Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội: Phát huy hơn nữa vai trò của chuyên gia, nhà khoa học

Thứ Hai 08/06/2020 | 09:38 GMT+7

VHO- Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các quy định pháp luật về nếp sống văn minh trong lễ hội, nhiều chuyên gia cho rằng cần tiếp tục phát huy những giải pháp đã được đưa ra trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn đời sống lễ hội, đặc biệt đối với những lễ hội lớn, thu hút đông người.

 Hình ảnh dòng người xếp hàng chờ đến giờ phát ấn tại lễ khai ấn đền Trần Nam Định (ảnh chụp lễ hội năm 2019) cho thấy lễ hội này đang dần

trở về với những nét đẹp vốn có

“Nhận thức toàn diện để có ứng xử phù hợp trong lễ hội”

Năm 2019 là thời điểm đầu tiên chúng ta thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Đến nay cũng là lúc cần kiểm nghiệm sự phù hợp và tính khả thi của văn bản pháp lý này. Trên thực tế, công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của lễ hội.

Nhận thức của người tham gia lễ hội cũng từng bước chuyển biến tích cực, chấp hành tốt các quy định, thực hiện nếp sống văn minh như hạn chế thắp hương, đốt đồ mã, không để các hiện tượng mê tín dị đoan, đổi tiền mệnh giá nhỏ hưởng chênh lệch, “chặt chém”… diễn ra tại di tích và lễ hội. Nghị định 110 không chỉ tạo hành lang pháp lý mà quan trọng hơn đã nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Các địa phương đã tập trung nhiều hơn vào công tác tuyên truyền về lịch sử di tích, ý nghĩa lễ hội, các quy định về bảo vệ di tích và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Hoạt động tuyên truyền hướng đến việc vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, không tiếp nhận và đưa các hiện vật không phù hợp vào di tích, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích, hướng dẫn khách tham quan và người hành lễ thực hiện đặt lễ, đặt tiền giọt dầu, tiền công đức đúng quy định… Hình thức tuyên truyền được thể hiện đa dạng trên hệ thống bảng, biển, hệ thống loa truyền thanh, in tờ gấp, trang web, phát huy vai trò của báo chí, truyền thông... Nhờ đó, cộng đồng đã nhận thức toàn diện hơn về vai trò, giá trị của lễ hội, từ đó có những ứng xử phù hợp hơn đối với lễ hội và di tích.

Để phát huy hơn nữa hiệu quả do Nghị định số 110 đem lại, đặc biệt đối với việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, trước tiên cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của lễ hội, của việc thực hiện các qui định trong tổ chức lễ hội và lấy đây làm điều kiện đầu tiên để phát huy giá trị lễ hội trong đời sống đương đại. Việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông và tại di tích, lễ hội phải được kết hợp đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng. Thứ hai là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Thứ ba là việc làm gương của các cán bộ công chức, người tổ chức và quản lý di tích, lễ hội, từ đó lan tỏa những bài học, điển hình để tạo ra hành động làm theo trong xã hội.

Năm 2020 là năm rất đặc biệt trong việc tổ chức lễ hội, khi mà dịch bệnh Covid 19 đã khiến cho hầu hết các lễ hội bị dừng tổ chức. Điều này có ảnh hưởng cả tiêu cực và tích cực đối với lễ hội. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để chúng ta xem xét lại những vấn đề mà đôi khi vì quá bận rộn với việc tổ chức, quản lý lễ hội, chúng ta đã không có dịp đánh giá đúng, đủ. Trong xây dựng nếp sống văn minh, dịch bệnh Covid- 19 khiến chúng ta suy nghĩ nhiều hơn về việc tập trung nơi đông người, vệ sinh nơi cộng cộng và những thói quen khác có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Những điều chỉnh phù hợp chắc chắn sẽ giúp môi trường lễ hội trong sạch hơn, giúp việc tham gia lễ hội trở thành hoạt động phát triển con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

(PGS.TS BÙI HOÀI SƠN, Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam)

“Cần phát huy mạnh vai trò của các chuyên gia, nhà khoa học”

Một thực tế được nhìn thấy rõ là đời sống lễ hội đã và đang có nhiều chuyển biến, thể hiện ở một số lễ hội lớn và thu hút đông người. Một vấn đề trong công tác quản lý lễ hội trước kia là chưa hiểu hết được vấn đề tâm lý đám đông, còn có phần thả nổi nên đã dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy và những hành vi ứng xử thiếu văn minh trong lễ hội. Nhưng bây giờ, lỗ hổng đó đã được siết chặt hơn, thể hiện vai trò chính quyền và sự chuyển biến trong nhận thức của cộng đồng. Tôi lấy ví dụ với một lễ hội đã từng “phủ sóng” báo chí nhiều năm trước là lễ hội Đền Trần (Nam Định), sau khi được điều chỉnh giờ phát ấn từ đêm 14 sang buổi sáng ngày Rằm tháng Giêng, hình thức phát ấn cũng có nhiều thay đổi thì đến nay, đây không còn là một lễ hội điểm nóng về những hình ảnh phản cảm, chen lấn, xô đẩy.

