Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Nhớ họa sĩ của những tác phẩm điện ảnh Việt Nam kinh điển

Thứ Tư 04/11/2020 | 09:23 GMT+7

VHO- Thu cuối - cùng Trịnh Thái là một triển lãm tri ân với nhiều thương nhớ của người thân trong gia đình cố họa sĩ, NSƯT Trịnh Thái dành tặng ông, như một cách để giúp người họa sĩ tài hoa thực hiện ước nguyện tổ chức cuộc triển lãm cuối cùng. Triển lãm diễn ra từ 7- 17.11 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền, Hà Nội.

 “Chợ cá”, sơn dầu. Sưu tập của gia đình họa sĩ

 Họa sĩ, NSƯT Trịnh Thái sinh năm 1941 ở Phnom Penh, nguyên quán của ông ở huyện Quảng Yên (Quảng Ninh). Từ năm 1962, ông là họa sĩ của Xưởng phim truyện Việt Nam. Hơn 30 năm gắn bó với điện ảnh, họa sĩ Trịnh Thái đã tham gia thiết kế bối cảnh cho nhiều bộ phim, trong đó có những tác phẩm đã đi vào lịch sử điện ảnh Việt Nam như: Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Biệt động Sài Gòn, Trở về Sam Sao, Mẹ vắng nhà, Ngày lễ thánh, Rừng O Thắm…

Không đi tìm những ồn ào, khoa trương

Cuộc đời làm phim nay đây mai đó đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên. Sau thời gian hơn 30 năm công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam, năm 1995, Trịnh Thái xin về hưu để làm một họa sĩ tự do. Ông nói vui: “Tôi xem điện ảnh là người tình, còn hội họa là vợ. Sau hơn 30 năm bỏ vợ đi theo người tình, đã đến lúc tôi dành phần thời gian còn lại cho vợ”. Thực tế, Trịnh Thái chưa từng một lần lên xe hoa, ông sống lãng tử, tự nhận mình là “chàng trai lớn tuổi ham chơi”.

Năm 1973, ông sáng tác tranh khắc gỗ “Nữ tự vệ”, là một trong những tác phẩm đồ họa có giá trị nghệ thuật cao của thời kỳ Mỹ thuật kháng chiến. Năm 1988, triển lãm cá nhân lần đầu tiên của Trịnh Thái đã được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh. Năm 1990, triển lãm cá nhân lần thứ hai của ông được tổ chức ở Hà Nội. Tại Nhà Việt Nam ở Paris, năm 1991, ông có triển lãm cá nhân lần thứ ba, tiếp ngay sau các triển lãm cá nhân của Nguyễn Trung và Trần Lưu Hậu. Trong những năm “đổi mới” đầu tiên, có thể nói, Trịnh Thái là một trong những họa sĩ nổi bật nhất. Nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt viết về ông: “Trên thị trường nghệ thuật trong nước và quốc tế, tranh của Trịnh Thái rất được ưa chuộng. Và cũng thật ngạc nhiên, kể từ đó đến nay, sự ưa chuộng của công chúng dành cho tranh Trịnh Thái dường như chưa hề suy giảm. Năm 2019, tại cuộc triển lãm cá nhân cuối cùng khi ông còn sống tổ chức ở Hà Nội, toàn bộ tranh trưng bày cũng đã được người hâm mộ mua hết…”.

Tam Bạc, sơn dầu. Sưu tập của gia đình họa sĩ

Một số tác phẩm của Trịnh Thái đã có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật các dân tộc phương Đông ở Moskva, Liên bang Nga. “Xoay quanh các thể loại - đề tài vĩnh cửu: Chân dung, tự họa, thiếu nữ, khỏa thân, phong cảnh, biển, hoa, tĩnh vật, sinh hoạt vùng cao, Trịnh Thái không đi tìm những đột biến, đột dị ồn ào, khoa trương. Vẻ lộng lẫy cá nhân của ông trong hội họa xuất hiện một cách kín đáo trên cái nền chung của “tính độc đáo tập thể” Việt Nam, thể hiện một thế giới quan, một nhân sinh quan rất Việt Nam, chân thành và bình dị, chứa chan tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống và yêu con người…”, nhà phê bình Quang Việt nhớ về Trịnh Thái.

Đến phút cuối vẫn đau đáu với nghề

Cũng theo nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt, cách nhìn, sự trải nghiệm, năng lực cảm thụ của một họa sĩ thiết kế điện ảnh như Trịnh Thái cũng là những yếu tố làm nên cái khác lạ. Ông vẽ không chỉ ở tư cách người thể hiện, mà còn vẽ ở tư cách của người thiết kế, người đi tìm “đất diễn”, đưa các cảnh tượng, sự vật bắt vào nhịp của những câu chuyện đầy tình ý, bao phủ lên chúng ánh sáng của nhận thức và suy tưởng. Các bức tranh cứ thế hiện ra, tựa như những “khuôn hình tĩnh” được chọn giữ đúng thời điểm, để ngân nga những âm vọng của tâm hồn, ấn định những khoảnh khắc xao xuyến khó phai.

Hoa ban, sơn dầu. Sưu tập của gia đình họa sĩ

Giữa không gian náo loạn, xô bồ của những quán bia bình dân Hà Nội, ngồi bên cạnh những người bạn, nhiều hôm ông không nói câu nào trong suốt 7-8 tiếng đồng hồ. Về thực chất và trong sâu thẳm, ông thuộc tuýp họa sĩ trầm tư mặc tưởng. Và chính điều này đã tách ông ra khỏi số đông các họa sĩ có vẻ có chung cùng một phong cách. Cái bề ngoài, “cái biểu lộ” tưởng như sáo cũ ở đây, trong tranh Trịnh Thái ẩn chứa bên trong “cái được biểu lộ” sâu sắc. Hội họa của ông có ranh giới tế nhị giữa cái thực và cái ảo, cái bình thường và cái đặc biệt, có thể vì thế mà nó luôn luôn đáp ứng được thị hiếu bao giờ cũng cực kỳ đa dạng của công chúng.

Ra đi khi cuộc triển lãm mong đợi cuối cùng chưa thành hiện thực, Thu cuối - cùng Trịnh Thái chính là những yêu thương chất chứa mà những người thân trong gia đình dành tặng ông. Thu cuối - cùng Trịnh Thái gồm những tác phẩm được họa sĩ vẽ cho phòng tranh, vì sức khỏe yếu nên ông chưa chuẩn bị đủ số lượng tranh cần thiết cho một triển lãm. Vì thế, một số tác phẩm được “huy động” từ anh chị em và các cháu của họa sĩ ở Hải Phòng, một số tác phẩm khác được bạn bè họa sĩ cho mượn. Tất cả là những yêu thương mà những người trân quý tài năng, nhân cách của ông gom lại, như cách mà họa sĩ Công Quốc Hà viết trên trang cá nhân khi Trịnh Thái ra đi: “Thương nhớ người anh tài hoa mà bạc phận tình duyên”. 

 MAI PHƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top