Chuyện kỳ thú về biệt thự nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì (Bài cuối): Ước muốn đánh thức... phế tích

VHO- Khi xây dựng quy hoạch khu nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì, người Pháp tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường tự nhiên. Đây là chủ trương của chính phủ Pháp trong việc phát triển du lịch, kể cả du lịch tại các thuộc địa. Điều này được thể hiện trong nhiều văn bản liên quan đến quy hoạch và quá trình xây dựng khu nghỉ dưỡng tại núi Ba Vì gần 100 năm trước. Nằm trong lòng thiên nhiên hoang sơ, những phế tích rêu phong đang bị thời gian phá huỷ, và những ý tưởng “đánh thức” phế tích đã được đặt ra.

Năm 2009, ông Richard Canu, KTS người Pháp đã đến núi Ba Vì. Chạm tay vào từng viên gạch, hoa văn ở phế tích; vẽ lại trong sự tưởng tượng của mình những biệt thự trong quá khứ, Richard Canu thốt lên: “Quá ấn tượng”. Ấn tượng mà Richard Canu nói đến chính là sự hài hoà giữa thiên nhiên và công trình kiến trúc trên núi với độ lùi cả trăm năm. Với tư duy và góc nhìn của một KTS, Richard Canu cảm nhận sự giao hoà và cộng hưởng về ý tưởng thẩm mỹ của hai thế hệ ở hai đầu thế kỷ. Sự giao hoà ấy là nguồn cội nảy sinh trong ông những ý tưởng kiến trúc độc đáo, lãng mạn và giàu ý nghĩa trong tương lai. 

Chuyện kỳ thú về biệt thự nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì (Bài cuối): Ước muốn đánh thức... phế tích - Anh 1

 Biệt thự được dựng lại trên nền, tường các phế tích Pháp tại cote 600

Đặc sản là thiên nhiên 
Trước khi được bổ nhiệm giữ chức Thống sứ Bắc Kỳ, ông Paul Bert đã chú ý đến dãy núi Ba Vì. Ông liên lạc với Benjamin Balansa, nhà thực vật học nổi tiếng thuyết phục ông này sang Việt Nam tìm hiểu về động, thực vật ở núi Ba Vì. Benjamin Balansa đến VN tháng 4.1886 và bắt đầu đến núi Ba Vì vào tháng 6.1886. 
Trong thời gian 5 năm, ông có nhiều tháng sống trên dãy núi Ba Vì, sưu tầm được 5.600 mẫu thực vật gửi về Bảo tàng Paris. Benjamin Balansa cũng là người thừa lệnh Thống sứ Bắc Kỳ Paul Bert sang đảo Java mang cây Cà phê và cây Canh-ki-na về trồng thử nghiệm trên núi Ba Vì. Những bài viết của Benjamin Balansa gửi về Pháp và được các báo đăng tải đã khiến nhiều người ở Pháp biết đến Ba Vì: “Thảm thực vật ở núi Ba Vì thật là vô tận. Sau hơn một năm khảo sát, tôi vẫn chưa biết hết các loại thực vật tại đây. Tôi chưa bao giờ thấy một sự đa dạng thực vật như vậy ở các chuyến khảo sát trước đó. Cùng một diện tích, Bắc Bộ chắc chắn là nơi có thảm thực vật đa dạng nhất trên thế giới, nhất là ở độ cao không thật cao. Đây là một xứ sở tuyệt vời”. 
Tuy nhiên, tình trạng phá rừng làm rẫy đã khiến nhiều dãy núi ngang, từ độ cao 600 m trở xuống ở Ba Vì rơi vào cảnh “hết rừng”, cỏ tranh mọc lút đầu. Năm 1925, Pháp cho lập 320 ha vườn ươm tại Đá Chông, Ba Vì để phục vụ việc trồng lại rừng trên núi. Năm 1931, Uỷ ban Bảo tồn rừng đã họp tại Phủ Công sứ Sơn Tây với sự có mặt của ông M.Gallois Montbrun, Công sứ Pháp tại Sơn Tây; ông Erilot, Thanh tra chính về rừng và nhiều thành viên khác là tri huyện, lý trưởng... Hội đồng này đã ra quyết định Khu bảo tồn rừng Ba Vì là 6.500 ha. Năm 1932, việc trồng lại rừng được triển khai. Hơn 300.000 cây được đưa từ các vườn ươm ở Đá Chông lên. Chiến dịch trồng lại rừng này đã phủ xanh 150 ha đồi trồng với mật độ 2.000 cây trồng/ha. Việc bảo tồn rừng của người Pháp nằm trong kế hoạch bảo vệ môi trường sinh thái để đặt vào lòng nó một khu nghỉ mát lý tưởng gần Hà Nội. 
Vì thế, trong tất cả các văn bản liên quan đến quy hoạch, xây dựng khu nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì, Pháp đều nhấn mạnh việc bảo tồn rừng, nghiêm cấm chặt phá cây, săn bắn, phá huỷ môi trường. Phải coi thiên nhiên là “đặc sản” tại khu nghỉ dưỡng này. Theo đó, các công trình xây dựng tại Ba Vì gần 100 năm trước đều phải tuân thủ nguyên tắc hài hoà với cảnh quan, môi trường. Trong quá trình thi công, chính quyền có thể tiến hành thanh tra để xem công trình xây dựng có phù hợp với quy hoạch, bản vẽ và những chỉ dẫn liên quan đến tiêu chí của vật liệu theo kế hoạch đã được thông qua hay không. Trường hợp công việc thi công không đúng với những cam kết, chủ công trình sẽ bị tước quyền sử hữu. 

