Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Để hạn chế tình trạng thừa-thiếu giáo viên

Thứ Sáu 13/09/2019 | 10:16 GMT+7

VHO- Bộ GD&ĐT cùng Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh (HS) và 5 tỉnh Tây Nguyên (bổ sung 20.300 biên chế GV mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên). Tuy nhiên, danh sách các địa phương thiếu GV đến con số ngàn vẫn còn rất nhiều.

 “Điệp khúc” thừa - thiếu giáo viên vẫn tiếp tục trong năm học 2019-2020 Ảnh: TẠ DŨNG

 Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, Sơn La thiếu 3.355 GV, Thái Bình: 3.167, Gia Lai: 2.572, Thanh Hóa: 2.877, Bình Dương: 2.811, Kiên Giang: 1.008, TP.HCM: 1.290… Do cắt giáo viên diện hợp đồng từ năm học 2018-2019, vào năm học mới này, tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và các tỉnh khác đang thiếu hàng trăm giáo viên ở miền núi đến đồng bằng… 

Có thể nói, sĩ số học sinh, quy mô trường, lớp ở từng khu vực, từng địa phương biến động theo từng năm học. Các thành phố lớn, khu vực phát triển, tập trung dân cư ở các địa phương, số lượng học sinh các cấp học không ngừng tăng lên, tạo sức ép lớn về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực. Trong khi đó, các vùng miền núi, vùng nông thôn, sĩ số học sinh, quy mô trường, lớp ngày càng thu hẹp, cơ sở vật chất và thầy cô giáo dư thừa. Đội ngũ giáo viên cũng biến động theo từng năm học, do đến tuổi hưu, nghỉ hưu trước tuổi, thuyên chuyển theo gia đình, về đồng bằng… Sự biến thiên xáo trộn liên tục về số lượng học sinh, về đội ngũ thầy cô giáo trong thời gian gần đây khiến các cấp quản lý giáo dục ở địa phương phải đau đầu, đã và đang tìm nhiều phương kế để bố trí, sắp xếp sao cho hợp lý và ổn định nhất. 

Sáp nhập các điểm trường, các cấp học lại với nhau mà các địa phương đã và đang triển khai quyết liệt là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước vừa tinh giản được biên chế vừa tập trung nguồn lực cho những cơ sở giáo dục ở vị trí trung tâm và thuận lợi nhất đối với phụ huynh học sinh và thầy cô giáo. Đồng thời, việc sáp nhập các điểm trường, các cấp học lại với nhau sẽ góp phần giải quyết được tình trạng thiếu, thừa giáo viên cục bộ ở các địa phương hiện nay. Một trường có nhiều lớp dễ bố trí giáo viên chủ nhiệm và giáo viên giảng dạy (theo tiết chuẩn của Bộ GD&ĐT quy định) hơn trường có ít lớp. Một trường phổ thông liên cấp THCS và THPT, trong trường hợp các lớp THCS thiếu giáo viên vẫn có thể bố trí, phân công giáo viên THPT xuống dạy các lớp THCS. 

 Quảng Trị thừa gần 200 giáo viên 

Theo Sở GD&ĐT Quảng Trị, sau khi sắp xếp lại quy mô, mạng lưới các trường học trên địa bàn tỉnh, hiện toàn ngành thừa gần 200 giáo viên các cấp, chủ yếu là cấp Tiểu học và THCS. Cũng theo Sở này, xét trên tổng thể thì thừa giáo viên và cán bộ quản lý nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra tình trạng thiếu cục bộ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý, đặc biệt là cấp mầm non. 

Cụ thể, ở các trường học thuộc huyện, toàn tỉnh đang thiếu 239 giáo viên mầm non, 113 giáo viên tiểu học, 49 giáo viên cấp THCS, 143 nhân viên các cấp học từ mầm non đến THCS và 39 cán bộ quản lý so với định mức. Đối với các trường trực thuộc Sở thiếu 8 cán bộ quản lý, gần 80 giáo viên và 22 nhân viên so với định mức. KIÊN ĐỒNG 

