Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Hành trình 11 năm chèo ghe "bám lớp" của cô giáo người Mường

Thứ Năm 19/11/2020 | 09:22 GMT+7

VHO- Bỏ lại thanh xuân nơi đất liền phồn thịnh, cô giáo Đinh Thị Vân Anh (giáo viên Trường Tiểu học Thạnh An, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh) quyết tâm chèo ghe "bám lớp" nơi xã đảo xa xôi, làm tất cả vì tình yêu nghề, yêu trẻ.

 Người "chèo đò" nơi đầu sóng

Nằm ở phía Đông và tách biệt hoàn toàn với vùng đất liền của TP.Hồ Chí Minh, xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ được xem là nơi khó khăn nhất của thành phố. Bởi, người dân nơi đây chủ yếu bám biển đánh bắt nhỏ lẻ và làm muối sinh sống qua ngày. Họ gặp khó khăn về kinh tế và luôn nghĩ đơn giản rằng: "Cho con đi học, về sau cũng chỉ đi cào, đi lưới".

Đó cũng chính là trở ngại lớn nhất của các thầy cô nơi đầu sóng - những người phải có lòng yêu nghề hơn cả mới có thể trụ lại với nghề, với các em nhỏ - như cô Đinh Thị Vân Anh - giáo viên âm nhạc Trường Tiểu học Thạnh An (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh).

Cô giáo Đinh Thị Vân Anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhận giấy khen thưởng của huyện. (Ảnh: NVCC)

Vốn sinh ra và lớn lên tại mảnh đất hiếu học Hà Tĩnh, cô Vân Anh được bố mẹ chăm lo đùm bọc với mong muốn sau này con gái có cuộc sống yên bình. Nhưng với sức trẻ, với tinh thần yêu trẻ, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội năm 2009, cô đã xung phong ra xã đảo Thạnh An công tác, dù biết có khó khăn thử thách phía trước.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Cô được phân công giảng dạy bộ môn âm nhạc tại hai điểm trường (cơ sở chính tại Thạnh An, có 362 học sinh và cơ sở Thiềng Liềng, có 48 học sinh). Cách đây chục năm, ấp Thiềng Liềng hoàn toàn không có điện, nước sinh hoạt hạn chế.

Nhớ lại ngày đầu tiên đến xã Thạnh An, cô bồi hồi: "Ngày ấy, lần đầu nhìn thấy đò ghe tôi rất sợ, bởi trước đó tôi có "bệnh" sợ nước. Tuần đầu tiên đi dạy, tôi bị sốt 42 độ do không hợp thời tiết kèm say sóng và áp lực công việc lớn. Đến bây giờ, khi đã quen với cuộc sống nơi đây, tôi thực sự coi Thạnh An là ngôi nhà thứ hai của mình".

Vì học sinh xã đảo thân yêu, cô giáo Vân Anh luôn nỗ lực “bám lớp“. (Ảnh: NVCC)

Đó là những khó khăn ban đầu buộc cô sinh viên Vân Anh ngày ấy phải trải qua khi mới ra trường. Đó cũng là những kỷ niệm mà mọi lớp lang cát bụi thời gian vẫn không thể xóa nhòa.

"Lần đầu tiên nhận công tác, tôi mới biết ở đây không có điện và không có sóng điện thoại. Vì vậy, tôi phải nhờ người dân leo lên cây, treo điện thoại lên để tìm sóng" - cô Vân Anh nhớ lại.

Chưa dừng lại ở đó, cô gái trẻ năm ấy từ một người sợ nước giờ đây đã trở thành một giáo viên xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, nỗ lực đến trường dạy hát, dạy vẽ, dạy người cho học sinh miền đảo xa.

"Vì đây là xã huyện đảo, cách đất liền khá xa nên phương tiện di chuyển duy nhất là ghe, đò. Nhưng cả ngày chỉ có vài chuyến cố định. Vì vậy, khi làm việc xong rồi, muốn về đất liền, vẫn phải chờ ghe đò mới có thể di chuyển.

Những ngày thời tiết đẹp, việc di chuyển bằng đò ghe không gặp nhiều khó khăn. Song, vào những ngày mưa gió, đặc biệt là mùa gió chướng, các thầy cô vẫn hay trêu đùa mình đang được đi chơi cầu tuột, đang lướt ván trên sóng biển" - cô Vân Anh vui vẻ kể lại.

 

Cô Vân Anh đảm nhiệm vai trò Tổng phụ trách Đội từ 1.4.2020. (Ảnh: NVCC)

"Mình đã chọn nghề, nên sẽ yêu nghề, bám lấy nghề"

Đã 11 năm trôi qua, kể từ khi cô đặt chân đến xã đảo Thạnh Anh xa xôi, trải qua muôn vàn khó khăn vất vả, cô vẫn chưa một lần có suy nghĩ chuyển trường hay chuyển nơi công tác về đất liền. Cô cho rằng điều níu chân mình ở lại Thạnh An là lòng yêu nghề, yêu trẻ và tinh thần kiên định.

"Ở đâu cũng có khó khăn, không có khó khăn này sẽ có khó khăn khác. Vì vậy tôi luôn nghĩ, mình đã chọn nghề, mình sẽ yêu nghề, mình sẽ bám lấy nghề. Và đó cũng chính là động lực để tôi tiếp tục bước, tiếp tục chiến đấu và không bao giờ có ý định ngừng vươn lên. Đặc biệt, tôi vẫn luôn ghi nhớ câu dặn dò của mẹ thuở thiếu thời "Chịu khó hơn chịu khổ"" - cô giáo trẻ chia sẻ.

 Cô Vân Anh cùng học sinh của mình trong giờ hoạt động văn nghệ ngoại khóa. (Ảnh: NVCC)

Khi được hỏi về nguyện vọng lớn nhất hiện tại, cô không ngần ngại trả lời ngay: "Mong mỏi lớn nhất của tôi là học sinh có tinh thần học cao hơn, cố gắng học tập thật tốt, học cho mình và học cho xã hội; đặc biệt phụ huynh sẽ quan tâm sát sao đến việc học tập của con em".

LAODONG.VN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
192021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top