Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Ứng xử văn hóa với các chương trình nghệ thuật: Đừng chỉ gióng lên tiếng chuông cảnh báo

Thứ Hai 15/06/2020 | 11:30 GMT+7

VHO- Câu chuyện Con đường Gốm sứ ven sông Hồng bị “chặt đứt” hơn 600 mét chiều dài để phục vụ việc mở rộng đường mà Văn Hóa đã phản ánh, dù đã rõ nguyên nhân và hệ quả, nhưng chắc rằng cũng tạo nên vết thương không nhỏ đối với những người quan tâm đến sự hiện diện của các không gian văn hóa nghệ thuật công cộng.

 Những mnh gốm còn lại...

Cho đến bao giờ thì các tác phẩm, công trình nghệ thuật công cộng mới thực sự được ứng xử đẹp, tương xứng với sứ mệnh làm đẹp cuộc sống mà chúng gánh vác?

Ứng xử thế nào khi “sự đã rồi”?

Trước những ngỡ ngàng về hình ảnh tan hoang của Con đường Gốm sứ ven sông Hồng, được xem là một trong những công trình nghệ thuật ngoài trời tiêu biểu của Thủ đô, Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục có kế hoạch gắn tranh gốm sứ lên mặt tường mới, sau khi hoàn thành xây dựng xong tường chắn đê bê tông cốt thép.

Như vậy là đúng thời điểm 10 năm sau khi được tổ chức Guinness công nhận là Bức tranh gốm sứ lớn nhất thế giới, công trình đã bị phá hủy 600/4000m trong một dự án mở rộng giao thông. Không chỉ nhóm tác giả, các họa sĩ trong nước và quốc tế, những người đã miệt mài sáng tạo, chắp ghép từng hoạt tiết, từng mảnh gốm nhỏ để hình thành nên công trình nghệ thuật công cộng khổng lồ cảm thấy hụt hẫng, tiếc nuối, mà đó là tâm trạng chung của người dân đã từng đi qua và chứng kiến sự hình thành của tác phẩm này suốt bao năm qua.

Miệt mài ghép từng viên gốm nhỏ để tạo nên những đoạn tranh chủ đề với nhiều tâm huyết, khó diễn tả được tâm trạng của những nghệ sĩ khi chính họ phải nhìn thấy cảnh tượng những đoạn tranh bị máy móc và sự vô tâm phá hủy. Đã đành là chuyện không thể khác, nhưng vẫn có những câu hỏi tiếc nuối được đặt ra. Vì sao tác giả công trình chỉ được thông báo vẻn vẹn bằng một cuộc điện thoại? Vì sao đơn vị quản lý công trình là Ban quản lý Di tích danh thắng Hà Nội cũng không hề hay biết? Chỉ đến khi sự đã rồi thì mới tá hỏa… hỏi nhau?

Một cách bình tâm nhất, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy giãi bày tâm tư của mình: “Tôi hiểu rằng đó là việc khó có thể khác được. Với tư cách tác giả, tôi không phản đối chủ trương của Thành phố về việc mở đường để tránh ùn tắc giao thông. Nhưng nếu như đơn vị thực hiện công việc này nghĩ đến tâm huyết và tình cảm mà các nghệ sĩ đã dành vào đây, cũng như nghĩ đến sự tồn tại trong một thập kỷ qua của Con đường gốm sứ trong cuộc sống của người dân Hà Nội thì chắc họ sẽ có những cách triển khai khác hơn…”.

 Con đường gốm sứ với những dở dang

Cũng theo họa sĩ này, việc tháo dỡ đang ảnh hưởng đến sự thay đổi con số của Kỷ lục Guinness thế giới mà thành phố Hà Nội đang nắm giữ. Vì vậy, họa sĩ Thu Thủy cùng các cộng sự một lần nữa bày tỏ nguyện vọng được làm lại các đoạn tranh gốm đã mất lên trên tường đê bê tông Nghi Tàm mới xây. Trong số các đoạn tranh gốm đã mất có nhiều trường đoạn rất ý nghĩa, ví như đoạn tranh phố cổ Hà Nội của danh họa Bùi Xuân Phái; đoạn tranh do Tổ chức Lao động Quốc tế ILO tài trợ, thể hiện những nét đẹp trong lao động sản xuất của nhân dân Việt Nam với các ngành nghề khác nhau trong công nghiệp, nông lâm nghiệp, khoa học kỹ thuật, y tế, công nghệ thông tin; hay đoạn tranh thể hiện các công trình kiến trúc mang tính biểu trưng của các nước ASEAN...

Như vậy, xuất phát từ cả mong muốn của tác giả, dư luận và chủ trương của TP Hà Nội, có thể thấy rằng việc cho phép làm lại những đoạn tranh gốm đã bị máy móc phá hủy là cách ứng xử văn hóa nhất để khắc phục tình cảnh “sự đã rồi”. Nói về giải pháp này, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng tán thành với phương án tạo lập những không gian sáng tạo mới từ nghệ thuật tranh gốm để thay thế cho đoạn tranh bị phá bỏ. Theo ông, đáng tiếc khi 600 mét dài tranh gốm ven sông Hồng bị phá hủy, nhưng hãy xem đó là cơ hội để Hà Nội có không gian mới cho những sáng tạo mới, chuyển tải những thông điệp mới về nội dung và năng lực thể hiện mới của nghệ thuật tranh gốm.

