Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Ứng dụng KHCN trong hoạt động thư viện tại Việt Nam: Xoá bỏ rào cản, lấy người đọc làm trung tâm

Thứ Tư 19/08/2020 | 11:58 GMT+7

VHO-  Sáng qua 18.8 tại Hà Nội, Vụ Thư viện (Bộ VHTTDL) tổ chức hội thảo phục vụ xây dựng Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong hoạt động thư viện ở Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

 Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho việc xây dựng Đề án

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chỉ ra những hạn chế trong việc ứng dụng KHCN trong hoạt động thư viện tại nước ta. Bên cạnh đó, các giải pháp để từng bước hiện đại hoá hoạt động thư viện cũng được đưa ra để tổ soạn thảo xem xét, góp phần xây dựng hiệu quả Đề án.

Vẫn đang đi theo kiểu truyền thống

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, bà Đoàn Quỳnh Dung (Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện) cho biết, Luật Thư viện có hiệu lực thi hành đã quy định chức năng, nhiệm vụ của thư viện. Trong đó, phải kể đến nhiệm vụ “Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, hiện đại hoá thư viện” (Khoản 3 Điều 4). Đồng thời, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến cũng trở thành một nguyên tắc đối với các thư viện để thường xuyên đổi mới sáng tạo về quy trình, sản phẩm thông tin, dịch vụ thư viện.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao năng lực phục vụ của các thư viện trong cả nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Bà Đoàn Quỳnh Dung cho biết thêm, thực tế cho thấy, các Bộ, ngành, Sở VHTTDL, Sở VHTT các tỉnh, thành phố, các trường đại học đã quan tâm, tạo điều kiện cho các thư viện được đầu tư hạ tầng mạng, phần mềm quản lý hoạt động, triển khai dịch vụ thư viện trực tuyến, dịch vụ thư viện hiện đại phục vụ bạn đọc… Nhưng, việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin mới chủ yếu áp dụng ở các thư viện tỉnh. “Hệ thống thư viện cấp huyện mới chỉ thực hiện các dịch vụ truyền thống, chưa được trang bị đầy đủ các trang thiết bị để thu thập, xử lý, lưu giữ, bảo quản, khai thác tài nguyên thông tin và dịch vụ hiện đại”, bà Dung thông tin.

Còn thực trạng tại các cơ sở đào tạo, ThS Hà Thị Huệ (Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: “Căn cứ vào thực tế ứng dụng công nghệ tại Thư viện Tạ Quang Bửu nói riêng và các thư viện ĐH nói chung, có thể nói việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào các hoạt động thư viện mới chỉ dừng lại ở mức quản lý, lưu trữ, xử lý, khai thác tài liệu. Trong khi, đã đến lúc cần thiết ứng dụng ở mức độ cao hơn là thư viện thông minh thế hệ 4.0. Đây là thế hệ mà các thư viện lấy người dùng làm trung tâm, xoá bỏ rào cản và tạo nên sự kết nối không giới hạn tới nguồn tri thức của nhân loại. Ngoài ra, có một vấn đề là các thư viện trường học dù rất muốn ứng dụng những gì tiên tiến nhất, đáp ứng tối đa nhu cầu của bạn đọc nhưng lại gặp khó khăn về kinh phí. Cơ sở vật chất và thiết bị thư viện chưa đồng bộ”.

Một vấn đề khác được TS Nguyễn Văn Thiên (Trưởng khoa Thông tin - Thư viện Trường Đại học Văn hoá Hà Nội) chỉ ra là nhân lực vận hành thư viện hiện đại tại Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu: “Thư viện hiện đại ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ có nhiều khác biệt trong chức năng, nhiệm vụ cũng như phương thức thực hiện công việc. Tuy nhiên, có một thực trạng là đội ngũ nhân lực am hiểu công nghệ thông tin trong các thư viện Việt Nam còn hạn chế. Theo khảo sát, tại một số thư viện và trung tâm thông tin, tỷ lệ cán bộ có trình độ công nghệ rất thấp. Thậm chí, 6/72 (gần 10%) số thư viện thực hiện khảo sát chưa có cán bộ được đào tạo về công nghệ thông tin. Trao đổi với lãnh đạo các thư viện này, chúng tôi được biết nguyên nhân chính là do làm việc trong các thư viện này thường có thu nhập không cao, môi trường làm việc kém hấp dẫn trong việc thu hút nhân lực”.

Phải dám nghĩ, dám làm

Trước những vướng mắc đang gặp phải, các đại biểu tại hội thảo đều nhấn mạnh, phải có các thư viện dám nghĩ, dám làm, tiên phong mới có thể tăng cường một cách hiệu quả ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động thư viện tại nước ta. Từ đó, tạo được sức hút tới mọi tầng lớp nhân dân đến học tập tại các thư viện. ThS Vĩnh Quốc Bảo (PGĐ Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM) đề xuất, các thư viện cần đẩy mạnh phát triển công nghệ số phù hợp với nhu cầu sử dụng; tăng cường khả năng truy cập thông tin cho bạn đọc mọi lúc, mọi nơi: “Phần mềm thư viện cần được bổ sung các tính năng hỗ trợ chức năng truy cập, giao tiếp ở các thiết bị thông minh phổ biến. Các phần mềm, website cần được điều chỉnh để phù hợp với việc sử dụng thiết bị di động tra cứu, đọc thông tin, cơ sở dữ liệu trực tuyến của bạn đọc một cách dễ dàng. Chẳng hạn, người dùng có thể sử dụng điện thoại di động để đăng ký mượn, trả, gia hạn… và truy cập các dịch vụ khác trong thư viện”.

Có nền tảng công nghệ, nhưng để điều hành được, các thư viện cần phải giải quyết thêm bài toán về nhân lực có trình độ cao. Với thực trạng đã nêu trước đó, TS Nguyễn Văn Thiên cho rằng, tất cả cán bộ lãnh đạo quản lý trong các thư viện hiện đại cần được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý thư viện kỹ thuật số. “Riêng với cán bộ quản lý được điều chuyển từ lĩnh vực khác sang quản lý thư viện, phải được đào tạo kiến thức cơ bản về lĩnh vực thông tin, thư viện, chú trọng đến những kiến thức chuyên môn về thư viện hiện đại…”, TS Nguyễn Văn Thiên bày tỏ.

Các chương trình đào tạo nên được cập nhật theo hướng hiện đại, giảm tải kiến thức về thư viện truyền thống và tăng cường kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị thông tin và tri thức khi giảng dạy cho nhân viên thư viện. Hình thức đào tạo cũng cần được đa dạng hoá theo hướng dài hạn, tập trung cho cán bộ nòng cốt; cử cán bộ tham gia tập huấn tại nước ngoài tại các nước có nền khoa học công nghệ phát triển… 

ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top