Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa: Văn hóa là trụ cột của phát triển

Thứ Sáu 19/06/2020 | 11:49 GMT+7

VHO- Nhiều đại biểu đã nhận định như vậy tại Hội thảo tham vấn Rà soát công tác bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa tại Việt Nam diễn ra sáng qua 18.6 tại Hà Nội. Hội thảo do Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL) chủ trì, phối hợp với nhiều đơn vị liên quan thực hiện.

Các đại biểu nêu rõ văn hóa là nguồn lực quan trọng của phát triển xã hội

 Hội thảo cũng là dịp để tham vấn, hoàn thiện báo cáo quốc gia định kỳ giai đoạn 2016-2019 về việc thực hiện Công ước 2005 của UNESCO trong bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa.

Văn hóa là nguồn lực mạnh phát triển kinh tế

Theo dự thảo báo cáo, Công ước là nền tảng quan trọng để Việt Nam thúc đẩy và cụ thể hóa chính sách kinh tế, xã hội hóa trong văn hóa. Kinh nghiệm của các nước phát triển có ngành công nghiệp văn hóa lớn mạnh cho thấy, muốn thành công, phải gắn văn hóa với tiến trình hiện đại hóa; phải coi văn hóa là nguồn lực phát triển quan trọng thay vì chỉ dựa vào nguồn lực truyền thống.

Có thể thấy, từ năm 2016 đến nay, nhìn chung, các chính sách liên quan đến văn hóa của Việt Nam đều hướng đến việc xem xét các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trong nền kinh tế thị trường; chú ý đến nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân và quan tâm nhiều hơn đến vai trò của các tổ chức phi chính phủ ở một số lĩnh vực văn hóa. Chính việc có những chính sách phù hợp, cùng với đó là sự nỗ lực thực hiện Công ước 2005 đã giúp phát triển văn hóa tại nước ta đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Kết quả rõ nhất trong việc thực thi Công ước giai đoạn 4 năm vừa qua là ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Điều này là để thực hiện đúng cam kết của Chính phủ Việt Nam đối với UNESCO. Theo đó, Chiến lược giúp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò và vị trí của công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chiến lược đã xác định Việt Nam có 12 ngành công nghiệp văn hóa, bao gồm: Quảng cáo, kiến trúc, du lịch, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm... Mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa là trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng; đóng góp tích cực vào tăng cường kinh tế và giải quyết công ăn việc làm. Nhờ vậy, các sản phẩm, dịch vụ thuộc các ngành công nghiệp văn hóa giúp đẩy mạnh quảng bá đất nước, con người Việt Nam; xác lập được thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa, hướng đến ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam. Chiến lược cũng đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển đến năm 2030. Từ Chiến lược này của Chính phủ, 3 Bộ và 43 tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã ban hành kế hoạch riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của mình.

Một kết quả khác được dự thảo báo cáo đưa ra là Việt Nam đã trở thành thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Đi kèm với việc công nhận thành viên là nhiều chương trình hành động mà các cơ quan, ban ngành liên quan của TP Hà Nội sẽ thực hiện nhằm hiện thực hóa các mục tiêu màHà Nội đã cam kết, bao gồm 3 sáng kiến như: Thành lập Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng và củng cố các Không gian sáng tạo tại Hà Nội; Dự án chuỗi chương trình truyền hình Tài năng sáng tạo Hà Nội... Ba sáng kiến, dự án cấp độ quốc tế cũng được Hà Nội đưa ra là Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội; Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ.

Chú trọng phát triển thương hiệu văn hóa

Dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, nhưng thực tế, việc thực hiện Công ước 2005 vẫn còn nhiều khó khăn. PGS. TS Bùi Hoài Sơn (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) nêu trong dự thảo Báo cáo thực hiện Công ước 2005 rằng, do nhận thức chưa đầy đủ nên các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo chưa chủ động áp dụng các biện pháp theo quy định để bảo vệ những quyền liên quan. Từ đó, người sáng tạo và các nhà sản xuất, kinh doanh sản phẩm và dịch vụ sáng tạo ít có cơ hội thu được lợi nhuận chính đáng từ việc sản xuất và phân phối sản phẩm sáng tạo, phá hỏng các mô hình kinh doanh sáng tạo chuyên nghiệp và gây khó khăn cho sự phát triển các doanh nghiệp sáng tạo ở nhiều ngành như âm nhạc, thiết kế thời trang…

Trước tình hình đó, để tăng cường phát triển văn hóa, gắn với lợi ích phát triển kinh tế - xã hội, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo dựng môi trường pháp lý phù hợp và thuận lợi cho các hoạt động sáng tạo, sản xuất và thụ hưởng các giá trị văn hóa nghệ thuật. Cụ thể là đổi mới, cập nhật và thúc đẩy thực thi có hiệu quả các quy định pháp lý về việc sở hữu trí tuệ, quy định về thẩm định và kiểm duyệt việc ban hành, phổ biến các tác phẩm nghệ thuật để các chủ thể được hưởng lợi. “Việc xây dựng, hoàn thiện chính sách là rất quan trọng. Nhưng quan trọng hơn cả là phải áp dụng thật hiệu quả. Không thể để tình trạng chính sách rất “cao siêu” nhưng thực hiện lại không đến đâu”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu rõ. Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần phải xây dựng được thương hiệu sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa, sáng tạo tiêu biểu: “Tôi lấy ví dụ việc phim mang thương hiệu của Hollywood đã mang đến doanh thu “khủng” như thế nào trong phát triển văn hóa và kinh tế - xã hội nước bạn. Gần chúng ta hơn là nhóm nhạc BTS (Hàn Quốc), một buổi bán vé biểu diễn của nhóm đã đem lại lợi nhuận cao ra sao. Từ những dẫn chứng đó, chúng ta có thể thấy việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm văn hóa, dịch vụ văn hóa, sáng tạo tiêu biểu có vai trò quan trọng như thế nào. Có được thương hiệu, phát triển văn hóa tại Việt Nam sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, khẳng định được văn hóa hoàn toàn là trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Bên cạnh đó, trong dự thảo báo cáo, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nêu thêm, cần lồng ghép các vấn đề về phát triển văn hóa và sáng tạo văn hóa trong các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình hợp tác phát triển quốc tế. Cụ thể, phát triển văn hóa phải đi đôi với phát triển kinh tế, giáo dục, đào tạo, xóa đói giảm nghèo… 

ĐÌNH TOÁN; ảnh: MINH KHÁNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top