Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Những đứa trẻ sau vụ sạt lở ở Trà Leng

Thứ Hai 02/11/2020 | 10:27 GMT+7

VHO-  Nóc Ông Đề (thôn 1, xã Trà Leng, Nam Trà My) chỉ tích tắc, thiên tai đã cuốn sạch, tan hoang cả ngôi làng. Nóc Ông Đề cũng rơi vào hoàn cảnh tang thương như thế. Và với rất nhiều đứa trẻ ở ngôi làng ấy, mãi mãi sẽ là những ký ức đau buồn.

 Nóc ông Đề chỉ còn lại đống hoang tàn, đổ nát sau vụ sạt lở vùi lấp 11 ngôi nhà với 55 người dân

Có những đứa trẻ, thoáng chốc mồ côi cả cha lẫn mẹ. Có những đứa ở trường quay về không còn nhận ra dấu tích của ngôi nhà, người thân của mình.

Tan hoang nóc Ông Đề

Cuối tuần qua, nhiều điểm sạt lở gây ách tắc trên đường vào thôn 1, xã Trà Leng đã được khai thông giải phóng. Nhóm lực lượng cứu hộ cứu nạn tiếp cận sớm nhất đã đến được điểm cầu Trà Leng, đoạn ngã 3 xã Trà Don, cách thôn 1 Trà Leng gần 10 km, bắt đầu tiếp cập gần đến hiện trường. Những nạn nhân còn sống sót, bị thương nặng được người dân trong làng khiêng bộ ra đến điểm cầu, gặp lực lượng quân y, công binh nhanh chóng cấp cứu tại chỗ và chuyển đến Trung tâm Y tế huyện. Trong số 6 nạn nhân bị thương nặng được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, có những đứa trẻ vẫn còn rất nhỏ.

Hai con gái của chị Hồ Thị Hà (thôn 2, Trà Leng), một bé mới 5 tuổi, một bé 6 tuổi. Hôm xảy ra vụ sạt lở, chị gửi hai con về nhà ngoại, ở thôn 1. Nói thôn 1, thôn 2, thật ra ước chừng nhà chị Hà ở dưới dốc, nhà ông bà ngoại ở trên dốc. Khi nghe tiếng đổ ầm, chị Hà chạy lên, căn nhà ba mẹ chị chỉ còn là đám gỗ vụn dưới bùn đất, hai đứa con gái và mẹ chị may mắn được cứu ra. Ba chị đã tử vong. Hai đứa trẻ một bị thương khá nặng, gãy xương đùi, người làng phải khiêng bộ hàng chục cây số đến chiều hôm sau, ngày 29.10 mới gặp được lực lượng tiếp cứu hộ. Hình ảnh chị Hà ôm đứa con gái thất thần, hoảng loạn khi lực lượng cứu hộ tiếp cận được đã khiến nhiều người không cầm được nước mắt.

Vợ chồng chị Trần Thị Diệu (29 tuổi, thôn 1, Trà Leng) có 4 đứa con thì trong vụ sạt lở đã cướp mất

 uổi, một cháu 7 tuổi và bé út mới sinh được 10 tháng tuổi. Hôm xảy ra sạt lở, trời mưa bão, vợ chồng chị gửi các con tránh trú bên nhà ông Lê Hoàng Việt, Bí thư Đảng ủy xã và quay về dọn dẹp để đi tránh bão số 9. Khi nghe đất đá đổ ầm, chị ngất sau đó và khi tỉnh lại, chỉ biết là dân làng tìm thấy và cứu được một bé gái 4 tuổi, nhưng bị thương khá nặng. Chị cõng con đi hơn 8 cây số đã gặp đội cứu hộ tiếp cận và đưa đi cấp cứu. Chồng chị vẫn còn phải túc trực ở gần hiện trường để chờ tin tức 3 đứa con còn mất tích.

