Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Xung quanh việc "phát lộ" 2 công trình ở Kinh thành Huế: Cần được giải mã thấu đáo mới có thể phát huy giá trị

Thứ Tư 01/07/2020 | 10:53 GMT+7

VHO- Xung quanh việc 2 cửa thành ở Đông thành Thủy Quan thuộc Kinh thành Huế đang được dư luận đặc biệt quan tâm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) cho biết, đã nhiều lần khảo sát, cắm biển lưu ý và đang lên kế hoạch cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích này gắn với hệ thống di tích Thượng Thành.

Tuy nhiên, cần có thời gian nghiên cứu, giải mã để làm rõ chức năng của hai công trình đó, tiếp theo mới tính đến phương án bảo tồn và phát huy giá trị. 

 Hai cửa trái, phải Đông thành Thủy Quan được đánh dấu vị trí 121 trên bản đồ Kinh thành Huế của Leopold Cadière

Nhiều giả thiết được nêu ra

Câu chuyện bắt đầu râm ran khi các hộ dân sống ở Thượng Thành ở đoạn cống Lương Y (tức Đông thành Thủy Quan) di dời đến khu tái định cư theo đề án “Di dời dân cư khu vực 1 Kinh thành Huế”. Khi giải phóng mặt bằng đoạn phía Nam cống Lương Y, nhiều người ngạc nhiên vì thấy một cổng khá độc đáo về kiến trúc. Tìm hiểu thêm, phía bờ Bắc của cống Lương Y cũng tồn tại một cổng tương tự, nằm khuất sau nhà dân và đã bị bít kín lối đi.

Cổng được xây dựng theo lối kiến trúc 2 vòm có liên kết, với chiều dài 7 lớp gạch, phía dưới còn có tảng đá xanh. Lối qua cổng rất nhỏ, với chiều cao lẫn chiều ngang đến chưa đến 1 mét. Qua khỏi cổng là tuyến phòng lộ, tiếp giáp với sông Ngự Hà. Hiện tại vẫn còn dấu vết của các chốt cửa, hai chốt trên vẫn còn khá nguyên vẹn, còn hai chốt dưới đã bị hư hỏng. Đây là địa điểm tham quan thú vị kết nối giữa Thượng Thành và sông Ngự Hà, kéo dài về phía Đông là sông Đông Ba, ra sông Hương và xuôi về biển. Trao đổi với Văn Hóa, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, “Đông thành Thủy Quan là khu vực phòng thủ trọng yếu của kinh thành xưa, nhưng trong các tư liệu lịch sử hầu như không đề cập đến chiếc cổng nhỏ này. Bản thân tôi đã đến khảo sát, và nhận thấy không chỉ có kiến trúc và tính thẩm mỹ cao, mà tôi rất ngạc nhiên là các cổng đều còn tồn tại khá nguyên vẹn”. 

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, 2 cổng này có khả năng là nơi qua lại, nghỉ chân của đội vệ binh kiểm tra khu vực phòng thủ Đông thành Thủy Quan. Trong khi đó, phía Trung tâm cho rằng 2 cổng nói trên tên gọi chính xác là 2 cửa trái – phải của Đông thành Thủy Quan, và đã được đánh số 121 trên bản đồ Kinh thành Huế (theo Kinh thành Huế địa danh của Leopold Cadière), nhưng lại được chú thích đã bị bít kín vào thời điểm đó. Hai cửa này đã được Trung tâm biết đến từ lâu, và đã khảo sát nhiều lần. 

Cổng với lối kiến trúc 2 lớp vòm độc đáo tồn tại khá nguyên vẹn

TS Trần Đình Hằng, Phân Viện trưởng Phân Viện VHNT Quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng phải đặt ra nhiều giả thiết, hướng tiếp cận trong tổng thể tường thành - hệ thống cổng thành, đặc biệt ở đây là không thể tách rời việc kiểm soát an ninh cũng như xuất nhập hàng hóa vào ra bằng đường thủy rất quan trọng của Đông thành Thủy Quan. Một cái chốt, hay đồn, hay trạm kiểm soát là hoàn toàn có thể nghĩ đến, để rồi cần được chứng minh bằng công năng, sử liệu... “Di sản Huế ngồn ngộn những giá trị, tiếc là lâu nay chúng đã chịu nhiều tác động nghiệt ngã. Những vòm cửa, cổng thành hay gì đó được xuất lộ lúc này đều rất cần thiết, cần được trân trọng để nâng niu, gìn giữ và giải mã bằng những tư liệu, luận chứng và công năng cho phù hợp. Tất cả cần được xúm tay bởi nhiều góc nhìn của chuyên gia lịch sử, kiến trúc, quân sự, hệ thống thủy đạo... để cùng nhau làm rõ những góc khuất của lịch sử, đưa Huế đến với mọi người một cách đầy đủ dần”, TS Hằng nói.

Sẽ là điểm nhấn kết nối tour 

Đầu năm 2020, Trung tâm tiếp tục khảo sát lại hệ thống Thượng Thành để hệ thống hóa các tên pháo đài và kho đạn, các cống thoát nước trên di tích này. Sau đó, Trung tâm đã có văn bản báo cáo UBND TP Huế và cắm biển chú ý công tác thu dọn mặt bằng ở khu vực gần cửa phải Đông thành Thủy Quan, tránh ảnh hưởng đến di tích.

“Việc khảo sát cũng là cơ sở để tiến hành bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị di tích sau khi thực hiện di dời dân cư. Hiện nay, Trung tâm đang khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch bền vững trên nền tảng hệ thống Ngự Hà và di sản Kinh thành Huế”, đại diện Trung tâm cho biết. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, trên Thượng Thành vẫn còn nhiều điều bí mật và thú vị về Kinh thành Huế xưa cần được khám phá, khảo sát, đánh giá. Do đó, sau khi thực hiện đề án di dời dân cư, cần có kế hoạch chu đáo cho việc khôi phục di tích Kinh thành Huế, đồng thời xây dựng tuyến du lịch hấp dẫn gắn với di tích này. Trong đó, khu vực Đông thành Thủy Quan sẽ là địa điểm quan trọng để du khách trải nghiệm khám phá Thượng Thành và kết nối di chuyển bằng thuyền vào sông Ngự Hà. 

 Cửa phải của Đông thành Thủy Quan nhìn từ trên cao

Hiện nay, tiến độ dự án di dời dân cư trên Thượng Thành đang được đẩy mạnh nhằm trả lại không gian cảnh quan và kiến trúc của Kinh thành Huế xưa. Trung tâm đang tập hợp tư liệu và xây dựng hồ sơ để phục hồi di tích Thượng Thành và hệ thống phòng thủ 24 pháo đài, các kho đạn, hệ thống thoát nước rất độc đáo trên di tích này để phát huy giá trị và xây điểm đến du lịch độc đáo. “Quá trình người dân sinh sống ở khu vực này, họ đã có ý thức bảo vệ di sản nên nhờ đó đến nay vẫn cơ bản giữ được giá trị cốt lõi của hai cửa trái, phải Đông thành Thủy Quan. Sắp đến chúng tôi sẽ có các giải pháp để tôn tạo, bảo vệ, trùng tu và phát huy giá trị 2 cửa này cùng với các điểm di tích trong quần thể Di tích Cố đô Huế”, ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm cho hay. 

 Bài, ảnh: SƠN THÙY






 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top