Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những hiện vật đặc biệt về Bác Hồ với công nhân

Thứ Sáu 15/05/2020 | 11:18 GMT+7

VHO- Với hơn 200 tư liệu, hiện vật và hình ảnh, trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam” giới thiệu những di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với sự ra đời, vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Trưng bày nhằm khắc họa tình cảm, sự quan tâm của Bác với cán bộ, công nhân và các tổ chức Công đoàn.

Tác phẩm  Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, do Bộ tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức Á Đông ấn hành lần đầu tiên tại Quảng Châu, Trung Quốc, năm 1927.

 Khai mạc vào ngày 18.5, trưng bày do Tổng LĐLĐ Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia tổ chức nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2020).

Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sớm khẳng định sứ mệnh lịch sử, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, việc trưng bày hơn 200 tư liệu, hiện vật và hình ảnh góp phần giới thiệu di sản tư tưởng của Người gắn với sự ra đời, vai trò và nhiệm vụ của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng như tình cảm, sự quan tâm của Bác đối với cán bộ, công nhân, tổ chức Công đoàn. Bên cạnh đó là những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ những năm 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất chú ý đến chức năng bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Từ những cơ sở Công hội đầu tiên trên đất Pháp, những hội tương tế mang nặng tính chất phường hội thị dân, từ những “đốm lửa” Công hội Đỏ đầu tiên của Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn - Chợ Lớn đầu những năm 1920, cùng với sự xâm nhập của tư tưởng XHCN vào nước ta qua Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, từ những năm 1926 phong trào công nhân phát triển mạnh, đặc biệt, theo sáng kiến của Nguyễn Ái Quốc nêu ra ở Quảng Châu, những học trò ưu tú của Người như Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự đã phát động phong trào vô sản nổi tiếng, làm cho tổ chức Công hội ở Bắc và Trung Kỳ thực sự lan rộng, phát triển mạnh mẽ. Đó cũng chính là bối cảnh để Đông Dương Cộng sản Đảng giao trọng trách cho đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ vào ngày 28.7.1929, tại số 15 Hàng Nón, Hà Nội, tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay.

Sự hình thành và phát triển giai cấp công nhân Việt Nam đầu thế kỷ XX gắn liền với hai cuộc khai thác thuộc địa của tư bản thực dân Pháp với đặc điểm chủ yếu xuất thân từ nông dân, vừa bị bóc lột về kinh tế, vừa bị áp bức về mặt dân tộc. Nhiều hình ảnh, hiện vật, tài liệu có giá trị lịch sử sẽ hiện diện ở phần triển lãm này như: ảnh chụp tranh vẽ của Nguyễn Ái Quốc trên báo Le Paria: Người dân mất nước và kẻ xâm lược; ảnh công nhân dưới hầm mỏ dưới thời Pháp thuộc; ảnh cuộc đình công của công nhân đồn điền cao su Biên Hòa chống tư bản Pháp, đầu thế kỷ XX; ảnh chụp Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Vécxây (Pháp) tháng 6.1919; ảnh Xưởng Ba Son - nơi diễn ra cuộc đình công của hơn 1.000 công nhân dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Công hội Đỏ do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập, tháng 8.1925; Báo Le Paria (Người cùng khổ), cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản tại Paris, Pháp, số 2 ra ngày 01.5.1922; Sách Bản án chế độ Thực dân Pháp của Nguyễn Ái Quốc xuất bản tại Paris, Pháp, năm 1925; Tác phẩm Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; ảnh nhà số 15 Hàng Nón (Hà Nội), nơi Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng tổ chức Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, ngày 28.7.1929; ảnh các kỳ Đại hội Công đoàn toàn quốc và các đồng chí Chủ tịch Công đoàn qua các nhiệm kỳ; sưu tập báo chí, truyền đơn liên quan đến sứ mệnh lịch sử, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam...

Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc gửi Hội nghị Véc Xây (Pháp)  tháng 6.1919 (bản tiếng Việt, Pháp)

“Mục đích của Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân…”

Trải qua cuộc đời người thợ với nhiều nhọc nhằn, khổ cực, Bác luôn dành tình cảm yêu thương và thời gian cho việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Dù bận trăm công nghìn việc, hay lúc tuổi cao sức yếu, Bác vẫn thường xuyên đến các công trường, nhà máy, hầm mỏ để chuyện trò với giai cấp công nhân. Cho đến phút cuối đời, Bác vẫn dành trọn vẹn niềm tin sắt đá vào bản lĩnh, sức mạnh của giai cấp công nhân. Bởi hơn ai hết, Người hiểu sâu sắc rằng tương lai và tiền đồ dân tộc phụ thuộc phần lớn vào giai cấp tiên phong này.

Trong phần trưng bày đặc biệt quan trọng này, công chúng sẽ được tiếp cận nhiều hình ảnh, hiện vật giá trị như bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Công đoàn toàn quốc năm 1949; Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các tổ chức Công đoàn; ảnh Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với công nhân công binh xưởng Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 2.1951; Giấy khen của Chủ tịch nước VNDCCH tặng Nhà máy Trần Hưng Đạo có nhiều thành tích trong việc xây dựng và sản xuất máy móc cần thiết cho kháng chiến, ngày 7.8.1949; Máy chiếu phim 35 ly, sản phẩm đầu tiên do công nhân ngành Điện ảnh lắp ráp; Máy điện thoại, Xưởng Bưu điện Liên khu III sản xuất, tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 4.1951; Súng Ba-dô- ka, Công binh xưởng Nam Bộ sản xuất trong kháng chiến chống thực dân Pháp; Súng ngắn, Xưởng Quân giới Việt Nam sản xuất trong kháng chiến chống thực dân Pháp...

Hình ảnh giản dị, gần gũi của Bác khi đến thăm các nhà máy, công trường được khắc họa rõ nét qua nhiều hiện vật, ảnh tư liệu và những lời căn dặn thấm đẫm ân tình của Người. Thăm nhà máy Diêm Thống nhất, ngày 16.8.1956, Bác nhắc nhở: “Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người khỏe mạnh thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển thì có khả năng cải thiện đời sống của công nhân và nhân viên”. Bác nhấn mạnh rằng: “Mục đích của Công đoàn là phải cải thiện đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và nhân dân nói chung”.

Triển lãm cũng dành một dung lượng quan trọng cho nội dung trưng bày “Giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn làm theo lời Bác”. 

PHƯƠNG HÀ

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top