Chuyện kỳ thú về biệt thự nghỉ dưỡng trên núi Ba Vì (Bài cuối): Ước muốn đánh thức... phế tích - Anh 2

Bể bơi vô cực ẩn khuất dưới màu xanh của rừng già

“Vẽ lại giấc mơ xưa” 
Khoảng chừng gần 10 năm trước, điểm 400m còn nhiều phế tích nằm dọc đường chính. Nay, khu vực đó chỉ là một khoảng trống với màu xanh của cỏ. Điều này cũng sẽ xảy ra với các phế tích ở những điểm cao khác. Ứng xử thế nào với phế tích? Phát huy các phế tích ra sao để phát triển du lịch mà vẫn bảo vệ được môi trường? Đây là vấn đề mà những nhà văn hoá, những người làm du lịch luôn trăn trở. 
KTS Richard Canu được mời đến Ba Vì để “vẽ lại giấc mơ xưa” tại cote 600. Ấn tượng với quy hoạch kiến trúc nghỉ dưỡng của thế hệ đi trước tại dãy núi này, Richard Canu khẳng định: “Tôi thấy cần thiết phải cải tạo lại những phế tích đó mà từ lâu chúng ta đã bỏ quên. Ba Vì là mảnh đất đầy tiềm năng mà chúng ta cần khai thác. Tôi sẽ làm hết sức có thể để Ba Vì có một không gian mang đậm kiến trúc Pháp mà vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ vốn có của nó”. Đồng quan điểm với Richard Canu, họa sĩ Thành Chương, người rất thành công khi kéo được khách du lịch đến với Phủ Thành Chương đậm bản sắc Việt nói: “Để biến phế tích thành giá trị phục vụ cho đời sống ngày hôm nay, chúng ta cần phải hiểu cái gốc, cái cốt lõi của khu vực núi Ba Vì. Rừng nguyên sinh là cái gốc. Những khu rừng nguyên sinh như này không còn nhiều ở cả Việt Nam và thế giới. Hơn thế, Khu rừng Quốc gia Ba Vì còn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, vì vậy, phát triển luôn phải đề cao giá trị của rừng, lấy rừng làm gốc. Tôi đã đến khu nghỉ dưỡng cote 600, thấy việc “đánh thức phế tích” đang làm ở đây là đúng hướng bảo vệ rừng nguyên sinh. Tất cả đều không động chạm vào rừng nguyên sinh. Quan điểm của tôi là cần đánh thức các phế tích, khai quang, phát sáng, đem lại giá trị của nó trong hiện tại”. 
Ở góc nhìn của một nhà sử học, ông Dương Trung Quốc cho biết: “Bước vào thế kỷ XX, người Pháp tin chắc rằng đất nước này, xứ sở này sẽ mãi mãi là “lãnh thổ hải ngoại” của họ, nên những người cầm quyền cũng như những nhà thực dân đều nhìn nhận Ba Vì như một miền đất hứa, trước hết cho cuộc sống của chính họ, cộng đồng người Âu châu cần một không gian gần gũi về sinh thái và khí hậu như miền quê châu Âu xa xôi của họ. Và vẻ đẹp đầy quyến rũ của cảnh quan Ba Vì càng làm cho họ đầu tư nhiều hơn không chỉ tiền bạc mà cả trí lực vào vùng đất này. Để đạt mục tiêu khai thác, người Pháp đã ứng xử đối với Ba Vì với một sự nghiêm cẩn và khoa học, điều mà ngày nay chúng ta có thể học hỏi”. 
Cũng theo ông Dương Trung Quốc, giải quyết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển hay khai thác hợp lý tiềm năng của Ba Vì chắc chắn là một bài toán khó. Tuy nhiên trên thế giới bài toán này đã có lời giải rất phổ biến và hiệu quả. Họ đã phát triển, cải tạo các phế tích cũ để thu hút cộng đồng đến hưởng thụ và tìm hiểu trực quan những dấu ấn của lịch sử, văn hóa. Đó là một cách làm thiết thực để quá khứ không còn chỉ nằm trên giấy. Phương thức này đồng thời tạo nên nguồn kinh phí để bù đắp phần nào cho việc duy trì và bảo vệ các di tích vốn rất eo hẹp. 
KTS Richard Canu và các đồng sự người Pháp và Việt Nam đã đổ trí lực, tâm huyết cho giấc mơ đánh thức phế tích trên cơ sở nghiên cứu kỹ bản đồ quy hoạch, bản vẽ thiết kế các công trình biệt thự khu nghỉ dưỡng của Pháp để lại... Những bước đi đầu tiên của các nhà đầu tư trong dự án bảo tồn và khai thác các phế tích cũ tại Ba Vì được giới khoa học nhìn nhận là “đúng hướng”. Đó là giữ được các dấu tích của dự án nguyên bản của người Pháp, đồng thời khai thác đúng với mục tiêu quy hoạch ban đầu của nó là phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng. Có thể nói, giải pháp kiến trúc hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan núi rừng, đã phần nào khơi dậy một giải pháp khả thi cho việc bảo tồn và phát triển. 

 CHU THU HẰNG 

Ý kiến bạn đọc