Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hai bản tin lịch sử ở hai đầu đất nước

Thứ Tư 29/04/2020 | 11:31 GMT+7

VHO-  “Đó là bản tin làm rung chấn triệu triệu con tim”

“Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11h30 quân ta tiến vào Sài Gòn đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng…”.

NSƯT Kim Cúc

Đã 45 năm trôi qua nhưng NSƯT Kim Cúc vẫn nhớ như in bản tin chiến thắng lịch sử, và trong những ngày cuối tháng Tư này bà lại một lần nữa đọc cho chúng tôi nghe đúng với chất giọng đanh thép, hào sảng nhưng cũng rất đỗi truyền cảm năm xưa mà không cần đến bất cứ tài liệu nào. Bà nhớ lại, “bản tin chiến thắng lịch sử đó được chúng tôi đọc đi đọc lại nhiều lần trên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam. Trước khi đọc tôi và chị Kim Tuý luôn nhấn mạnh: “Chúng tôi xin đọc lại”. Với bản tin ngắn chỉ hơn năm mươi chữ ấy, đối với chúng tôi nó có sức mạnh ngàn cân làm rung chấn trái tim cả nước. Đó cũng là kỷ niệm thiêng liêng đối với cuộc đời tôi”.

 

Dù mới trải qua một ca chấn thương nặng phải điều trị trong một thời gian dài nhưng khi được phóng viên Văn Hóa đề nghị muốn nghe lại giọng đọc “kinh điển” về bản tin chiến thắng cách đây vừa tròn 45 năm, NSƯT Kim Cúc vui vẻ tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở phố Đại La (Hà Nội). Bà chia sẻ, sở dĩ bà nhận lời tham gia chương trình truyền hình và trả lời báo chí trong những ngày này là bởi trong lòng rất vui khi có cơ hội được kể về khoảnh khắc thiêng liêng lịch sử đối người dân Việt Nam. Đúng 15 phút sau khi xe tăng của Quân đội giải phóng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập và Dương Văn Minh chính thức đầu hàng, bản tin chiến thắng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào lúc 11g45 ngày 30.4.1975 đã được NSƯT Kim Cúc và bà Kim Túy đọc trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được phát đi phát lại nhiều lần sau đó. Với bà thời khắc ấy mãi không quên…

NSƯT Kim Cúc kể, một ca trực ở Đài hồi đó thường phân công hai phát thanh viên của hai miền Nam-Bắc cùng đọc trực tiếp. Ca trực bản tin lúc 12h trưa ngày 30.4.1975 do bà và phát thanh viên Kim Tuý là người miền Nam cùng đọc. “Thời điểm đó, bản tin trưa vừa thu xong một phần băng thì anh Trần Trọng Trủy, người nhận và biên tập tin của ca trực quăng vội chiếc xe đạp chạy ào vào rồi reo lên: “Chiến thắng rồi! Giải phóng Sài Gòn rồi” và giao ngay bản tin cho hai người. “Hai chị em tôi ôm chầm lấy nhau sung sướng. Chị Tuý nói với tôi trong niềm xúc động rưng rưng, “em ơi thế là chị sắp được về với má chị rồi”. Hai người lúc đó vô cùng hồi hộp khi ngồi xuống đọc phát trực tiếp lên sóng phát thanh tại phòng đọc thẳng ngay dưới tầng hầm. Trước mặt là dòng chữ “Hàng triệu người đang nghe ta”, chúng tôi chỉ biết động viên nhau kìm nén cảm xúc và nắm chặt tay nhau để giữ bình tĩnh, không bị ảnh hưởng tới việc đọc bản tin. “Điều quan trọng nhất là phải đọc để truyền tải được sự hào hùng của chiến thắng, sự hào sảng và tâm thế của người chiến thắng”, NSƯT Kim Cúc bồi hồi.

 NSƯT Kim Cúc và các phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam (năm 1971)

Ngay sau khi bản tin chiến thắng phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc 11h45, người dân Hà Nội đã đổ ra đường reo hò, phất cờ mừng chiến thắng. “Tin chiến thắng được người Hà Nội nghe qua loa lắp đặt trong nhà (thường để nghe báo động máy bay). Ngay khi bản tin phát xong, tôi đã thấy bên kia đường mọi người hoan hô, vỗ tay, và hét vang “Chiến thắng rồi!”. Đại sứ quán Cuba ở ngay gần phòng thu của Đài cũng đổ ra đường nhảy múa, cầm xoong, cầm nồi khua tứ tung, và họ cũng hô vang “Viva Việt Nam! Viva Việt Nam (Việt Nam muôn năm). Rồi suốt những ngày sau đó, cả Hà Nội không ngủ, cả Hà Nội vui như hội. Ai nấy đều mặc quần áo đẹp, đi ra đường, ra Bờ Hồ để ăn mừng chiến thắng… Cả đất nước hân hoan, rộn ràng mừng lịch sử dân tộc sang trang mới”, bà bồi hồi nhớ lại.

