các em đã có quá trình phấn đấu và rèn luyện tốt hơn các bạn. “Lãnh đạo Cục C10 Bộ Công an rất quan tâm đến các em, trận nào các em thi đấu cũng đến xem và động viên, bằng cả hiện vật và tinh thần nên thầy trò rất phấn khởi”, thượng tá Hiệp cho biết thêm.

“Đôi lúc chúng tôi phải như người cha, người chú để ân cần bảo ban các em nhưng đôi lúc lại cũng phải nô đùa như con trẻ để có thể nắm được tâm tư tình cảm. Chúng tôi chỉ mong muốn việc tham gia những giải đấu như này sẽ làm cho các em có hướng phấn đấu để sau này khi rời trường, có thể trở thành những con người có ích”, thượng tá Hiệp nói và mắt ánh lên niềm hy vọng về một ngày, bóng đá sẽ thắp lên hy vọng và giúp các em bé từng lầm lỗi này thực hiện được ước mơ trở thành những công dân tốt của xã hội…

(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)

 

 VCK Giải bóng đá quốc gia dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tổ chức tại Cung thể thao tổng hợp Quần Ngựa, Hà Nội, từ 4-14.8, với sự tham gia của 16 đội bóng đã xuất sắc vượt qua vòng loại, tổ chức tại 3 khu vực. Các em tham gia giải có độ tuổi từ 11-14, hiện đang sinh sống tại các cơ sở trợ giúp xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên toàn quốc. Giải đấu do Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam chủ trì, phối hợp với Báo Nhi Đồng tổ chức với mong muốn lan toả yêu thương tới đông đảo người hâm mộ bóng đá cả nước để từ đó thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng.

 

 VÂN GIANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top