Điều động, biệt phái giáo viên là một biện pháp tốt để cân đối nguồn lực giáo viên, đảm bảo chất lượng giáo dục ở nhiều địa phương. Không ít địa phương đã ban hành và áp dụng văn bản biệt phái giáo viên tiểu học, THCS, THPT từ đơn vị thừa giáo viên đến đơn vị thiếu giáo viên với các quy định rất cụ thể, rõ ràng. Bước đầu biện pháp đã đem lại hiệu quả tích cực. Ví dụ, UBND tỉnh Hà Tĩnh từng có một số quy định chi tiết về giáo viên biệt phái. Theo đó, Giáo viên thuộc diện biệt phái có tuổi đời từ 45 trở xuống đối với nữ, từ 50 trở xuống đối với nam; thời hạn biệt phái không quá 3 năm; việc biệt phái phải đảm bảo cơ cấu môn học theo quy định. Thứ tự xem xét trong việc biệt phái: Giáo viên tự nguyện biệt phái; Giáo viên chưa công tác tại vùng khó khăn; Giáo viên đã có thời gian công tác tại vùng khó khăn nhưng chưa đủ 3 năm đối với nữ và 5 năm đối với nam; Giáo viên chưa lập gia đình; Giáo viên cùng một bộ môn, có cùng điều kiện thi cử, giáo viên nam đi biệt phái trước, nữ giáo viên đi biệt phái sau; Giáo viên cùng một bộ môn, có cùng điều kiện thì người ít tuổi hơn được cử đi biệt phái trước, người nhiều tuổi được cử đi biệt phái sau. Giáo viên biệt phái được hưởng: Lương và phụ cấp lương (nếu có), các quyền lợi khác theo quy định; các chế độ, chính sách quy định của Nhà nước. Trường hợp biệt phái từ vùng đặc biệt khó khăn đến vùng không đặc biệt khó khăn thì không được hưởng các khoản phụ cấp đối với viên chức công tác tại địa bàn đặc biệt khó khăn; Trường hợp biệt phái đến vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được hưởng các chính sách đối với viên chức công tác tại địa bàn đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ. Giáo viên đã hoàn thành nhiệm vụ, hết thời hạn biệt phái theo quy định thì được cấp có thẩm quyền quyết định trở về nơi công tác cũ hoặc bố trí sắp xếp về các trường khác thuộc vùng thuận lợi hoặc tạo điều kiện để giáo viên liên hệ chuyển công tác, chuyển vùng theo nguyện vọng. Nếu hết thời hạn biệt phái theo quy định, cá nhân có nguyện vọng tình nguyện ở lại tiếp tục công tác và ổn định cuộc sống lâu dài thì được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định… 

Thuyên chuyển giáo viên được các cấp quản lý giáo dục tổ chức thực hiện hằng năm nhằm cân đối đội ngũ nhà giáo giữa các trường, giảm thiểu tình trạng thiếu - thừa cục bộ; tạo điều kiện cho các giáo viên công tác lâu năm ở miền núi, vùng khó khăn được về đồng bằng, thành phố… theo nguyện vọng cá nhân, gia đình. Song không phải giáo viên nào có nguyện vọng thuyên chuyển là được đáp ứng, giải quyết vì nhu cầu thuyên chuyển bao giờ cũng nhiều hơn mấy chục lần so với các địa chỉ còn thiếu giáo viên. 

Các biện pháp: sáp nhập, điều chuyển, biệt phái, thuyên chuyển giáo viên tiếp tục đồng hành dài lâu với ngành giáo dục. Nơi nào càng có sự biến động lớn về sĩ số học sinh thì nơi đó sẽ gặp nhiều khó khăn, nan giải nhất. Muốn giải được bài toán về thừa - thiếu giáo viên cục bộ, các địa phương, các cấp quản lý giáo dục, các trường đào tạo sư phạm cần có sự thống nhất, đồng bộ cao về cơ chế, chính sách, quy định từ công tác đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và bố trí, sắp xếp giáo viên. Dự báo, nắm bắt được tình hình biến động sĩ số học sinh xảy ra hằng năm ở địa phương. Có kế hoạch, phương án xử lý, bố trí, cân đối giáo viên thiếu - thừa giữa các cơ sở giáo dục từ thời gian ở học kỳ 2 hoặc thời gian nghỉ hè. Nếu địa phương thiếu giáo viên nhiều thì được phép tổ chức thi tuyển dụng giáo viên từ rất sớm, không để tình trạng thiếu giáo viên khi đã vào năm học mới, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. 

ĐỖ TẤN NGỌC 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top