Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Phim truyền hình “soán ngôi” gameshow: Đường dài mới biết ngựa hay

Thứ Tư 18/11/2020 | 10:09 GMT+7

VHO- Những năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam đã lấy lại “thế thượng phong” trong lòng khán giả với việc liên tiếp ra mắt nhiều bộ phim chất lượng cao, có nội dung gần gũi với cuộc sống nên thu hút được nhiều tầng lớp khán giả quan tâm, theo dõi.

 Gameshow đang trong giai đoạn thoái trào

 Ngược lại với sự chuyển mình và tái sinh mạnh mẽ của phim truyền hình, những gameshow đã không còn được mặn mà đón nhận do liên tục dính “phốt”, thậm chí còn lừa dối khán giả.

Từng bị công chúng “ghẻ lạnh”

Trước đây, không khó để bắt gặp hình ảnh các thành viên trong gia đình ngồi quây quần sau bữa cơm tối để cùng thưởng thức các bộ phim trên “tivi”. Đến giờ, khán giá vẫn còn nhắc đến Người Hà Nội, Của để dành, Đất phương Nam... với những ấn tượng khó quên. Tuy nhiên sang đến thế kỷ XXI, phim truyền hình Việt dần tỏ ra đuối sức khi chất lượng nghệ thuật, nội dung đề tài bão hòa và có phần đi xuống. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của phim chiếu rạp, phim trên các nền tảng trực tuyến cũng là nguyên do khiến truyền hình lép vế.

Không tìm thấy sự hấp dẫn trong phim truyền hình Việt Nam, khán giả dần chuyển sang theo dõi các bộ phim của nước ngoài như một cứu cánh để thỏa mãn nhu cầu giải trí. Phim truyền hình Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ với thời lượng dài từ vài chục đến vài trăm tập đã chiếm lĩnh trên mọi kênh sóng. Phim Việt thua “knock out” ngay trên sân nhà. Nếu để nói về bộ phim nổi bật thời kỳ này, chắc hẳn khán giả cũng chỉ nhớ một vài series đình đám như Cảnh sát hình sự hay một số bộ phim chất lượng tạm đủ để chiều lòng người xem như Những thiên thần áo trắng, Cô gái xấu xí...

Chật vật trong khâu tiếp cận khán giả, phim truyền hình Việt Nam chuyển hướng sang hợp tác với nước ngoài để sản xuất. Thành công bắt đầu đến vào năm 2015 khi Tuổi thanh xuân do đạo diễn Nguyễn Khải Anh, Bùi Tiến Huy và Myung Hyun Woo (Hàn Quốc) thực hiện đã nhận được phản hồi tích cực từ khán giả. Tuy vậy, đây vẫn được cho là thành công nhờ sự hợp tác chứ chưa hẳn là bộ phim thuần Việt.

Phải đến 2017, khi Sống chung với mẹ chng của đạo diễn Vũ Trường Khoa lên sóng, khán giả mới dần lấy lại niềm tin với phim truyền hình nội địa. Bộ phim liên tục được khen ngợi vì biết cách khai thác triệt để mâu thuẫn trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu. Thừa thắng xông lên, Quỳnh búp bê, Người phán xử, Sinh tử, Về nhà đi con... dần được phát sóng và liên tiếp đạt kỷ lục về tỷ suất người xem (rating) do đề cập đến các vấn đề nóng hổi của xã hội đương thời như cuộc chiến chống tham nhũng, kỳ án, mối quan hệ phức tạp trong gia đình... Các câu thoại cũng được đánh giá cao vì sự tự nhiên và nhiều khi được sử dụng như một “trending” (xu hướng) trên mạng xã hội.