Có còn “con đường gốm sứ” nào bị phá nữa không?

Một công trình nghệ thuật ra đời không phải chuyện một sớm một chiều, không phải chỉ là công, là của, là sáng tạo, trí tuệ của một vài người mà của cả một tập thể. Thế nhưng, ở trường hợp công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng, tất cả những con số khổng lồ ấy lại hoàn toàn tỉ lệ nghịch với việc phá bỏ. Là một công trình nghệ thuật, nhưng con đường gốm sứ lại hứng chịu kiểu ứng xử giống như bao công trình xây dựng đơn thuần, vướng víu thì phá bỏ.

Tượng ở công viên Thống Nhất bị “vô tư” sơn xanh đỏ rồi lại sơn lạ

Phải nhắc lại rằng, không phải đến con đường gốm sứ mà kiểu ứng xử với nghệ thuật giống như bao công trình xây dựng khác và đẩy sự việc theo kiểu “sự đã rồi” là không mới. Trong tình cảnh bị ứng xử tệ hại còn có thể kể đến trường hợp hai bức phù điêu khổng lồ được các giáo sư và sinh viên khóa 1 và khóa 2 của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có tác giả Vũ Cao Đàm sáng tác “bị nhốt” giữ trong khe hẹp của một công trình xây dựng mới liền kề với Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Mặc dù được nhận định là những bức phù điêu lưu giữ dấu ấn thời gian của thời kỳ mỹ thuật Đông Dương, một giai đoạn hoàng kim của mỹ thuật Việt Nam, đồng thời được giới mỹ thuật lên tiếng mạnh mẽ với hi vọng tìm cách “giải cứu” nhưng đến nay, “số phận” của hai bức phù điêu vẫn chưa được các nhà quản lý thực để tâm. Gần đây hơn, tác phẩm tranh tường do “vua tranh cổ động” Trường Sinh sáng tác năm 1982 ở ngã tư Chợ Mơ (Hà Nội) sau gần 40 năm tồn tại cũng rơi vào tình cảnh bị phá dỡ tan nát trong một dự án mở đường. Sau sự vào cuộc của truyền thông và giới chuyên môn, UBND TP Hà Nội đã đồng ý đề xuất di chuyển phần còn lại của bức tranh tường này về địa điểm mới để bảo tồn.

Còn có thể liệt kê hàng loạt cách ứng xử thiếu trân trọng, thậm chí là tùy tiện với các tác phẩm nghệ thuật công cộng trong thời gian qua như việc sơn xanh sơn đỏ nhóm tượng và phù điêu trong Công viên Thống Nhất, tác phẩm nghệ thuật điêu khắc ngoài trời được trưng bày tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm buộc phải tháo dỡ vì sự thiếu ý thức làm vấy bẩn, gây ô nhiễm môi trường; hay chính Con đường Gốm sứ ven sông Hồng đã nhiều lần bị cảnh báo vì không được bảo vệ, rơi vào tình cảnh xuống cấp trầm trọng…

Các công trình, tác phẩm nghệ thuật ở nơi công cộng không chỉ đơn thuần mang tính nghệ thuật, tạo cảnh quan đẹp mà còn có tính gắn kết, thể hiện sự tương tác về nghệ thuật giữa nghệ sĩ với cộng đồng, nhất là tại các đô thị lớn. Chính vì vậy, thật khó chấp nhận những hành vi và cung cách ứng xử thiếu văn hóa, thô bạo vào sự tồn tại của từng tác phẩm. Điều đáng lo ngại là những hành vi như vậy dường như đang trở thành một nếp nghĩ, cho rằng là “chuyện bình thường”. Với con đường gốm sứ, đã có những tranh luận nhất định về giá trị và thẩm mỹ của “con đường” ấy, ngay cả khi nó hoàn thành. Nhưng không thể phủ nhận, từ sự nhiệt huyết của những người tham gia, chuỗi tranh này vẫn là một món quà đặc biệt cho Hà Nội vào dịp ngàn năm tuổi, là một công trình nghệ thuật thay thế cho phần không gian bụi bặm, nhếch nhác của bờ đê sông Hồng những năm dài trước đó. Bởi thế, một công trình văn hóa nghệ thuật đã được dựng nên như một biểu trưng của tình yêu Hà Nội thì lại càng cần phải được ứng xử phù hợp hơn.

Tình trạng ứng xử không chuẩn mực, thiếu tôn trọng với các tác phẩm công cộng rõ ràng đã khiến người làm nghề và cả công chúng thất vọng. Nhiều người lo lắng, liệu có còn những “con đường gốm sứ” nào khác bị đối xử như vậy nữa hay không. Giới nghề bày tỏ, giờ chỉ mong sẽ không còn công trình nghệ thuật nào bị hành xử theo kiểu “sự đã rồi”, hay chỉ gióng giả những hồi chuông cảnh báo như thời gian qua nữa. 

 HOÀNG VY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top