Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong kinh doanh thời "hậu covid": Biến “nguy” thành “cơ”

Thứ Tư 21/10/2020 | 11:24 GMT+7

VHO- Nhằm đề xuất những giải pháp từ góc độ văn hóa kinh doanh, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do những tác động thời dịch bệnh Covid- 19, ngày 8.11 tới, BTC Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tổ chức Diễn đàn Tái thiết Kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh.

Hội thảo Văn hóa doanh nghiệp và Phát triển thương hiệu do Báo Văn Hóa tổ chức tháng 9.2020

 Diễn đàn đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động. Ông Hồ Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng BTC triển khai Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam cho biết, khi sự “tàn phá” của dịch bệnh Covid-19 để lại những tổn thương nặng nề đối với cộng đồng doanh nghiệp, việc tìm kiếm những giải pháp từ góc độ văn hóa kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giúp các doanh nghiệp vượt khó, biến “nguy” thành “cơ”.

Văn hóa giúp doanh nghiệp “hồi sức” sau Covid-19

Theo ông Tuấn, kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ chính thức phát động cuộc vận động Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (năm 2016) đến nay, BTC triển khai Cuộc vận động này đã tích cực đưa cuộc vận động đi vào đời sống của các doanh nghiệp, lan tỏa các giá trị và chuẩn mực về hành vi của doanh nghiệp tới cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước.

“Từ đầu năm tới nay, Covid-19 đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực. Đã có nhiều giải pháp quan trọng được thực thi, tuy nhiên các giải pháp từ góc độ văn hóa kinh doanh hầu như chưa được đưa ra như một “cứu cánh”, dẫn dắt và định hướng doanh nghiệp vượt qua sóng gió để tái khẳng định vị trí của mình trong bối cảnh mới. Bởi thế, Diễn đàn tới đây mang một ý nghĩa quan trọng, nhằm chuyển tải thông điệp về giá trị không thể thay thế của văn hóa trong sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp…”, ông Tuấn chia sẻ. Theo đánh giá của Hiệp hội, Covid-19 đã khiến cho số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Từ kết quả khảo sát 126.565 doanh nghiệp cho thấy, có tới 85,7% doanh nghiệp được hỏi cho rằng đang phải chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

“Hàng loạt các giải pháp cấp bách đã được triển khai với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Giờ đây, tinh thần “Chống trì trệ, tụt hậu như chống dịch” cần phải được thúc đẩy. Trong đó, vai trò của văn hóa doanh nghiệp cần phải được phát huy như một giải pháp cho sự phát triển bền vững”, ông Hồ Anh Tuấn nói. Theo đánh giá từ Hiệp hội, Covid-19 đã đặt ra trạng thái mới, bối cảnh mới cho các khuôn khổ hợp tác toàn cầu, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, thúc đẩy hoạt động của Chính phủ điện tử, chuyển đổi hành vi ứng xử của người tiêu dùng và doanh nghiệp, thay đổi cách doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới cách thức marketing của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Covid-19 còn làm thay đổi triết lý kinh doanh, triết lý sử dụng nguồn nhân lực, văn hóa ứng xử, phương thức giao tiếp, trách nhiệm với cộng đồng, ứng xử với môi trường… của doanh nghiệp. Tuy nhiên, cũng từ trong dịch bệnh, mỗi doanh nghiệp lại có cơ hội nhìn nhận lại, tái cấu trúc hệ thống, điều chỉnh mô hình kinh doanh, quan tâm đến những yếu tố nội tại lâu nay của chính mình. Bối cảnh “bình thường cũ” vốn đã đòi hỏi cải cách mạnh mẽ, “trạng thái bình thường mới” càng đòi hỏi sự đồng lòng nhất trí cao hơn, quyết tâm phát triển lớn hơn, với các giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn.

“Dù có vai trò quan trọng song trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự xem trọng yếu tố văn hóa trong hoạt động kinh doanh. Bởi thế, việc tổ chức diễn đàn Tái thiết Kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh sẽ góp phần quan trọng khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa kinh doanh trong việc góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh thời kỳ hậu Covid- 19”, ông Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh.

