Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chiêm ngưỡng những họa phẩm về kháng chiến chống Mỹ qua triển lãm online

Chủ Nhật 26/04/2020 | 10:43 GMT+7

VHO- Lần lượt từng tác phẩm mỹ thuật đặc sắc, phản ánh đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước anh hùng của dân tộc đã được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu đến công chúng thông qua cuộc triển lãm trực tuyến đặc biệt được tổ chức trong những ngày cả đất nước đang chung tay chống đại dịch Covid-19.

Bức tranh sơn mài Mẹ kháng chiến

Bức tranh sơn mài Mẹ kháng chiến của họa sĩ Hoàng Trầm với hình ảnh trung tâm là bà má miền Nam cùng người con gái đang chăm sóc chiến sĩ bị thương, xung quanh là các đồ sinh hoạt quen thuộc. Tác giả khéo léo sắp xếp các nhân vật để khỏa lấp gần hết không gian tranh, tạo cảm giác chật chội, ngột ngạt, thể hiện sự khó khăn, gian khổ của những chiến sĩ chiến đấu trong thành phố thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

“Đây là hình ảnh quen thuộc trong những năm chống Mỹ. Các chiến sĩ hoạt động trong vùng tạm chiếm cần sự che chở của nhân dân, của các bà mẹ. Người mẹ ngẩng cao đầu vững vàng, bàn tay mẹ cùng bàn tay người em gái đặt nhẹ vào chỗ bị thương của anh chiến sĩ được quấn băng trắng. Những ánh mắt giao nhau đầy cảm thông cùng sự khuyến khích, an ủi. Bức tranh với bút pháp thô khỏe, mộc mạc, nội dung giản dị nhưng gây xúc động, gợi không khí kháng chiến thời kỳ trước”, Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Thị Hải Yến nhận xét.

Họa sĩ Hoàng Trầm hoàn thành bức tranh sơn mài  Mẹ kháng chiến năm 1980 và đã giành giải A tại kỳ Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc tổ chức cùng năm.

Tác phẩm sơn mài Trái tim và nòng súng của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm

Tác phẩm sơn mài Trái tim và nòng súng của họa sĩ Huỳnh Văn Gấm  là tác phẩm tiêu biểu về đề tài chiến tranh cách mạng, phản ánh sống động cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang của phụ nữ Nam Bộ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Trái tim và nòng súng tái hiện đoàn người biểu tình, đa phần là phụ nữ Nam Bộ trong trang phục áo bà ba, khăn rằn, nón lá, đang đấu tranh với lực lượng vũ trang của địch. Tác phẩm được họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (1922 – 1987) hoàn thành năm 1963. Cũng Trái tim và nòng súng đã góp phần mang đến cho hoạ sĩ Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 1990.

Tác phẩm tranh lụa Bên chiến hào Vĩnh Linh

Tác phẩm tranh lụa Bên chiến hào Vĩnh Linh được NSND, hoạ sĩ Đào Đức sáng tác trong giai đoạn đi thực tế ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đầu những năm 1970. Kể từ sau hiệp định Giơnevơ năm 1954, con sông Bến Hải là giới tuyến chia cắt hai miền đất nước. Khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh chiến tranh tại Việt Nam, Vĩnh Linh trở thành tuyến lửa hết sức ác liệt.

Bên chiến hào, nơi những thân cây cháy xém, sườn đồi trơ trụi với những mô đất gồ ghề bị xới tung bởi bom đạn, hai anh lính, người cảnh giới, người đọc báo cho nữ dân quân cùng nghe. Trong khoảng lặng ấy của chiến tranh, sức sống mãnh liệt và khát vọng hòa bình của quân dân Vĩnh Linh được thể hiện ở những mầm xanh vươn lên mạnh mẽ từ những thân cây đổ nát, cùng màu xanh áo lính của những nam nữ thanh niên còn rất trẻ. Bằng lối vẽ tả thực, bố cục hình tam giác chắc chắn, sử dụng chất liệu lụa mềm mại, tác phẩm lên án sự tàn phá của chiến tranh, đồng thời ca ngợi tinh thần yêu nước, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam.