Ngày 30.10, khi đường vào hiện trường thôn 1, xã Trà Leng đã được thông tuyến, lực lượng cứu hộ, cứu nạn cùng nhiều phương tiện cơ giới khẩn trương tìm kiếm 14 nạn nhân còn mất tích. Những người thân của các nạn nhân cũng lặn lội trở về làng để chờ ngóng tin tức. Tất cả chỉ là sự im lặng, ngơ ngác, không muốn tin vào thực tế trước mắt và tự an ủi vỗ về rằng dưới ấy chắc không có thi thể người thân của mình. Họ đã thoát thân, đang bám víu nơi nào đó để chờ cứu hộ. Một nhóm các em học sinh là con cháu ở làng theo học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My. Những ngày trước khi thảm họa xảy ra, do bão số 9, các em được giữ lại trường. Khi tuyến đường vào làng được thông, đại diện trường đưa các em về nhà. Nhiều em, vẫn chưa tin vào mắt mình những hoang tàn đổ nát của ngôi làng. Có em, được hỏi cứ chỉ vô định vào một vị trí nào đó, rồi bảo, hình như chỗ kia trước là nhà con.

Đến ngày 31.10, Lê Thanh Tú (HS lớp 11, Trường PT DTNT Nam Trà My) vẫn chưa biết được tung tích của cha em, ông Lê Hoàng Việt (Bí thư xã Trà Leng) và 7 người thân, bà con của gia đình. Cùng làng, cũng học lớp 11 cùng trường với Tú là Hồ Văn Hải. Hải có 8 người thân bị mất tích trong vụ sạt lở, trong đó có cha mẹ, hai em trai, anh rể và các chú của em. Lực lượng tìm kiếm mới tìm thấy thi thể của cha em và được chôn cất gần ngay hiện trường. Những người thân còn lại của em vẫn mất tích.

 Em Hồ Văn Hải (Trà Leng, Nam Trà My) tuyệt vọng trông chờ tin tức của 8 người thân trong gia đình

Ba đứa bé mất ba mẹ…

Đêm 28.10, cũng tại huyện Nam Trà My, ở nóc Ông Sinh, thôn 1, xã Trà Vân, một vụ sạt lở tương tự đã đổ ập xuống, vùi lấp ngôi nhà của vợ chồng anh Đinh Văn Thiều. Trong nhà có nhiều gia đình cùng thôn đến tránh trú bão số 9. Khi tai nạn ập xuống, 8 người tử vong, 12 người bị thương nặng. Nhà anh Thiều có 8 người thì vợ chồng anh và 2 đứa con nhỏ, trong đó có một bé gái sơ sinh đã bị vùi lấp tử vong; 3 đứa trẻ còn lại được đội cứu hộ tìm thấy thương tích đầy mình dưới lớp đất đá ngổn ngang. Nhưng thoáng chốc, đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, mất cả những đứa em ruột thịt.

Tại nóc Ông Sinh, ngoài gia đình 4 người tử vong của hộ anh Đinh Văn Thiều, còn có hộ anh Vũ Văn Nam có 3 người chết là anh Nam và 2 con gái (lớp 6 và lớp 4); hộ anh Vũ Văn Trường có 1 bé trai học lớp 2 bị chết. “Hội chứng vùi lấp” là một thuật ngữ chuyên môn mà các bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã vài lần nhắc đi nhắc lại khi nói về các bệnh nhân vụ sạt lở ở nóc Ông Đề, Trà Leng đang được điều trị tại đây. Và cô giáo Thanh, cũng đã nhắc đi nhắc lại với chúng tôi thuật ngữ ấy. Và nói rằng, thương lắm khi nhìn những đứa trẻ mồ côi ở nóc Ông Sinh, Trà Vân, nghĩ về những chuỗi ngày về sau, là những sang chấn tâm lý, những ám ảnh không biết đến bao giờ nguôi ngoai. 

