Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Tỉnh táo và khôn ngoan​​​​​​​ trước truyền thông ảo

Thứ Hai 09/11/2020 | 10:56 GMT+7

VHO- “Truyền thông ảo đã mang đến những hậu quả thật, nhất là khi đa số người dùng mạng xã hội đều là giới trẻ. Khi truyền thông đã là một phần của cuộc sống, chúng ta không còn cách nào khác là thích ứng, “sống chung” với nó, nhưng phải tỉnh táo và khôn ngoan”.

PGS.TS Lưu Văn An, Q. Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã nhấn mạnh tại Hội thảo “Quản lý thông tin trên mạng xã hội trong bối cảnh bùng nổ thông tin” vừa diễn ra tại Hà Nội. Chính vì vậy, quản lý thông tin trên mạng xã hội đã trở thành một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, nhằm tạo ra một môi trường thông tin lành mạnh, tích cực, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội.

Hai mặt sáng - tối của truyền thông xã hội

Hội thảo nhằm trao đổi kinh nghiệm, phương thức, giải pháp quản lý thông tin nhằm phát huy mặt tích cực, đồng thời hạn chế mặt tiêu cực của truyền thông xã hội hiện nay. Đặc biệt, trong bối cảnh thông tin bùng nổ, thế giới đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội - một trong những kênh quan trọng để trao đổi thông tin, kết nối quan hệ và chia sẻ cảm xúc. Sự bùng nổ của Internet tại Việt Nam đã tạo nền tảng quan trọng cho truyền thông xã hội phát triển. Theo thống kê của trang Statista, Việt Nam hiện có khoảng 63,6 triệu người sử dụng Internet và 49,6 triệu người sử dụng mạng xã hội, trong đó Facebook, YouTube và Zalo là ba nền tảng phổ biến nhất.

PGS.TS Lưu Văn An cho rằng, truyền thông xã hội cũng đã trở thành môi trường tiềm ẩn đầy rủi ro, nguy cơ và hậu quả. Tin giả, thông tin sai lệch, phát ngôn thù ghét, quấy rối, bạo hành tâm lý, xúc phạm danh dự… là những vấn đề nhức nhối, nan giải không chỉ ở Việt Nam mà có ở nhiều nước trên thế giới. Các tiêu cực, tệ nạn từ xã hội thật lan tràn vào thế giới ảo. Giám đốc KOICA tại Việt Nam Cho Han Deog nhận định, đại dịch Covid-19 là một tình huống chưa từng có trong lịch sử và chúng ta đang chứng kiến không ít hiện tượng xảy ra trên các nền tảng truyền thông xã hội. “Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ kỹ thuật số, truyền thông xã hội đã trở thành nền tảng đại chúng hỗ trợ quá trình trao đổi thông tin nhưng đồng thời cũng tạo ra không ít hệ lụy, hậu quả nghiêm trọng do thông tin giả, thông tin sai lệch. Chúng ta cần làm rõ hai mặt sáng - tối của hiện tượng này để xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh hơn”, ông Cho Han Deog nói.

PGS.TS Nguyễn Văn Dững, Học viện Báo chí và Tuyên truyền lý giải, một khả năng mà môi trường truyền thông số tạo ra là hệ sinh thái truyền thông online hoàn toàn mới, hoàn toàn khác. Khả năng siêu việt mà nó tạo ra như thế, báo chí thích ứng thế nào? Báo chí đã “siêu” kết nối chưa? Báo chí đã khai thác tối ưu nguồn dữ liệu số khổng lồ chưa? Báo chí đã “chơi” với lớp công chúng mới - công chúng chủ động chưa? Tất cả đều là chưa. Đó là lý do hiện nay báo chí và mạng xã hội có sự vênh nhau về độ trễ, độ thông tin. “Quốc gia nào càng để nhiều thông tin sai lệch, xuyên tạc trên mạng xã hội thì càng bất an, bất ổn”, từ Seoul, TS Sonho Kim, Trưởng phòng Nghiên cứu, Viện Báo chí Hàn Quốc nhận định. TS Sonho Kim đã đưa ra một ví dụ cụ thể từ thực tế gần đây nhất của Hàn Quốc liên quan đến dịch Covid-19. Ban đầu, chính phủ Hàn Quốc gặp bất lợi khi người dân thường tin tưởng và lan truyền thông tin sai lệch, bởi lẽ họ tiếp xúc với truyền thông đa quốc gia hay trên mạng xã hội, phán đoán tình hình thực tế tại quốc gia, so sánh độ chênh lệch với các nước khác và không tin vào thông tin chính thống. Từ đó, càng làm xuất hiện nhiều hơn những phát ngôn xuyên tạc như Chính phủ giấu dịch, số lượng người chết nhiều hơn con số chính thức...

