Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Mảnh đất trinh thám đang cần được... khai hoang

Thứ Tư 22/07/2020 | 10:22 GMT+7

VHO- “Mặc dù xuất hiện cách đây gần một thế kỷ, nhưng dòng tiểu thuyết trinh thám Việt Nam vẫn là mảnh đất đang cần được “khai hoang”, bởi đây là một thể loại khó, đòi hỏi người cầm bút không chỉ giỏi tưởng tượng, có tài kể chuyện mà còn phải có kiến thức sâu rộng trong nhiều lĩnh vực, vì thế nên các cây bút trẻ hiện nay hầu như không mấy mặn mà. Độc giả Việt Nam lại có xu hướng ưa chuộng văn học trinh thám nước ngoài”... là chia sẻ của nhà văn Di Li tại buổi tọa đàm “Michel Bussi - ông hoàng đương đại trinh thám Pháp” vừa diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua.

 Tác phẩm “Thăm thẳm mùa hè” của tác giả Nguyễn Dương Quỳnh

 Nhắc đến truyện trinh thám, người ta nghĩ ngay đến những yếu tố ly kỳ, giật gân, rùng rợn, đầy sức lôi cuốn và là món ăn tinh thần không thể thiếu cho những ai ưa thích thử thách trí tò mò của mình. Thể loại này đặc biệt phát triển ở một số nước như Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc...

Rào cản trong việc tiếp cận

Độc giả Việt Nam yêu trinh thám mấy năm qua hẳn không còn xa lạ với nhà văn Pháp Michel Bussi qua các tác phẩm Hoa súng đen, Mẹ đã sai rồi Xin đừng buông tay. Michel Bussi được mệnh danh là “Ông hoàng trinh thám Pháp” với phong cách viết lắt léo, bất ngờ và tài tình. Hẳn không ai ngờ một vị giáo sư địa lý, một nhà chính trị lại là một nhà văn trinh thám nổi tiếng đã giành được 15 giải thưởng văn học lớn. Các tác phẩm của ông đã được dịch và xuất bản tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Còn ở Việt Nam, cho đến nay văn học trinh thám vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, hiện chỉ có một số tác phẩm của các nhà văn như: Hữu Mai, Nguyễn Trần Thiết, Di Li, Nguyễn Xuân Thủy, hoặc gần đây nhất là những tên tuổi mới nổi thuộc thế hệ 8x như Giản Tư Hải, Kim Tam Long, Nguyên Trường..., bởi sáng tác truyện trinh thám đòi hỏi người viết phải có tư duy lô-gic vô cùng mạch lạc, phải có sự hiểu biết sâu sắc, ít nhất trong lĩnh vực mình đề cập. Ngoài ra, phần lớn các tác giả gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống pháp lý, hình sự ở nước ta. Tiếp đó là khoảng trống trong hiểu biết về tội phạm học, tâm lý học, thậm chí về vốn sống, trải nghiệm còn hạn chế. Ngoài những khó khăn trên, người viết trinh thám còn vấp phải nhiều rào cản khác. Lượng độc giả yêu thích trinh thám tuy nhiều, nhưng yêu trinh thám Việt lại ít. Các nhà sách, nhà xuất bản thiết tha với thể loại này cũng còn hạn chế. Vì thế, mối quan hệ giữa người viết - nhà sách - độc giả vẫn đang là một bài toán khó.

Nhà văn Đức Anh, tác giả của Tường lửa (2018) và Thiên thần mù sương (2019) chia sẻ: “Hiện nay, lứa tuổi đọc truyện trinh thám tại Việt Nam phần lớn là các bạn trẻ từ 18 đến 23, đây là lứa tuổi đã bị phủ sóng bởi các tác giả trinh thám nổi tiếng trên thế giới. Chính vì vậy, văn học trinh thám Việt khó có thể tiếp cận với đối tượng độc giả này. Ngoài ra, các tác phẩm trinh thám nước ngoài được các nhà sách mua bản quyền và đầu tư truyền thông bài bản, hiệu quả, trong khi các tác giả Việt Nam phải loay hoay tự tìm cách quảng bá tác phẩm của mình khiến mảng văn học này gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển”.

Có thể nói, khó khăn đến từ thể loại, sự phân hóa độc giả, đến việc quảng bá, lượng tiêu thụ đuối hơn nhiều so với ngôn tình hay các thể loại khác đã khiến người viết trinh thám Việt giống như một vận động viên chạy vượt rào đang gặp quá nhiều cản trở trên con đường chinh phục đam mê của mình.

 Tc phẩm "Âm mưu thay não" ca tc giả Gin Tư Hi

Kỳ vọng vào sự hồi sinh

Dù biết là khó khăn, nhưng tín hiệu đáng mừng là hiện đã và đang xuất hiện một số tác giả trẻ tham gia vào mạng lưới văn học trinh thám với sự chuyển biến tích cực cả về chất và lượng. Bằng năng lượng dồi dào, nhạy bén với thời cuộc, họ đã có chiến lược sáng tác cụ thể, bài bản, theo đuổi con đường trinh thám một cách nghiêm túc và thực sự cầu tiến. Gần đây nhất, tác phẩm trinh thám Thăm thẳm mùa hè của tác giả Nguyễn Dương Quỳnh đã gây được ấn tượng tốt trên văn đàn, tuy không phải quá thành công nhưng Dương Quỳnh đã thể hiện là một nhà văn giàu năng lượng thể nghiệm và hướng đến việc trở thành một tác giả chuyên nghiệp.

Ngoài ra, để khắc phục những khó khăn trong thể loại trinh thám Việt, đã có không ít bạn đọc thành lập các hội nhóm giới thiệu sách. Ông Nam Đỗ, quản trị Hội những người thích truyện trinh thám chia sẻ: “Với mục đích kết nối những người yêu truyện trinh thám ở Việt Nam, bằng tình yêu của mình, trong 5 năm qua, tôi đã xây dựng Group với 30.000 thành viên và nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc trên toàn quốc. Đây là cơ hội để tôi giới thiệu, thúc đẩy việc phát triển truyện trinh thám Việt Nam, giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận với những tác phẩm xuất sắc. Hy vọng, trong 5 năm tới sẽ có nhiều bạn đọc quan tâm đến lĩnh vực văn học này và có nhiều tác giả viết trinh thám thực thụ, tài năng. Đồng thời, đây cũng là cầu nối để các tác giả trẻ có thể dễ dàng hiểu được tâm lý bạn đọc, nắm được những ý kiến đa chiều để hoàn thiện hơn ở những tác phẩm tiếp theo”.

Nhà văn Đức Anh cho biết: “Để gắn bó với văn học trinh thám còn nhiều chông gai, đòi hỏi người viết cần có một đam mê mãnh liệt. Nếu các tác phẩm của mình không được xuất bản thì tác giả vẫn có thể phát hành trên môi trường mạng. Với hình thức này, các nhà văn vẫn có cơ hội tiếp xúc với độc giả, từ đó có thể biết được bạn đọc đang mong đợi gì ở sản phẩm của mình. Trinh thám Việt Nam tuy nhiều rào cản, nhưng cũng có những lợi thế nếu như các tác giả kể một câu chuyện thuần Việt, có bối cảnh tại Việt Nam thì sự đón nhận của độc giả sẽ có những ưu ái nhất định”.

Sẽ là quá sớm khi nói về sự hồi sinh hay hướng đi mới của văn học trinh thám Việt, nhưng với nỗ lực của các nhà văn, đặc biệt là những người trẻ, độc giả có quyền hy vọng về những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao và mang đặc trưng tinh thần, văn hóa Việt. 

 HÀ THAO

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top