 Nỗ lực tìm người mất tích, gấp rút tiếp tế cho 3.000 hộ dân bị cô lập

Liên quan đến 3.000 hộ dân đang bị cô lập tại 2 xã Phước Thành, Phước Lộc (Phước Sơn, Quảng Nam), ngành chức năng tỉnh Quảng Nam đã gấp rút triển khai các song song hai phương án tiếp tế khẩn cấp lương thực cho 2 xã này. Sáng 1.11, Sư đoàn Không quân 372 đã điều động máy bay trực thăng Mi 71 thuộc Trung đoàn 930 chở khoảng 1 tấn hàng hóa, lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu xuất phát từ Đà Nẵng lên huyện Phước Sơn để tiếp tế cho những các địa phương bị cô lập, cạn kiệt lương thực thực phầm nhiều ngày qua. Chuyến bay đầu tiên của Sư đoàn không quân 372 đã đưa được lương thực, thực phẩm thiết yếu thả xuống tiếp tế được đến người dân xã Phước Lộc...

Về công tác tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở ở nóc Ông Đề, thôn 1, xã Trà Leng (huyện Nam Trà My), trước khả năng các nạn nhân mất tích sau vụ sạt lở bị cuốn ra sông Leng và sông Tranh, ngày 1.11, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai và đưa 32 thuyền, cano và đội tìm kiếm dọc lòng hồ sông Tranh, đưa thêm thiết bị, flycam tầm soát nhiệt hỗ trợ tìm kiếm nạn nhân tại hiện trường sạt lở. Đến thời điểm hiện tại, sau 3 ngày tìm kiếm, hơn 500 chiến sĩ tham gia công tác cứu nạn đã tìm thấy 8 thi thể nạn nhân, vẫn còn 14 người mất tích. Lực lượng chức năng đã huy động xe ủi, máy xúc lật đào bới hết lớp đất đá, bùn non sạt lở đến cốt nền, có điểm đào sâu hơn 2.5m nhưng vẫn không tìm thấy thêm gì. K.C

 

 Chia sẻ nghẹn lòng của phóng viên bật khóc trong lúc tác nghiệp tại Trà Leng

Mới đây, mạng xã hội lan truyền bức ảnh một nam phóng viên tuổi trung niên đang ôm máy quay khóc nghẹn ngào với nội dung: “Người phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam quay máy đi chỗ khác, anh nghẹn khóc khi một em bé được đưa ra từ bùn đất”. Bức ảnh trên do phóng viên Hoàng Thế Lực, công tác tại Báo điện tử Chính phủ ghi lại khi các nhà báo đang tác nghiệp tại hiện trường vụ sạt lở đất tại Trà Leng (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) sáng 30.10. Nhân vật trong bức ảnh là nhà báo Đoàn Hữu Trung, công tác tại TTXVN khu vực Quảng Nam. Khi lực lượng chức năng đưa được thi thể một em bé ra từ trong lớp bùn đất, nhà báo Đoàn Hữu Trung đã dừng máy quay, hướng ống kính đi chỗ khác rồi quỵ xuống, bật khóc nức nở. “Lực lượng chức năng đào sâu xuống gần 1 mét thì tìm được thi thể con bé, chắc chỉ tầm 2 tuổi thôi, toàn thân chỉ có một màu bùn, cô bé nằm sấp. Lúc đó, tôi đứng quá gần và không thể kìm nén được, tất cả mọi người ở đó, kể cả những tướng lĩnh từng xông pha trận mạc cũng đều nghẹn ngào. Đến tận bây giờ, tôi vẫn ám ảnh hình ảnh con bé, nó bé tí, như một con búp bê vậy...”, nhà báo Đoàn Hữu Trung chia sẻ.

Hơn 30 năm lăn lộn trong nghề, chứng kiến nhiều vụ tai nạn chết người, nhiều thiên tai với biết bao sự mất mát, xúc động thì có nhưng đây là lần đầu tiên nhà báo Đoàn Hữu Trung khóc và không thể tác nghiệp.

THU HOÀI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top