Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020: Tạo thành sức mạnh tổng hợp

Thứ Hai 16/11/2020 | 11:54 GMT+7

VHO- “Đảm bảo an toàn tuyệt đối trong hoạt động du lịch, tạo điều kiện để người dân được hưởng thụ những sản phẩm vốn có chi phí đắt đỏ với giá hợp lý và chuẩn bị bước vào giai đoạn phát triển mới với tâm thế, năng lực cạnh tranh mới”. 

Đó là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 vừa diễn ra tại Phú Thọ. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Hóa giải các điểm nghẽn 
Với chủ đề “Liên kết phát triển bền vững”, Hội nghị do UBND TP.HCM và UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh Tây Bắc mở rộng (Yên Bái, Điện Biên, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Hà Giang) tổ chức. Hơn 300 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, nhà đầu tư du lịch đã tham gia Hội nghị. 
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá việc liên kết ngày càng quan trọng; tinh thần và cách làm cần nhân rộng ra cả nước, không chỉ liên kết giữa các tỉnh, thành mà còn liên kết ngay trong các tỉnh, thành giữa các sở, ngành, địa phương để tránh sự trùng lặp, bổ trợ nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yếu tố an toàn trong cộng đồng nói chung và hoạt động du lịch nói riêng. Ngành Du lịch muốn hồi phục và tồn tại được phải đặt yếu tố an toàn lên đầu, thực hiện nghiêm các tiêu chí phòng dịch của Bộ Y tế ở cơ sở lưu trú, vận chuyển, nhà hàng, điểm tham quan… 
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch đến TP.HCM năm 2020 ước giảm khoảng 81%, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng giảm 40%. Du lịch cả nước đang nỗ lực hành động để khôi phục. Liên kết giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ tập trung vào việc hình thành các sản phẩm, tuyến, điểm du lịch mới, đa dạng; cùng kêu gọi đầu tư tư nhân, nước ngoài vào lĩnh vực du lịch, đặc biệt là hạ tầng du lịch; các địa phương cùng tổ chức các hoạt động xúc tiến, truyền thông dưới một thương hiệu chung, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương; kết nối cơ sở dữ liệu du lịch toàn vùng; đẩy mạnh liên kết đào tạo nhân lực du lịch phù hợp từng nhóm đối tượng, địa phương ở Tây Bắc, chú trọng ngoại ngữ và thực hành. 
Ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: “Vùng Tây Bắc mở rộng có tiềm năng du lịch rất lớn với thiên nhiên kỳ vĩ, lịch sử hào hùng, văn hóa đặc sắc và ẩm thực phong phú. Mặc dù trong những năm qua, du lịch của các tỉnh khu vực đã có nhiều khởi sắc, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo nhưng thực tế doanh thu từ du lịch còn rất ít so với tiềm năng. Nếu đặt trong tương quan với tổng lượng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch đến Việt Nam thì những con số đánh giá hiệu quả hoạt động du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng chiếm tỉ lệ rất nhỏ. Vì vậy, Tây Bắc rất cần liên kết hợp tác phát triển du lịch với những địa phương trọng điểm là trung tâm du lịch của cả nước như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng để phát triển mạnh mẽ hơn”. 

 Ký kết hợp tác du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Bắc mở rộng

Chuẩn bị tâm thế bước vào giai đoạn mới 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thúc đẩy phát triển du lịch vùng Tây Bắc là rất cần thiết nhưng phải làm từng bước chắc chắn, tăng cường liên kết, chú trọng phát triển du lịch cộng đồng gắn với hạ tầng, sản phẩm du lịch. Khẳng định du lịch không chỉ là một ngành kinh tế tổng hợp, mà còn liên quan tới xoá đói giảm nghèo, phát triển văn hoá, quảng bá hình ảnh của đất nước, Phó Thủ tướng cho rằng trong những năm qua chúng ta đã rất nỗ lực, không chỉ các cấp chính quyền trực tiếp quản lý về du lịch mà cả các doanh nghiệp, các cơ quan liên quan làm quảng bá, xúc tiến du lịch. Đặc biệt là người dân Việt Nam đã tham gia tích cực vào làm du lịch không chỉ qua các mô hình du lịch cộng đồng mà bằng cả sự cởi mở, thân thiện và những nụ cười. 
“Muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chúng ta còn phải làm rất nhiều việc, cả những việc có thể nỗ lực trong một thời gian ngắn nhưng cũng có việc phải rất dài hơi”, Phó Thủ tướng nói. Phó Thủ tướng nhấn mạnh vào việc cải thiện hạ tầng phục vụ khách du lịch từ đường sá, sân bay đến y tế, văn hoá và những điều kiện các để phục vụ khách du lịch. Cùng với đó là nỗi lo có những lúc chúng ta phát triển “nóng” dẫn đến nguồn lực chưa được khai thác hiệu quả, thậm chí một số nơi phải dùng nhiều nguồn lực, thời gian để khắc phục những khiếm khuyết do phát triển “nóng” giai đoạn đầu. Có những ngọn núi đã bị phá, có những dòng sông thành dòng sông chết. Trong khi phải mất hàng triệu năm mới có một ngọn núi, hàng nghìn năm mới có một dòng sông, hàng trăm năm mới có một cây cổ thụ. 
Phó Thủ tướng nhắc lại việc phát triển du lịch cộng đồng nóng vội ở một số nơi, những ngày đầu, cấp tập phát động bà con nâng cấp hạ tầng nông thôn, sửa chữa nhà cửa để đón khách nước ngoài. Trong một thời gian ngắn, những con đường nhỏ có những bờ dậu, bờ rào xanh tươi đã biến thành đường xi măng. Nhiều căn nhà truyền thống được thay mái ngói bằng mái tôn, trong nhà có thêm vách nhựa. Vì thế, cần có định hướng kết hợp giữa các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư cùng phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng bền vững. Bên cạnh đó, một trong những mũi liên kết giữa TP.HCM và các tỉnh Tây Bắc là làm sao tạo thuận lợi nhất để có những doanh nghiệp lớn đầu tư thật nhiều về hạ tầng và các sản phẩm du lịch. 
“Với tình hình hiện nay, du lịch quốc tế chưa thể mở trở lại, chỉ có thể trông chờ vào thị trường trong nước để giúp các doanh nghiệp du lịch tồn tại và chuẩn bị cho bước phục hồi tiếp theo. Nhưng để làm được điều này thì chung sống an toàn với dịch bệnh là yêu cầu đầu tiên. Trước hết các cơ sở y tế phải tuyệt đối an toàn, sau đó là trường học, du lịch phải an toàn. Các khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, các điểm di tích, thắng cảnh, phương tiện vận chuyển… phải thực hiện định kỳ, đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế và tự đánh giá. Chỉ xuất hiện một ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng thì mọi nỗ lực lại quay về ban đầu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Giữ được an toàn, phát triển thị trường trong nước thì người dân của chúng ta sẽ được thụ hưởng những sản phẩm, dịch vụ du lịch vốn có chi phí đắt đỏ với giá hợp lý. Cần chuẩn bị các điều kiện để khi thị trường quốc tế mở lại chúng ta bước vào giai đoạn phát triển mới với tâm thế, năng lực cạnh tranh mới. 

(Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM) 

 

 THÚY HÀ; ảnh: ĐÌNH NAM 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top