Tạo hành lang pháp lý xử lý tin giả trên mạng xã hội

Với sự phát triển của công nghệ, truyền thông xã hội đã trở thành một kênh trao đổi thông tin phổ biến nhưng cũng là môi trường phát tán tin giả gây hậu quả nghiêm trọng. Việc tạo môi trường thông tin trong sạch, kết nối cảm xúc và trí tuệ của người dân là thách thức đối với cơ quan quản lý hiện nay.

TS Uhm Seung Yong, Giám đốc Công ty Phát triển Vốn con người chỉ ra rằng, vai trò lớn nhất hiện nay là việc các cơ quan ngôn luận ứng xử trước các vấn đề dư luận quan tâm như thế nào? Theo ông, Việt Nam và Hàn Quốc chiến thắng đại dịch Covid-19 là do những cách làm hiệu quả, trong đó có việc sử dụng truyền thông trên mạng xã hội để đẩy lùi thông tin sai lệch, xuyên tạc. “Bài học thời gian qua là cần nâng cao tiếng nói từ các kênh truyền thông chính thống cũng như tăng cường năng lực truyền thông cho công chúng. Độ phủ truyền thông cao, chiến lược truyền thông tốt và các giải pháp đến từ luật pháp sẽ giúp hạn chế tiêu cực, tạo ra giá trị tích cực, hiệu quả khi quản lý thông tin trên mạng xã hội”, TS Uhm nói.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Dững, bối cảnh truyền thông đến giờ đã rất khác khi mạng xã hội không còn là “môi trường ảo” nữa mà thực sự là “tấm gương” phản ánh đời sống xã hội. Quản lý thông tin trên mạng vì vậy càng khó khăn hơn khi nhiều quan niệm đã thay đổi. Chẳng hạn, công chúng của báo chí (đơn vị truyền thông chính thống) đã trở thành đối tượng thực sự chủ động, không ngồi chờ báo chí cung cấp thông tin mà biết tự tìm tòi, kết nối đa nguồn, chia sẻ thông tin, tương tác, giao tiếp, trao đổi trên mạng xã hội. “Xem mạng xã hội như diễn đàn của trí tuệ và cảm xúc của nhân dân, xem mạng xã hội là diễn đàn thông tin đa chiều nhất, kịp thời nhất... Thay đổi cách nhìn nhận như vậy là bước đầu tiên, về lâu dài để quản lý hiệu quả thông tin trên mạng xã hội, cần xem xét, bổ sung các giải pháp tiếp cận từ lý thuyết quyền lực mềm, tích cực hóa quá trình truyền thông can thiệp xã hội”, PGS Dững nói.

Nhiều ý kiến tại hội thảo cho rằng, môi trường truyền thông mới đặt ra những thách thức “phi truyền thống” cho công tác quản lý, đòi hỏi có sự đổi mới về tư duy và phương thức làm việc. Đội ngũ cán bộ quản lý cần nâng cao năng lực hoạch định chính sách, xây dựng quy định, dự báo tình hình; công chúng cần cải thiện kỹ năng tiếp cận, đánh giá thông tin, nâng cao trách nhiệm trong việc sử dụng truyền thông vì sự phát triển của bản thân và xã hội.

Giám đốc KOICA tại Việt Nam Cho Han Deog cũng cho biết, thông qua Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cơ sở đào tạo báo chí hàng đầu tại Việt Nam, KOICA sẽ hỗ trợ hai quốc gia xây dựng môi trường truyền thông lành mạnh, giải quyết các vấn đề truyền thông xã hội gây ra và phát triển một môi trường truyền thông tốt đẹp hơn. 

 Bài học thời gian qua là cần nâng cao tiếng nói từ các kênh truyền thông chính thống cũng như tăng cường năng lực truyền thông cho công chúng. Độ phủ truyền thông cao, chiến lược truyền thông tốt và các giải pháp đến từ luật pháp sẽ giúp hạn chế tiêu cực, tạo ra giá trị tích cực, hiệu quả khi quản lý thông tin trên mạng xã hội.

(TS UHM SEUNG YONG, Giám đốc Công ty Phát triển Vốn con người)

 HẠNH NGUYÊN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top