Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những người say mê sưu tầm ảnh Bác

Thứ Tư 20/05/2020 | 11:39 GMT+7

VHO-  Những bộ sưu tập ảnh Bác Hồ của CCB Nguyễn Quang Huy hay của “Kiện tướng cày” ở Quảng Bình thực sự là những nguồn tư liệu vô cùng quý.

Ông Trần Đình Phong giới thiệu về bộ sưu tập ảnh Bác

Để làm được công việc thầm lặng này, người sưu tầm phải có tấm lòng kính yêu Bác vô bờ bến; một ý chí thép để có thể kiên trì, kỳ công sưu tầm những bức ảnh về Người.

Tấm lòng của người cựu chiến binh

Kể về quá trình sưu tầm các tư liệu, ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy (Tổ dân phố 3, phường Ba Đồn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) cho biết, tháng 5.2007, nhân dịp Đảng bộ thị trấn Ba Đồn (nay là phường Ba Đồn) triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thấy nguồn tư liệu phục vụ cho công tác này quá ít, “tôi liền nảy ra ý định sưu tập ảnh và các bài viết về Bác. Những ngày đầu, tôi cứ trăn trở, suy nghĩ về việc tìm tài liệu ở đâu ra? Thế rồi, trong một lần đọc báo, tôi thấy có nhiều bài viết và ảnh Bác Hồ. Như tìm ra được lời giải cho bài toàn khó, tôi lặn lội đến từng nhà anh em, đồng đội để mượn những số báo chào mừng, kỷ niệm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày sinh của Bác, ngày Tết Độc lập 2.9 để chép lại những bài viết và xin cắt những tấm hình Bác”.

Rồi cứ thế, ông cần mẫn chọn lựa, phân loại, sắp xếp ảnh Bác theo thứ tự nội dung, từng giai đoạn thời gian của từng bức ảnh. Nhận thấy nếu dán ảnh Bác vào album thì chỉ ít người được xem, ông đã tận dụng những tờ lịch treo tường cũ để dán ảnh lên. Rồi ông mua giấy đỏ để làm viền khung, dùng dây thép làm móc treo để thuận tiện cho việc trưng bày và lôi cuốn người xem.

Tính đến nay, cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy đã sưu tầm được hơn 1.000 bức ảnh các loại về Bác. Ông tâm đắc nhất với những bức hình giản dị đời thường như bức Bác Hồ trò chuyện với ngư dân; ảnh Bác bưng cá lên bờ hay bức Bác Hồ cùng với quân và dân đánh bóng chuyền... Bên cạnh việc sưu tập ảnh, ông Huy còn cần mẫn chép lại những bài viết về Bác Hồ để làm tư liệu. Nhìn 5 cuốn sổ được đóng thành tập gọn gàng và kỳ công với gần 400 bài viết về Người trên các loại sách, báo, tư liệu khác nhau, được chép tay và đánh số từ tập I đến tập V, ai cũng thực sự thán phục công sức và sựkiên trì của ông.

Tận mắt tham quan, chiêm ngưỡng và tìm hiểu những bức ảnh tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà ông Nguyễn Quang Huy hay ở những dịp triển lãm tại địa phương mới thấy trân quý tình cảm thiêng liêng mà ông đã dành cho Bác Hồ kính yêu cũng như đức tính cần cù, chịu khó của ông khi ông đã dành ra rất nhiều công sức, tiền của để đi khắp nơi sưu tầm, tập hợp các loại ảnh, tư liệu về Bác để làm nguồn tư liệu quý, giúp ích cho cán bộ và nhân dân thị xã Ba Đồn trong việc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Bộ sưu tập ảnh Bác Hồ của “Kiện tướng cày”

Những ngày tháng Năm lịch sử này, ngôi nhà nhỏ bên bờ sông Gianh của ông Trần Đình Phong (xã Quảng Thanh, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) lại nhộn nhịp người tới tìm hiểu, chiêm ngưỡng những tấm ảnh Bác Hồ mà ông đã kỳ công sưu tập.

Ông Phong nhớ lại, đầu năm 1962, ông tham gia học lái máy kéo ở Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội) và cũng chính năm đó, HTX Đại Phong (xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy) vinh dự được Bác Hồ tặng chiếc máy cày hiệu DT54, đây là chiếc máy cày đầu tiên của tỉnh Quảng Bình. Khi hoàn thành lớp học trở về quê hương, ông là một trong những người đầu tiên được lái chiếc máy cày màu đỏ ấy. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và tinh thần lao động hăng say, Trần Đình Phong luôn luôn đạt danh hiệu “Kiện tướng cày” nhiều năm liên tục.

Năm 1969, khi biết tin Bác Hồ kính yêu đã về với thế giới người hiền, ông Phong xót thương vô cùng. Ông nhớ lại: “Hồi đó chưa có tivi như bây giờ, nên để nắm được thông tin “đặc biệt” này, tôi phải tìm đọc trên sách báo. Trong lúc đọc, thấy có những hình ảnh về Bác rất đáng quý, tôi liền giữ lại để kể cho con cháu và mọi người trong làng biết”. Kể từ đó đến nay, ông Phong kiên trì sưu tầm và sở hữu bộ ảnh hàng ngàn bức về thân thế, cuộc đời hoạt động cách mạng của lãnh tụ Hồ Chí Minh, được sắp xếp một cách có hệ thống và khoa học.

Bộ sưu tập ảnh Bác Hồ của ông Trần Đình Phong hay của cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy chính là tấm lòng sắt son và tình cảm yêu thương vô bờ dành cho vị Cha già dân tộc. Không cất riêng cho mình, vào những dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2.9 hay các sự kiện chính trị của quê hương, đất nước, các ông lại mang bộ ảnh trưng bày để mọi người cùng chiêm ngưỡng, qua đó khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc và ghi nhớ công lao to lớn của Người lãnh tụ muôn vàn kính yêu. 

 PHẠM PHÚ – TÂN BÌNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top