Tác phẩm Qua Dốc Miếu

Tác phẩm Qua Dốc Miếu được họa sĩ Lê Quốc Lộc sáng tác năm 1974 trên chất liệu sơn mài, vốn là sở trường của ông. Bức tranh được sáng tác một năm sau chuyến đi thực tế của Lê Quốc Lộc tại chiến trường Quảng Trị.

Địa danh Dốc Miếu trong tác phẩm nằm tại vùng địa hình 3 con dốc thuộc xã Gio Phong, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây từng là nơi đóng chốt quân sự của thực dân Pháp, là cứ điểm quan trọng nhất của phòng tuyến điện tử Mc Namara do Mỹ xây dựng, một căn cứ quân sự quan trọng về pháo binh để đánh vào các mục tiêu của miền Bắc Việt Nam. Năm 1972, quân dân Việt Nam đã nổi dậy tấn công cứ điểm này, khiến địch phải bỏ chạy khỏi căn cứ, hàng rào điện tử Mc Namara bị phá bỏ.

Bức tranh tái hiện khung cảnh đội quân chủ lực của ta đang hành quân vượt qua cứ điểm Dốc Miếu, tiến lên phía trước, hướng tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Họa sĩ lựa chọn bố cục hình chữ nhật ngang và dài, một bố cục tương đối mới tại thời điểm đó và ngay cả hiện tại, nhưng có tỉ lệ phù hợp để vẽ một bức tranh toàn cảnh.

Tác phẩm sơn khắc Bộ đội về

Tác phẩm sơn khắc Bộ đội về được hoạ sĩ Lê Thanh Trừ sáng tác năm 1973 khắc hoạ cảnh xóm ấp vùng sông nước Nam Bộ yên ả, nên thơ với những mái nhà lá ven sông, xung quanh là những rặng dừa nước. Đan xen cùng cảnh vật là hình ảnh người dân trong xóm ấp đang vui mừng ra đón lớp lớp đoàn quân tiến về trên những chiếc thuyền ba lá hay trên cây cầu khỉ phía xa.

Bức tranh hiện lên trên nền đen của vóc, diễn tả màu trời và nước hòa quện, gợi không gian chính cho phối cảnh. Khoảnh khắc đoàn quân giải phóng tiến về trong sự chào đón nồng nhiệt của bà con, như dự báo về hy vọng hòa bình, thống nhất trên quê hương Nam Bộ đang dần trở thành hiện thực. 

Tác phẩm sơn mài Dân quân gái Ngư Thủy 

Tác phẩm sơn mài Dân quân gái Ngư Thủy được họa sĩ Hoàng Trầm sáng tác năm 1971, nhân vật là những cô gái thuộc đại đội pháo binh nữ dân quân Ngư Thủy. Tác giả sử dụng lối vẽ tả thực, có sự cân nhắc về hình mảng, đường nét trong bố cục hình tròn. Mảng sáng nổi bật của chiếc bàn là điểm nhấn chính trong bố cục tác phẩm. Cách thay đổi về đường hướng của nét, của mảng được nghiên cứu kỹ, hình dáng nữ dân quân với mảng to đậm, đối lập nét xiên liêu xiêu của vách hầm xung quanh. Bảng màu sơn mài với sắc đỏ son, nâu, vàng được tạo chất trong các hình thể với nhiều cung bậc của sắc độ đậm nhạt. Đây là kỹ thuật rất khó thành công trong chất liệu sơn mài, vậy mà họa sĩ đã thể hiện một cách nhuần nhuyễn. Dân quân gái Ngư Thủy được đánh giá thành công cả về nội dung lẫn hình thức biểu đạt, là một trong những tác phẩm tiêu biểu của họa sĩ Hoàng Trầm.

Ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, giới thiệu chùm tác phẩm này là một hoạt động có ý nghĩa của Bảo tàng nhân dịp kỷ niệm 45 năm Đại thắng mùa xuân 1975. Hy vọng những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc sẽ đem đến cho người xem những ấn tượng tốt đẹp, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng và để lại trong mỗi người con nước Việt niềm tự hào về dân tộc Việt Nam anh hùng.

PHƯƠNG ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top