Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“ATM mì tôm và trứng”: Lan tỏa yêu thương, ấm áp tình người

Thứ Bảy 02/05/2020 | 11:07 GMT+7

VHO- Trong mùa dịch Covid-19, nhiều tấm lòng hảo tâm đã được nhắc đến. Sau “ATM gạo”, “Siêu thị hạnh phúc 0 đồng”, “Cây ATM mì và trứng” phát miễn phí cho người bệnh và người dân nghèo được triển khai đã nối dài câu chuyện về những hành động nhân văn ấy.

Từ khi có cây ATM mì tôm, con ngõ nhỏ 487 phố Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) bỗng  trở lên tấp nập lạ thường. Nhưng tất cả những người đến đây đều hạn chế giao tiếp, đứng cách nhau 2m. Đây chính là nơi bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn (Bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia) cùng các tình nguyện viên phát miễn phí mì tôm và trứng gà cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động với phương châm không phải chờ đợi lâu, không tiếp xúc gần, hơn một tuần nay, hàng nghìn người lao động nghèo đã không phải bỏ bữa vì thiếu việc làm, giảm thu nhập trong mùa Covid-19.

Những người đến nhận mì tôm hỗ trợ sẽ phải đi qua buồng khử khuẩn

Nói về công việc ý nghĩa mình đang làm, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn cho biết: “Xuất phát từ lời kêu gọi của Chính phủ “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong giai đoạn cả nước phòng chống dịch, cùng với đó là tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, bản thân tôi cùng các tình nguyện viên mong muốn góp một phần nhỏ để chia sẻ khó khăn với những người lao động nghèo đang chịu tổn thương bởi dịch Covid-19 gây ra. Dù rằng phần quà hỗ trợ không nhiều, chỉ 10 gói mì tôm và vài quả trứng cho mỗi người nhưng chúng tôi muốn gửi gắm thông điệp không ai đơn độc trong cuộc chiến này”.

Cũng theo bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn, ban đầu nhóm chỉ dự định duy trì cây ATM cho đến khi phát hết số quà với khoảng 90.000 gói mì tôm và 30.000 quả trứng, tổng giá trị hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên khi chương trình bước vào triển khai, thấy được ý nghĩa từ hoạt động thiện nguyện nên nhiều cá nhân, tổ chức đã mang quà, hiện vật đến để cùng chung tay, góp sức. Thêm 90.000 gói mì tôm và hơn 20.000 quả trứng đã được hỗ trợ thêm. Vậy là, số quà tặng đã tăng lên gần gấp đôi so với dự kiến ban đầu.

Để được nhận phần hỗ trợ này, những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn chỉ cần mang theo chứng minh thư nhân dân đến bàn đăng ký. Dù theo ghi nhận có rất đông người đến nhưng mọi công tác phòng dịch đều được thực hiện nghiêm túc. Sau khi ghi lại thông tin cá nhân, người nhận sẽ tiến hành rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và bước vào buồng khử khuẩn toàn thân. Mọi thành viên trong ban tổ chức cũng được trang bị đầy đủ mặt nạ chống giọt bắn, găng tay, đeo khẩu trang. Sau các bước phòng dịch, ai cũng chỉ mất 3 giây để nhận quà rồi ra về.

Của cho không bằng cách cho, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn đã huy động khoảng 40 tình nguyện viên thay nhau ứng trực phát quà, đảm bảo dù đông nhưng ai cũng sẽ được nhận quà mà không phải chờ đợi lâu. Thời gian cây ATM được mở là từ 8 giờ sáng đến 18 giờ hằng ngày để tránh tụ tập quá đông trong một khung giờ. Mỗi phần quà trao đi, các tình nguyện viên đều nở nụ cười tươi để người nhận không ai cảm thấy mình sống nương vào sự thương hại. Những lần như vậy, niềm vui trong các tình nguyện viên lại được nhen lên khi đọng lại trong họ là sự hạnh phúc trên gương mặt của những người nhận hỗ trợ.

Háo hức chờ đến lượt nhận đồ, bà Nguyễn Thị Phụng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ gần 1 tháng nay vì dịch nên nơi bà làm nhân viên lao công cắt giảm nhân sự. Lương cũng bị giảm còn một nửa. Dù giờ đã đi làm trở lại nhưng thu nhập vẫn hết sức bấp bênh vì dịch bệnh vẫn còn diễn biến trước mắt. Tiền nhà bà cũng chưa đủ để trả, chứ chưa nói đến chi phí ăn uống. Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, bà phải tính toán từng đồng trong sinh hoạt hẳng ngày. Từng nhận được sự hỗ trợ từ những nhà hảo tâm khác nhưng cũng chỉ cầm cự được vài ngày, bà Phụng tìm đến đây để tiếp tục nhận được sự giúp đỡ: “Có thêm mấy gói mì, quả trứng, vậy là tôi sẽ không còn phải bỏ bữa nữa. Trong cuộc sống không tránh khỏi những lúc rơi vào cảnh cơ hàn, nhờ có những nhà hảo tâm mà chúng tôi cảm thấy vững tin hơn vào cuộc sống”.

Gương mặt hạnh phúc của những người đến nhận quà

Thực tế cho thấy, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của những người lao động nghèo. Đã qua thời điểm căng thẳng nhất nhưng đời sống của họ vẫn chưa thể ổn định lại ngay. Nắm bắt được điều đó, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn cùng tình nguyện viên của mình tiếp tục tổ chức thêm những cây ATM di động, phát quà đến tận nhà của những người nghèo tại bãi giữa sông Hồng, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại xóm chạy thận Bạch Mai, Bệnh viện K…

“Nếu bạn khó khăn hãy lấy một phần, nếu bạn ổn hãy nhường cho người khác”. Chia sẻ yêu thương để không ai bị bỏ lại phía sau. Những thông điệp vừa nêu tại điểm “ATM mì tôm và trứng” của bác sĩ Tuấn đã góp phần nhân lên những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch Covid-19.

ĐÌNH TOÁN

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top