Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Thừa Thiên Huế: Khẩn trương khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống người dân sau bão 13

Chủ Nhật 15/11/2020 | 19:00 GMT+7

VHO- Bão số 13 đã làm gần 4.500 nhà dân các địa phương ven biển của tỉnh Thừa Thiên Huế tốc mái, hơn 40 cơ sở trường học bị hư hại, hàng loạt cây xanh gãy đổ, nhiều tàu đánh cá bị sóng mạnh đánh chìm và mắc cạn.

Ngay trong ngày 15.11, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng và người dân đã nhanh chóng bắt tay dọn dẹp, khắc phục hậu quả của cơn bão số 13. Tại khu vực thị trấn Thuận An và xã Phú Thuận (thuộc huyện Phú Vang), người dân đã khẩn trương từ các khu vực sơ tán trở về nhà để dọn dẹp, nhiều nhà bị tốc mái cũng được lực lượng thanh niên trên địa bàn hỗ trợ di chuyển đồ đạc, dọn mái tôn để nhanh chóng lợp lại. Tại xã Phú Thuận, dãy phòng học của Trường Tiểu học số 1 đã bị tốc mái hoàn toàn, nhiều đồ dùng, thiết bị dạy và học bị hư hại. UBND xã này đã cắt cử lực lượng hỗ trợ cùng nhà trường đẩy nhanh công tác khắc phục, sửa chữa nhằm sớm đảm bảo an toàn cho việc đến lớp của học sinh.

Trường Tiểu học Phú Thuận 1 bị gió bão thổi bay mái, nhiều thiết bị dạy và học bị hư hại

Xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An là hai địa phương “chủ lực” về đánh bắt cá xa bờ của huyện Phú Vang nói riêng và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung. Tại đây đã có nhiều tàu thuyền của ngư dân bị sóng đánh chìm, có tàu xa bờ mắc cạn chưa thế “giải cứu”. Ghi nhận tại thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, tàu cá TTH-99911TS do ông Nguyễn Cường làm thuyền trưởng khi neo đậu đá bị đứt neo, tông vào nhà bà Lê Thị Xuyên làm sập 2/3 căn nhà; khu vực này cũng có 9 phương tiện bị sóng lớn đánh chìm. Ngoài ra, một số tàu vỏ sắt, tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân cũng bị sóng lớn đánh dạt vào gần bờ và mắc cạn. Đến chiều cùng ngày, cộng đồng ngư dân xã Phú Thuận đang tiếp tục hỗ trợ “giải cứu” tàu cá TTH-92366TS do ông Phạm Văn Cường làm thuyền trưởng đang bị mắc cạn gần bờ.

Đến chiều ngày 15.11, cộng đồng ngư dân và nhân dân xã Phú Thuận đang hỗ trợ để "giải cứu" tàu cá bị mắc cạn

Có mặt kiểm tra công tác khắc phục hậu quả do bão số 13, ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các lực lượng ưu tiên chặt tỉa cây xanh gãy đổ, giải phóng các tuyến đường, nhất là tuyến Quốc lộ, Tỉnh lộ tạo điều kiện lưu thông. Đối với những nhà bị tốc mái, bị sập, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương khẩn trương huy động lực lượng sửa chữa nhà cho người dân, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách sớm ổn định cuộc sống. Cùng với đó, nhanh chóng sửa chữa các công trình trường học, bệnh viện, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng sản xuất trên địa bàn. 

“Chính quyền các cấp tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, bảo đảm không người dân nào bị đói ăn, bệnh tật”- ông Thọ nhấn mạnh.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế, bão 13 đã gây triều cường lớn, nhiều khu vực dân cư ven biển của huyện Phú Lộc (với 909 nhà dân) bị ngập. Do ảnh hưởng của bão số 13, bờ biển tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục bị xói lở nặng, với chiều dài hơn 14km, tập trung ở các đoạn xung yếu qua xã Giang Hải (huyện Phú Lộc), xã Phú Thuận, Phú Hải, Phú Diên (huyện Phú Vang), xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) và các xã của huyện Phong Điền…Có những vị trí biển xói lở sâu vào đất liền 10m, gây mất rừng phòng hộ và đe dọa đến các khu dân cư, trong đó tại xã Giang Hải có nguy cơ mở cửa biển mới.

Dọn dẹp vệ sinh sau bão số 13 tại khu di sản Hoàng cung Huế

Theo Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, thống kê ban đầu đến cuối giờ chiều ngày 15.11, cơn bão số 13 đã khiến 4.489 nhà dân trên toàn tỉnh bị tốc mái, trong đó riêng huyện Phú Vang đã là 2.150 nhà; có 6 nhà dân bị sập và hơn 40 cơ sở trường học bị tốc mái, hư hại nhiều hạng mục. Hiện một số địa phương vẫn chưa có điện trở lại. 

Trong khi đó, tại khu di sản Hoàng cung Huế và các điểm tham quan thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế, lực lượng cán bộ nhân viên đã tập trung khắc phục, dọn dẹp vệ sinh sau khi bão 13 đi qua. Công tác phòng chống bão được thực hiện chặt chẽ, nên các điểm di tích không bị thiệt hại nặng, chỉ gãy đổ một số cây xanh và được xử lý nhanh chóng. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã mở cửa đón khách tham quan trở lại ngay trong ngày hôm nay, 15.11. 

SƠN THÙY

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top