Đề xuất giải pháp phát huy sức mạnh mềm văn hóa

Cũng theo ông Hồ Anh Tuấn, diễn đàn được tổ chức quy mô quốc gia này cũng là dịp để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, BTC triển khai Cuộc vận động “Xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” kiến nghị, đề xuất các cơ chế, chính sách, chiến lược và giải pháp phù hợp để hỗ trợ cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, thích nghi, tái hoạt động, phát triển bền vững, góp phần ổn định kinh tế, xã hội của đất nước sau dịch Covid-19.

Diễn đàn sẽ tập trung làm rõ các nội dung: Covid-19 và các biến đổi, thay đổi, cơ hội, thách thức đối văn hoá kinh doanh, triết lý kinh doanh, văn hóa ứng xử, văn hóa tiêu dùng, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sáng tạo xã hội, tinh thần kinh doanh vì xã hội, khởi nghiệp sáng tạo vì mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, đánh giá tác động của Covid-19 và trạng thái bình thường mới đối với văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp. Đặc biệt, với sự tham gia của các chuyên gia và hàng trăm doanh nghiệp, diễn đàn sẽ cất tiếng nói thiết thực đánh giá lợi ích mang lại của văn hóa kinh doanh áp dụng trong doanh nghiệp, biến “nguy” thành “cơ”, giúp doanh nghiệp vượt qua sóng gió.

Theo Chủ tịch Hiệp hội, diễn đàn cũng sẽ tôn vinh một số điển hình thành công trong việc sử dụng văn hoá kinh doanh là sức mạnh mềm giúp vượt qua Covid-19 và ứng phó hiệu quả với trạng thái bình thường mới. “Chúng ta đã chứng kiến không ít doanh nghiệp lao đao vì Covid- 19, phải cắt giảm nhân sự, cắt giảm thu nhập, nợ lương người lao động... Nhưng bên cạnh đó, cũng có không ít doanh nghiệp luôn xác định triết lý và đạo đức kinh doanh là mục tiêu song hành đã có những pha vượt khó ngoạn mục. Họ đồng thời còn là những doanh nghiệp cùng gánh vác, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, từng bước vun vén thương hiệu cho mình từ những hành động cụ thể, thiết thực nhất”.

Tháng 9.2020, tại hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp và phát triển thương hiệu” do Báo Văn Hóa và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức, câu hỏi làm sao để văn hóa doanh nghiệp không còn là khẩu hiệu đã được nhiều đại biểu tiếp tục đặt ra như một vấn đề sống còn của mỗi doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn. Trả lời câu hỏi này, chính các doanh nhân cho rằng, văn hóa doanh nghiệp chính là sức mạnh để mỗi doanh nghiệp có thể lớn mạnh, trưởng thành và vượt qua sóng gió.

Tuy nhiên, đối với không ít doanh nghiệp hiện nay, xây dựng văn hóa, đạo đức kinh doanh lại là vấn đề không đơn giản. Trên thực tế, có đến hơn 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp nghĩ rằng họ chưa có tiền nên chưa làm thương hiệu. Theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu bằng các hoạt động hằng ngày, cố gắng tạo ra sự khác biệt cho hình tượng sản phẩm, sự độc đáo trong văn hóa của họ tới khách hàng và công chúng.

“Tiếp tục nối dài những hoạt động triển khai Cuộc vận động Xây dựng Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp hi vọng tiếng nói từ Diễn đàn Tái thiết Kinh tế trong bối cảnh mới từ góc độ văn hóa kinh doanh sẽ có những giá trị thiết thực để hỗ trợ, định hướng cho các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, từ đó thay đổi tư duy, cung cách quản trị và vận hành, phát huy sức mạnh mềm văn hóa để có thể phát triển một cách bền vững...”, ông Tuấn nhấn mạnh. 

PHƯƠNG ANH

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top