Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phòng chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL: Tăng cường giải pháp đẩy lùi vi phạm

Thứ Sáu 22/05/2020 | 10:37 GMT+7

VHO-  Nhằm tiếp tục đẩy lùi vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL, ông Lương Đức Thắng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐTƯ Phong trào TDĐKXDĐSVH, Thành viên Tổ giúp việc BCĐ 138/CP của Chính phủ về phòng, chống tội phạm, phòng, chống mua bán người và ma túy nhấn mạnh, giải pháp quan trọng là tăng cường thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xã hội.

 Năm 2019, Bộ VHTTDL đã kiểm tra và xử lý vi phạm công trình xây dựng trái phép tại chùa Bối Khê, Hà Nội

 P.V: Ông đánh giá tổng quan như thế nào về thực trạng công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL thời gian qua?

- Ông Lương Đức Thắng: Thực hiện đề án “Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL giai đoạn 2017- 2020”, Bộ VHTTDL đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục hệ thống pháp luật với nội dung phong phú, đa dạng, góp phần hạn chế vi phạm trong từng lĩnh vực, thông qua Phong trào TDĐKXDĐSVH, những vi phạm trong các lĩnh vực VHTTDL đã và đang từng bước được đẩy lùi..

Bộ VHTTDL cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đặc biệt về xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống, phát triển các ngành nghệ thuật, xây dựng gia đình văn hóa, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, phát triển thể chất, thông qua các hoạt động tại các thiết chế văn hóa như: Phim ảnh, ca nhạc, sân khấu, mỹ thuật, văn nghệ dân gian, phong tục, tập quán, lễ hội… Việc tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng hướng tới xây dựng ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết; chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh và ổn định. Mặt khác, hiệu quả từ Phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Các chủ trương, biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL đã được triển khai trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?

- Bộ VHTTDL đã phối hợp với Bộ Công an triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm nói chung, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình nói riêng. Theo đó, ngành văn hóa chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý hành vi chiếm đoạt, làm sai lệch di tích, hủy hoại di sản văn hóa, đào bới trái phép địa điểm khảo cổ, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích và các hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện nghiêm pháp luật về nghệ thuật biểu diễn; thẩm định các chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ lớn nhằm bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân sáng tác, lưu giữ, truyền bá tác phẩm văn học có nội dung vi phạm pháp luật; thẩm định phim tham dự LHP quốc tế, phim có yếu tố nước ngoài; tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý và tổ chức lễ hội, bảo đảm an ninh, an toàn, văn minh, tiết kiệm.

Các cơ quan chức năng thuộc Bộ cũng đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn, xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Lập cơ sở dữ liệu về các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và tăng cường công tác thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo công ước quốc tế.

Ở lĩnh vực thể thao, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai Nghị định 06/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh đặt cược và ban hành Quy chế công bố danh mục các trận đấu, giải đấu được lựa chọn làm căn cứ đặt cược theo quy định của pháp luật. Quản lý chặt chẽ các đoàn thể thao Việt Nam ra nước ngoài công tác, tập huấn và thi đấu nhằm hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm pháp luật nước sở tại, ảnh hưởng uy tín của Việt Nam.

Ở lĩnh vực du lịch, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo vệ môi trường du lịch, an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của khách du lịch và các cơ quan, doanh nghiệp du lịch Việt Nam ở nước ngoài. Xây dựng kế hoạch, phương án và triển khai các biện pháp nghiệp vụ tại các địa bàn, tuyến, điểm du lịch để bảo đảm an ninh, trật tự cho các hoạt động kinh doanh và khách du lịch trên địa bàn. Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động, kinh doanh du lịch phù hợp pháp luật; hướng dẫn khách du lịch thực hiện đúng quy định về cư trú, đi lại tại Việt Nam và các quy định khác liên quan đến an ninh, trật tự và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

Công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm cũng được triển khai mạnh mẽ. Trong năm 2019, đã có 106 đoàn kiểm tra; tiến hành thanh, kiểm tra 431 lượt tổ chức, cá nhân. Theo đó, có 64 cá nhân, tổ chức có vi phạm. Số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.737,5 triệu đồng. Các lĩnh vực chủ yếu được thanh, kiểm tra là hành vi vi phạm sao chép trái phép tác phẩm chương trình phần mềm máy tính; vi phạm bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh; thêm, làm sai nội dung phim đã được phép phổ biến; không thực hiện đúng chế độ lập, lưu trữ hồ sơ, tài liệu; không có hợp đồng lữ hành bằng văn bản với du khách hoặc đại diện khách du lịch...

Bên cạnh chuyển biến tích cực, còn có những tồn tại, hạn chế nào trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực VHTTDL, thưa ông?

- Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, xã hội vẫn còn nhiều hạn chế, mặc dù Bộ đã chủ động triển khai và phối hợp nhiều giải pháp tăng cường. Bên cạnh đó là hạn chế trong xây dựng thể chế pháp luật. Các văn bản pháp luật còn chưa theo kịp với tình hình thực tiễn, một số văn bản chưa đi vào cuộc sống. Tình trạng buông lỏng do thiếu cơ chế phối hợp về quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực VHTTDL vẫn diễn ra. Đội ngũ cán bộ quản lý văn hoá, nhất là ở các địa phương còn biến động, chưa được bồi dưỡng, bố trí hợp lý để phát huy hiệu lực.

Công tác phát hiện, thanh tra, xử lý vi phạm còn hạn chế, chưa nghiêm khắc, kịp thời. Đội ngũ, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu thốn, lạc hậu; công tác phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ, một số đơn vị, địa phương có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm đã ảnh hưởng đến hiệu quả đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật.

Để tăng cường giải pháp đẩy lùi vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL trong thời gian tới, theo ông cần tập trung vào những nội dung nào?

- Trọng tâm vẫn là tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh trong gia đình, xã hội.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ưu tiên những lĩnh vực có tình trạng vi phạm pháp luật cao. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 Hoạt động lễ hội ngày càng đi vào nề nếp

Năm 2019, Thanh tra Bộ VHTTDL đã triển khai 20 đoàn kiểm tra công tác quản lý, chuẩn bị tổ chức và tổ chức lễ hội năm 2019 tại 17 tỉnh, thành phố: Với 91 lượt di tích, lễ hội.Trong đó, đã kiểm tra thực tế, trực tiếp làm việc với các BQL di tích, BTC lễ hội và chính quyền địa phương. Kết quả cho thấy, hoạt động lễ hội năm 2019 đã khắc phục được một số tồn tại của các năm trước như vấn đề quy hoạch, sắp xếp khu vực hàng quán dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện; tình trạng chèo kéo, nâng giá, ép giá, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin… đã giảm. Bên cạnh đó,vẫn còn hiện tượng tiêu cực như đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch, tiếp nhận công đức bằng hiện vật, hàng quán dịch vụ lấn chiếm lối đi, không thu gom tiền dầu nhang kịp thời, tranh cướp phết… NGỌC MINH

Tăng tính răn đe với việc xử phạt hành vi xâm phạm di tích

Cũng trong năm 2019, Thanh tra Bộ đã triển khai các đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ và phát huy giá trị di tích tại Hà Nội, Kiên Giang và Cà Mau. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính một cá nhân có hành vi vi phạm ‘’Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh mà không có văn bản đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, số tiền phạt 20 triệu đồng. Đây là giải pháp nhằm tăng tính răn đe với hành vi xâm phạm di tích. HOÀNG NGÂN

MINH NGỌC (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top