Không chỉ là “người được lịch sử lựa chọn” để đọc bản tin chiến thắng trong ngày giải phóng 30.4, mà trước đó, trong suốt những ngày tháng cao điểm của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các bản tin chiến thắng được phát đi liên tục qua giọng đọc của bà đã trở thành những ký ức không thể nào quên. Bà kể, mỗi khi có tin bắn rơi máy bay hoặc bắt được một tên địch, Bộ Tổng Tham mưu lại thông báo cho các phóng viên đến nhận tin, chuyển đến đài và đọc luôn. Những bản tin ngắn “Xin mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi vừa mới nhận được…” được phát liên tục vào mỗi đầu giờ. Mỗi bản tin được phát đi tuy chỉ chưa đầy 30 giây, nhưng chứa đựng trong đó là biết bao mong mỏi của hàng triệu con tim Việt Nam đang cùng một ý chí hướng về miền Nam ruột thịt. Và rồi sứ mệnh lịch sử đã chọn bà, đó không chỉ là niềm hạnh phúc, tự hào mà với bà cũng như hàng triệu trái tim được nghe tin chiến thắng qua giọng đọc của bà thời điểm đó và bây giờ cũng sẽ mãi không thể nào quên…

Khi đọc bản tin chiến thắng lịch sử năm ấy, NSƯT Kim Cúc mới 30 tuổi. Người yêu bà cũng làm tại Đài TNVN. Cũng như nhiều cặp nam nữ yêu nhau thời điểm chiến tranh khi ấy, họ đều không nghĩ tới chuyện cưới xin. Hoà chung vào niềm vui giải phóng của đất nước, ông bà đã tổ chức đám cưới vào ngày 18.5.1975. Đã 75 tuổi nhưng NSƯT Kim Cúc vẫn vẹn nguyên tình yêu với nghề. Có lẽ vì vậy mà dẫu đang bệnh tật, mệt mỏi bà đã phá lệ để chia sẻ gần 2 tiếng đồng hồ với phóng viên và lần lại từng bức hình kỷ niệm của bà và đồng nghiệp theo những năm tháng gắn bó với nghề. Tình yêu, lòng yêu nước, tự hào dân tộc của một người phát thanh viên đã ở tuổi “xưa nay hiếm” đã thực sự làm vương vấn bước chân chúng tôi khi chia tay bà. 

 HIỀN LƯƠNG

 “Đây là Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng...”

Tự hào xen lẫn xúc động đến trào nước mắt là những cảm xúc của ông ở thời khắc lịch sử, khi được đọc bản tin thời sự, thông báo cho toàn dân biết Sài Gòn đã giải phóng... Đó là tâm trạng của nhà báo lão thành Nguyễn Hữu Phước, nguyên biên tập viên Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng ngày ấy, cho đến nay dù đã 45 năm vẫn còn tươi nguyên.

 Ông Nguyễn Hữu Phước trò chuyện với phóng viên Văn Hóa tại nhà riêng

 Nhà báo già nay đã bước qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy” (ông sinh 1944) bồi hồi nhớ lại, trong hàng vạn bản tin ông biên tập và phát thanh, truyền hình trên đài trong cuộc đời làm báo của mình, có lẽ bản tin được phát đi lúc 20h ngày 30.4.1975 đã trở thành di sản quý báu của đời làm phóng viên và đi vào kí ức mà cho đến nay ông không bao giờ quên. Đó là những cảm xúc thật đặc biệt, được chứng kiến thời khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc, là tâm trạng hạnh phúc của một người dân khi đất nước được giải phóng hoàn toàn.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Phước cho hay thời điểm vào những ngày cuối tháng 4.1975, Sài Gòn, sào huyệt cuối cùng của địch hầu như bị vây chặt bốn bề. Vẫn với chất giọng tròn trịa, âm vực đầy đặn, chuẩn giọng của một phát thanh viên kỳ cựu, ông Nguyễn Hữu Phước kể tiếp, Đài Phát thanh Giải phóng lúc đó có ba xướng ngôn viên gồm ông, Hồ Mỹ Hạnh và Vương Thanh Liêm cùng các lãnh đạo, đội ngũ kỹ thuật, máy móc phát thanh. Theo chỉ thị, sau khi tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn phải lập tức phát bản tin của Đài Giải phóng. Nếu chính quyền cũ cố tình phá đài trước khi đoàn tiếp quản hoặc gặp những tình huống bất lợi thì cán bộ phải sản xuất và phát luôn bản tin bằng máy móc mang theo.

