Đừng để cán bộ nào bị xử lý vì lạm dụng, trục lợi chính sách

VHO_ Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương tiến hành lên danh sách, rà soát các đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội trị giá 62.000 tỉ đồng theo Nghị quyết số 42 ngày 9.4 của Chính phủ và Quyết định số 15/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đừng để cán bộ nào bị xử lý vì lạm dụng, trục lợi chính sách - Anh 1

 Một số đối tượng ở Hà Nam đã được nhận tiền hỗ trợ từ gói an sinh xã hội 62.000 tỉ đồng Ảnh: T.GIÁP

Tuy nhiên, tại hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19 do Bộ LĐ,TB&XH phối hợp với UB TƯMTTQ Việt Nam tổ chức, các địa phương đã đặt ra một số vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện. Chẳng hạn, người trong diện hộ nghèo, cận nghèo đã chết trước ngày rà soát, phê duyệt danh sách hỗ trợ (tức là trước tháng 4.2020) có được hưởng hỗ trợ không? Và người trong diện hộ nghèo, cận nghèo phát sinh tăng từ 1.1.2020 đến trước ngày rà soát, phê duyệt danh sách hỗ trợ (mới sinh, mới đến làm dâu, mới đi bộ đội về...) có thuộc đối tượng được hưởng chính sách không? Về đối tượng bảo trợ xã hội đã được chi trả trợ cấp tháng 4.2020, nhưng đã chết trước thời điểm rà soát, phê duyệt danh sách hỗ trợ có thuộc diện được hưởng trợ cấp không? Nếu có thì thủ tục chi trả như thế nào?

Bên cạnh đó, với đối tượng người lao động không bị dừng, nghỉ việc, người lao động tự do, một số địa phương cho rằng, có khó khăn trong việc tính thời gian lẻ (tính theo ngày), thời điểm của người lao động có hợp đồng lao động. Đối với lao động tự do thì cũng rất khó khăn trong việc lập danh sách và phân loại các loại hình lao động được hỗ trợ… Giải đáp các thắc mắc của địa phương, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ đã quy định rất rõ những nguyên tắc, đối tượng cũng như thủ tục, điều kiện, quy trình để triển khai gói an sinh xã hội này. Đồng thời, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu tất cả các Bộ, ngành và các địa phương khi triển khai phải đảm bảo công khai, minh bạch, kịp thời, chính xác, đề cao trách nhiệm và sẵn sàng giải trình trước Quốc hội, trước Chính phủ và nhân dân. Bộ LĐ,TB&XH sẽ không ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện vì trong Quyết định 15 của Chính phủ đã nêu rõ và cũng là để tránh thêm các thủ tục hành chính, làm tốn thời gian.

Cũng có ý kiến băn khoăn về việc một số đối tượng thụ hưởng đã được địa phương hỗ trợ trước đó liệu có được hưởng gói 62.000 tỉ nữa hay không, ông Đào Ngọc Dung khẳng định, nếu đã hỗ trợ vượt quá quy định của Chính phủ thì thôi, nhưng nếu chưa đủ thì phải bù đắp thêm, và mỗi người chỉ được hưởng một lần hỗ trợ ở mức cao nhất. Đối với những người nằm trong cả 2 nhóm đối tượng của Nghị quyết số 42 thì sẽ được hưởng chính sách cao nhất... Các đối tượng không có cơ quan nào quản lý thì đến 15.5 mới được nhận hỗ trợ. Vì các nhóm có quan hệ lao động thì phải có hồ sơ doanh nghiệp lập hoặc BHXH lập thì mới hỗ trợ nên có thể giãn một chút, nhưng phải giải quyết theo quy trình 10 ngày. Các nhóm doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người lao động tự do cũng tương tự như vậy... Bộ LĐ,TB&XH sẽ lập đường dây nóng, lập trang điện tử, lập một nhóm để nghiên cứu giải đáp ngay các thắc mắc của người dân.

Nhấn mạnh một lần nữa về việc đảm bảo công khai, minh bạch, không lạm dụng, trục lợi từ chính sách, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH khẳng định: “Gói an sinh xã hội này rất quan trọng, đừng để ai bị xử lý về mặt Đảng, chính quyền và các hình thức kỷ luật. Bởi, để xảy ra tiêu cực, trục lợi số tiền này thì đúng là nỗi nhục của cán bộ…”. 

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc