Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Chuyện kỳ thú về biệt thự trên núi Ba Vì (Bài 1): Núi Ba Vì lọt vào tầm ngắm của toàn quyền Đông Dương

Thứ Sáu 21/08/2020 | 10:45 GMT+7

VHO- Trên núi Ba Vì (Hà Nội) hiện có rất nhiều công trình phế tích là các khu nghỉ dưỡng do Pháp xây dựng hơn 90 năm trước tại các điểm cao 400m, 600m, 1000m và rải rác ở các điểm 700m, 800m... Gần một thế kỷ dầm mưa dãi nắng, các phế tích khoác trên mình chiếc áo rêu phong “trơ gan cùng tuế nguyệt” giữa rừng già xanh ngắt và ẩn chứa nhiều câu chuyện kỳ thú.Với mục đích gìn giữ và “đánh thức” những công trình này, Hội Kiến trúc sư VN và Tập đoàn Melia đang gấp rút chuẩn bị cuộc tọa đàm “Phát huy hiệu quả giá trị các công trình phế tích Pháp tại núi Ba Vì” dự kiến tổ chức trong tháng 9. Văn Hóa xin giới thiệu quá trình hình thành và những điều vẫn đang còn là bí ẩn trong loạt bài “Bí ẩn khu biệt thự nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì” của tác giả Chu Thu Hằng.

Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (1857 – 1932) Ảnh tư liệu

 Việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên cao tại Đông Dương được đặt ra vào năm 1897, là ý tưởng của ông Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897-1902). Đến Việt Nam ngày 13 tháng 2 năm 1897 sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển, Paul Doumer ngán ngẩm khi đối mặt với thời tiết mùa hè oi nóng của xứ sở nhiệt đới. Chỉ sau vài tháng ở đây, trong đầu vị Toàn quyền Đông Dương luôn tồn tại câu hỏi: làm sao để người châu Âu có thể sống được ở nơi khí hậu nóng, ẩm, khắc nghiệt, khác biệt hoàn toàn so với điều kiện khí hậu ôn đới của nước Pháp?

Thời điểm đó, công cuộc chinh phục các thuộc địa tại Đông Dương đã khiến Pháp phải chi ra tới 749.987.000 francs. Việc người Pháp ở Đông Dương phải quay trở về nghỉ phép hoặc chữa bệnh làm gia tăng thêm gánh nặng cho ngân khố Pháp. Phương án đặt ra cho các vùng thuộc địa nói chung và Đông Dương nói riêng là cần tìm kiếm những vùng có khí hậu gần giống với châu Âu để xây dựng các khu nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ và chữa bệnh tại chỗ cho người Pháp.

Ba Vì thường xuyên được bao bọc bởi lớp sương mỏng như khói

Paul Doumer thấy các địa phương có khí hậu ôn đới không quá hiếm ở Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, cho tới năm 1897 vẫn chưa có một dự án nghỉ dưỡng nào được xây dựng tại đây, dù chỉ là lập dự án. Trong khi tại các thuộc địa của Anh và Hà Lan ở Ấn Độ, nhất là tại các thuộc địa Anh, những khu nghỉ dưỡng như vậy đều đã được thiết lập. Đánh giá các khu nghỉ dưỡng ở Đông Dương cần thiết không kém các khu vực Đông Ấn khác, Paul Doumer đã gửi các yêu cầu khảo sát địa điểm xây dựng cho Thống sứ Bắc Kỳ, ấn định các điều kiện cần thiết cho việc thiết lập một khu nghỉ dưỡng: có độ cao tối thiểu 1.200m, có nguồn nước dồi dào, có đất canh tác, có khả năng xây dựng đường giao thông dễ dàng…

 

Phế tích nhà thờ là công trình hiếm hoi còn giữ lại khá nguyên vẹn hình dáng kiến trúc 

Núi Ba Vì được khảo sát theo Công lệnh của Paul Dumer ngày 23.7.1897 cùng với Tam Đảo và Mẫu Sơn. Với tính cách lãng mạn nhưng cũng không kém phần thực dụng của người Pháp, lý do khiến Ba Vì lọt vào tầm ngắm của Paul Doumer là địa điểm này hội tụ những điều kiện tự nhiên phù hợp với một khu nghỉ dưỡng và hàm chứa những giá trị văn hoá bản địa đặc sắc để tạo nên sự riêng biệt.

Các  phế tích công trình nghỉ dưỡng tại  điểm cao  600 m

Nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng 60km về phía Tây Bắc, Ba Vì là một dãy núi đá vôi trải trên phạm vi rộng chừng 5.000 hecta (ha) ở hai huyện Ba Vì và Thạch Thất (Hà Nội) và TP Hòa Bình (Hòa Bình). Nằm sát phía Tây Bắc của vùng Châu Thổ sông Hồng, khu vực Ba Vì chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh, khí hậu trong lành mát mẻ, nhiệt độ biến thiên tuân theo quy luật đai cao. Ở độ cao 500-700m, nhiệt độ trung bình năm khoảng 19-20oC; lên đến độ cao 900-1000m, nhiệt độ trung bình năm giảm còn 18oC. Không ẩm ướt như Tam Đảo, nhưng từ độ cao 300m trở lên, núi Ba Vì thường xuyên được bao bọc bởi lớp sương mỏng như khói.

Hoa ráy tạo nên vẻ đẹp riêng biệt tại điểm cao  600 m

Từ những năm 1884, Ba Vì đã được người Pháp quan tâm với tư cách là một địa điểm có thảm động - thực vật đa dạng. Và hiện tại, Ba Vì được ví như lá phổi của Thủ đô. Thật thú vị khi chỉ hơn một giờ chạy xe, những người dân Hà Nội đã có thể chạm tay vào “lá phổi” xanh mát với bầu không khí thanh sạch và khám phá sự đa dạng của ba kiểu rừng đặc trưng trên núi Ba Vì: Rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp; Rừng kín thường xanh hỗn hợp cây lá rộng, cây lá kim á nhiệt đới núi thấp và Rừng kín lá rộng thường xanh mưa ẩm nhiệt đới núi thấp. Điều làm nên giá trị khác biệt của dãy núi Ba Vì so với Tam Đảo, Sa Pa chính là những giá trị văn hóa đặc trưng của người Việt với độ lùi thời gian hàng ngàn năm được ghi dấu ấn trong truyền thuyết và hệ thống đình, chùa dày đặc trong khu vực.

 Những công trình hiện là phế tích trên núi Ba Vì

Mặc dù Paul Dumer khá ấn tượng với dãy núi Ba Vì nhưng địa điểm này đã không được lựa chọn để quy hoạch khu nghỉ dưỡng thời điểm đó vì vấp phải sự phản đối của một số bác sĩ cho rằng độ cao của những dãy núi này không phù hợp để chữa bệnh, do có chênh lệch nhiệt độ lớn. Chính bởi lý do này nên chỉ có Đà Lạt được chọn quy hoạch xây dựng khu nghỉ dưỡng năm 1897. Sa Pa được xem xét quy hoạch vào năm 1909 và đón những người phục vụ cho quân đội Pháp bị ốm, mệt lên nghỉ dưỡng lần đầu tiên vào năm 1915.

Các phế tích biệt thự và công trình nghỉ dưỡng đều có lò sưởi 

Trong một báo cáo đặc biệt năm 1917, Chánh Thanh tra các vùng thuộc địa cho biết, mục tiêu của việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên cao hay ven biển là nhằm hai mục đích: vừa để duy trì một lượng người định cư nhất định ở Đông Dương vừa để tiết kiệm ngân sách. Theo đó, việc tìm kiếm và khảo sát các địa điểm xây dựng khu nghỉ dưỡng tiếp tục được xúc tiến. Năm 1920, núi Ba Vì một lần nữa lọt vào tầm ngắm những địa điểm xây dựng khu nghỉ dưỡng trên cao.

Ẩn mình dưới lớp bụi thời gian, hiện núi Ba Vì còn lưu dấu hàng trăm ngôi biệt thự cùng những công trình phục vụ đi kèm như nhà hàng, khách sạn tập trung ở các điểm cao 400m (cote 400), 600 (cote 600), 700m (cote 700), 800 (cote 800). Những phế tích chưa bị tan biến theo thời gian hé lộ nơi đây từng là khu nghỉ dưỡng sang trọng được quy hoạch bài bản, nếu không nói là xa hoa của người Pháp những năm 40 của thế kỷ trước và việc xây dựng các công trình đó cho đến nay vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn.

Bài 2: Ai là chủ nhân ngôi biệt thự đầu tiên trên núi Ba Vì hơn 100 năm trước?

Bài & ảnh :CHU THU HẰNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top