Những thay đổi căn bản trong cách thức tổ chức ở lễ hội Đền Trần cũng đã thể hiện thái độ kiên quyết của chính quyền địa phương. Nhiều lễ hội khác khi nhìn thấy được bản chất vấn đề và quyết liệt thay đổi đều đã tháo gỡ được những rắc rối trước đó. Bài toán của nhiều lễ hội chưa được giải quyết thấu đáo là do chưa có sự gặp gỡ giữa các nhà quản lý và các nhà khoa học. Thành công của lễ hội đền Trần là do vai trò tư vấn của các nhà khoa học của Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, sự quyết liệt của địa phương và thay đổi trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Các lễ hội dù lớn hay nhỏ thì phải phát huy sự tham gia của cộng đồng- chủ thể của lễ hội. Nhận thức của cộng đồng là yếu tố rất quan trọng. Một khi người dân nhận thức đúng, thấy đâu là phản cảm và đâu là chuẩn mực thì họ tự giác sẽ thực hiện hoặc loại bỏ. Ở Đền Trần, các cụ cao niên và BQL di tích, BTC lễ hội đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền và đặc biệt, cộng đồng đã nhìn thấy vấn đề dẫn đến những biến tướng, sai lệch ở lễ hội khiến cho họ dần thay đổi trong các hành vi ứng xử, đến nay đã không còn nhiều hiện tượng chen lấn, xô đẩy như trước.

Trước xu hướng ở nhiều lễ hội vẫn chưa thực sự đưa ra được những giải pháp phù hợp, vừa đảm bảo yêu cầu về công tác quản lý và tổ chức, vừa đáp ứng nhu cầu của nhân dân, chúng ta thấy rằng cần có những nghiên cứu khoa học bài bản, trên cơ sở diễn biến của đời sống thực tế. Như ở lễ hội Hiền Quan (Phú Thọ), phải chăng cần nghiên cứu một giải pháp hài hòa tổng thể, để vật thiêng trong lễ hội là quả phết sẽ trở thành biểu tượng chứ không phải là trung tâm trong một lễ hội xô bồ, thu hút đông người, tranh cướp đấm đá nhau. Trước đây, lễ hội khuôn trong phạm vi hẹp của ngôi làng, vật thiêng là biểu tượng của một năm tươi tốt, nhưng qua thời gian hội Phết lại trở thành lễ hội đông người, mọi người đua nhau đến xem và tranh cướp. Phạm vi làng thì quản lý được nhưng khi hàng ngàn người cùng đổ xô vào thì sao quản được.

Một ví dụ khác, các lễ hội chọi trâu truyền thống nếu được xây dựng để trở thành sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến không chỉ để xem các màn chọi trâu mà để có nhiều trải nghiệm về các nghi lễ truyền thống cũng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và du khách đối với các nét đẹp ở những lễ hội này.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện các quy định pháp luật, đặc biệt về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, nên tiếp tục có những hội thảo khoa học đánh giá Nghị định về quản lý và tổ chức lễ hội đã đi vào đời sống như thế nào. Ở đó, vai trò của các nhà khoa học giàu kinh nghiệm và gắn bó thực tiễn cần phải được phát huy mạnh mẽ. Chúng ta không chỉ cần các quy định pháp luật mà phải có các cơ sở nghiên cứu khoa học, xuất phát từ thực tế chi tiết mà trong nhiều trường hợp, chính cộng đồng cơ sở đã nắm bắt và ứng biến rất tốt. Ví dụ như trước hiện tượng tâm lý đám đông tại một số lễ hội, câu hỏi là phải ứng xử như thế nào, nhiều địa phương đã nghiên cứu để đưa ra các kịch bản, tình huống và xử lý tình huống tốt. Đồng thời, tại các hội thảo khoa học, BTC cũng cần phải đặt lên bàn những tình huống cấp bách để xin ý kiến các nhà khoa học nên giải quyết như thế nào.

(TS TRẦN HỮU SƠN, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam)

 Nghị định 110 đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực tại lễ hội chùa Hương

Theo BTC Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội), việc thực hiện tốt Nghị định 110 về quản lý và tổ chức lễ hội đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực, góp phần bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử Khu Di tích & Thắng cảnh Hương Sơn. Trong những năm qua, đặc biệt từ sau khi Nghị định 110 đi vào cuộc sống, BTC lễ hội đã tập trung chấn chỉnh một số hạn chế như dịch vụ hàng quán, lấn chiếm bến, bãi đường giao thông và các dịch vụ khác, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước… Hoạt động tuyên truyền được đẩy mạnh đã nêu cao vai trò cộng đồng trong việc giữ gìn, tôn tạo và xử lý các vi phạm trong khu di tích và danh thắng. Nhận thức của nhân dân địa phương tham gia phục vụ lễ hội, du khách trẩy hội về thực hiện nếp sống văn hóa cũng đã chuyển biến tích cực trong cả ý thức và hành động. THANH MỘC

 

 MINH NGỌC (thực hiện)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top