Mỗi năm có 25 nghìn ca tử vong do bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính

VHO-Bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) mỗi năm cướp đi sinh mạng của hơn 25 nghìn người ở nước ta, nhiều hơn số ca tử vong do tai nạn giao thông gây ra. Đó là thông tin được nêu lên tại Hội Nghị Khoa học chuyên đề “Sinh học tế bào-Phân tử và miễn dịch trong bệnh phổi”.

Ngày 22.11, tại Bệnh viện Quân Y 175 TP.HCM đã diễn ra Hội nghị Khoa học chuyên đề: Sinh học tế bào- Phân tử và miễn dịch trong bệnh phổi. Đây là chủ đề còn khá mới mẻ trong thực tế lâm sàng và nghiên cứu hiện nay. Do đó Hội nghị khoa học lần này đã quy tụ gần 200 bác sĩ tham dự với sự góp mặt của nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành trong và ngoài nước có chung mối quan tâm về áp dụng sinh học tế bào trong điều trị bệnh phổi.

Tại Hội nghị, PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan, Trường Đại học Y dược TP.HCM cho biết: Ở nước ta mỗi năm có 25 ngàn ca tử vong do bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) gây ra, nhiều hơn số lượng người tử vong do tai nạn giao thông. Đây là bệnh có nguy cơ tử vong cao sau bệnh tim mạch vành và đột quỵ. Bệnh nhân mắc bệnh COPD thường có các triệu chứng như khó thở, thở nặng. Do đó người bệnh cần được phát hiện sớm để chữa trị kịp thời. Ngoài ra cần phải nâng cao nhận thức trong cộng đồng và các tổ chức, cơ sở y tế về bệnh COPD là điều cấp thiết trong hoàn cảnh hiện nay.

Theo Bộ Y tế năm 2018, ung thư phổi hiện đang là một trong 5 loại ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, chiếm tỉ lệ 21,5%. Từ thực tế này đã đề ra những yêu cầu cấp thiết về nghiên cứu và phát minh những liệu pháp điều trị mới cho bệnh phổi, trong đó có nhu cầu về nghiên cứu công nghệ sinh học tế bào. Sự phát triển của công nghệ sinh học tế bào đã đem lại những thông tin hữu ích giúp đáp ứng điều trị, lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

HIẾU NGUYỄN

Ý kiến bạn đọc