“Vào thời điểm 30 tháng Tư năm ấy, khi Sài Gòn vào tay cách mạng, lá cờ đỏ tung bay trên nóc Dinh Độc lập thì không bao lâu sau, đội ngũ chúng tôi cũng có mặt tại sào huyệt cuối cùng của địch, và tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn. Ngay tối hôm đó, lúc 20h ngày 30.4.1975, trên đài phát thanh giữa Sài Gòn phát đi tín hiệu: “Đây là Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng, Tiếng nói của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam… Sau lời xướng đó, tôi đọc bản Thông báo số 1 của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định với nội dung Chính phủ Cách mạng đã nắm quyền kiểm soát, đồng thời kêu gọi đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống và nêu một số chính sách đối với vùng mới giải phóng”, ông Phước hào hứng nói. Sau bản tin phát thanh, ông cùng biên tập viên Mỹ Hạnh di chuyển đến Đài Truyền hình Sài Gòn ngay trong đêm 30.4 để làm bản tin truyền hình giải phóng kịp phát đúng vào 19h ngày 1.5. Bản tin hôm ấy thông báo cho toàn quốc và cả thế giới: Cuộc kháng chiến kéo dài 21 năm ở Việt Nam đã chấm dứt, Sài Gòn hoàn toàn giải phóng. Đất nước từ đây thống nhất.

 Phát thanh viên Nguyễn Hữu Phước và Mỹ Hạnh trong buổi phát sóng đầu tiên của Đài Truyền hình Sài Gòn Giải phóng Ảnh Tư liệu

Theo ông Phước, thời điểm tiến vào tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn có hai lực lượng trở thành mũi nhọn là đội quân vũ trang hùng hậu và đội quân báo chí cùng đóng góp để cả nước và toàn thế giới biết được nhanh nhất kết cục của trận chiến cuối cùng. “Cùng với đội ngũ những người làm báo nước ngoài, chúng tôi không chỉ có mặt như họ mà còn phải luôn sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết. Hơn nữa, chúng tôi còn có nhiệm vụ quan trọng hơn là giữ nguyên vẹn các cơ sở thông tin tuyên truyền của địch để hoạt động”, ông Phước kể. Khi được phân công cùng các anh chị em nhà báo ở Đài Phát thanh Giải phóng vào tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn, lúc nào mọi người cũng theo dõi mọi diễn biến trên đài này để đập tan luận điệu xuyên tạc của địch, đồng thời chuẩn bị mọi điều kiện nghiệp vụ và kỹ thuật để tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn một cách trọn vẹn, đảm bảo không để sóng ngưng phát giây phút nào. “Thực ra, cuộc chiến đấu trên làn sóng không chỉ vào ngày hôm ấy. Trước đó, những người làm báo chúng tôi thông qua Đài Phát thanh Giải phóng đã liên tục chiến đấu không khoan nhượng và không kém phần khốc liệt. Vào thời điểm ấy, có chứng kiến mới thấy Đài Phát thanh là một binh chủng lợi hại. Khi Sài Gòn bị vây chặt bốn bề cũng là lúc, thông qua Đài Phát thanh Giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chuyển thông điệp đến đối phương, thể hiện khí thế cách mạng tiến công, và sẵn sàng dập tắt luận điệu ngoan cố của đối phương”, vị nhà báo lão thành nói.

“Cảm tưởng của ông, một nhà báo, người chiến sĩ được giao nhiệm vụ phát thanh và phát sóng trên một hệ thống phát thanh - truyền hình lớn nhất của chế độ cũ, lúc đó như thế nào?”, chúng tôi hỏi. Ông Nguyễn Hữu Phước, con trai của Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam) bồi hồi: “Khi đó chúng tôi xác định, đây là vấn đề mang tính lịch sử nên hiểu rằng trách nhiệm này hết sức nặng nề, nhưng cũng rất vinh quang và sung sướng khi được trực tiếp làm công việc loan báo cho đồng bào cả nước và thế giới biết rằng Sài Gòn đã được giải phóng”.

“Vào thời điểm lịch sử đó, chúng tôi không trực tiếp cầm súng chiến đấu mà có nhiệm vụ tham gia thực hiện việc loan truyền trên làn sóng phát thanh - truyền hình và qua các kênh cơ sở thông tin tuyên truyền của chế độ Sài Gòn để quân đội Sài Gòn, các cấp chính quyền Sài Gòn nhanh chóng ngừng chiến đấu, sớm ra trình diện. Cùng với việc tiếp quản Đài Phát thanh Sài Gòn, Đài Truyền hình Sài Gòn theo nhiệm vụ được phân công, vào thời điểm này, chúng tôi cũng góp phần quan trọng trong việc ổn định tâm lý cho nhân dân bằng những bản tin thời sự của Đài”, ông Nguyễn Hữu Phước tự hào kể lại.

 THÙY TRANG

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top