Gần đây nhất, Hồsơ cá sấu lên sóng vào ngày 13.11 trên VTV3 hứa hẹn mang lại những phút giây giải trí mãn nhãn cho khán giả. Theo đạo diễn, NSƯT Nguyễn Mai Hiền, phim xoay quanh sự bí ẩn về ba mảnh ghép có tên “Hồ sơ cá sấu”, chứa đựng thông tin mật về hành trình phạm pháp của một nhóm lợi ích. Mong đợi nhưng khán giả vẫn không khỏi hồi hộp, liệu Hồsơ cá sấu có đi vào vết xe đổ của Sinh tử khi suốt quá trình phim rất hấp dẫn, nhưng cái kết nhạt nhẽo, thiếu kịch tính khiến chất lượng của cả bộ phim bị ảnh hưởng. Điều những người làm phim cần tính toán bây giờ là làm sao chất lượng phim phải trải đều, như vậy mới có thể tạo được dấu ấn và giữ chân khán giả.

Đáp ứng thị hiếu nhưng đừng quên chất lượng

Sau phim truyền hình, gameshow là món ăn tinh thần không thể thiếu với khán giả Việt Nam. Thế nhưng những năm gần đây, nhiều gameshow không còn thu hút được sự chú ý bởi format nhàm chán và chi chít “sạn”, thậm chí nhiều không đếm xuể. Còn nhớ, Gương mặt thân quen, Giọng hát Việt, Ơn giời, cậu đây ri... từng là hiện tượng trên sóng truyền hình và đi đến đâu cũng thấy người ta sôi nổi bàn tán, nhận xét, phán đoán kết quả.

Theo báo giá của Trung tâm Quảng cáo và Dịch vụ truyền hình (VTV), vào tháng 6.2014, giá quảng cáo trong thời gian phát sóng Gương mặt thân quen lên tới 370 triệu đồng/30 giây. Mức giá này còn vượt qua cả báo giá trước đó của đêm chung kết World Cup 2014 là 350 triệu/30 giây. Thế nhưng, đến năm 2019, giá đã xuống chỉ còn 200 triệu đồng/30 giây trong thời gian phát sóng. Những con số biết nói cho thấy gameshow ngày càng giảm độ “hot”. Khán giả cũng khó tính và ngày càng đòi hỏi cao hơn trong việc thưởng thức các chương trình giải trí. Chiêu trò, phát ngôn gây sốc không còn là công cụ hữu hiệu để giữ người xem ngồi lại trước màn hình tivi.

Một chương trình khiến khán giả bức xúc thời gian qua đó là Gameshow Người ấy là ai của HTV. Những sắc màu tình yêu đẹp như cổ tích của các cặp đôi, thông điệp nhân văn mà cộng đồng LGBT mang lại đã khiến chương trình có con số rating cao ngất ngưởng. Lợi dụng điều này, một số người đăng ký tham gia chương trình đã “thêu dệt” những điều không có thật, lừa dối người xem để đánh bóng tên tuổi. Chỉ khi bị đăng đàn tố cáo, “bóc phốt”, những người này mới lên tiếng xin lỗi. Ngoài ra, quá nhiều chương trình hẹn hò xuất hiện trên truyền hình cũng đã và đang khiến khán giả ngao ngán vì nội dung nhảm nhí, kém duyên đến mức “khó đỡ”.

Theo Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, PGS.TS Bùi Hoài Sơn: “Trong hơn 10 năm trở lại đây, chúng ta đã thấy xuất hiện rất nhiều chương trình giải trí, gameshow. Những hạt “sạn” xảy ra trong bối cảnh các chương trình này “chạy đua” sản xuất liên tục để đáp ứng thị hiếu của khán giả mà quên mất chất lượng cũng cần đảm bảo. Vấn đề ở đây là các gameshow không chỉ đơn thuần có chức năng giải trí mà còn tác động đến nhận thức, thái độ và hành vi của người xem. Nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ nội dung, “sạn” trong gameshow sẽ tiếp tục xuất hiện. Không ở thời điểm này thì cũng vào lúc khác”. 

 ĐÌNH TOÁN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top