Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

“Là con gái để tỏa sáng”

Thứ Sáu 20/11/2020 | 11:07 GMT+7

VHO- Đó là thông điệp của Buổi hòa nhạc sẽ được tổ chức nhân tháng Hành động vì Bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối 27.11. Chương trình do Bộ VHTTDL và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) phối hợp thực hiện.

 Chương trình nhằm lan toả thông điệp bình đẳng giới

 Đây là sáng kiến giữa Chính phủ Việt Nam và UNFPA để cùng chung tay chấm dứt phân biệt đối xử do định kiến giới; phòng, chống bạo lực gia đình và bạo lực giới tại Việt Nam.

90,4% phụ nữ bị bạo lực không dám lên tiếng

Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL Trần Tuyết Ánh nhấn mạnh “Là con gái để tỏa sáng” là thông điệp chúng tôi muốn chuyển đến mọi người. Bạo lực gia đình vẫn còn diễn ra nhiều ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đại dịch Covid-19 càng làm cho nạn bạo lực giới gia tăng, phần đông nạn nhân là phụ nữ và trẻ em. Mục đích của buổi hòa nhạc là nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, của các thành viên trong gia đình và toàn xã hội về vai trò, vị trí của người phụ nữ; xóa bỏ định kiến giới, bạo lực giới.

Vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện trong những thập kỷ qua. Tuy nhiên, bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới là những hành vi gây tổn hại đến phụ nữ và trẻ em gái vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam. Số liệu từ cuộc Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 chỉ ra rằng, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Thế nhưng, bạo lực gia đình lại là vấn đề mà nhiều phụ nữ ở Việt Nam không dám chia sẻ và lên tiếng. 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục được hỏi đã không tìm sự giúp đỡ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chính thức, đó là bởi họ sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà. Do đó, gia đình - mái ấm để yêu thương, hạnh phúc và bình yên của mỗi người, đã không còn an toàn cho những người phụ nữ và cả con, cháu họ.

Trẻ em gái phải là một ưu tiên

Bên cạnh đó, tình trạng lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới có thể nhìn nhận trực tiếp qua “tỷ số giới tính khi sinh” và tỷ số này của Việt Nam hiện cao thứ ba trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Thực trạng này được phát hiện lần đầu tại Việt Nam năm 2004. Từ năm 2005, tỷ số giới tính khi sinh đã gia tăng nhanh chóng. Theo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019, tỷ số này ở ngưỡng 111,5 bé trai được sinh ra so với 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” hoặc “bình thường” dao động khoảng 105-106 bé trai trên 100 bé gái. Các bằng chứng cho thấy nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng nhân khẩu học là do tình trạng lựa chọn giới tính trước khi sinh, tức là bỏ thai khi thai nhi được xác định là con gái. Báo cáo Tình trạng Dân số Thế giới năm 2020 ước tính mỗi năm Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái, tức 40.800 bé gái tại Việt Nam mỗi năm sẽ không có cơ hội chào đời chỉ vì mình là con gái. Thực trạng này cần phải được thay đổi, đó cũng là một trong những thông điệp chính của buổi hòa nhạc sắp tới.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: “Chương trình Nghị sự 2030 vì Phát triển Bền vững đặt ra cho chúng ta 17 mục tiêu phát triển, nhưng Mục tiêu Phát triển Bền vững số 5 là đặc biệt quan trọng nhằm “đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái” trong mọi hoàn cảnh, kể cả trong các tình huống khẩn cấp và khủng hoảng nhân đạo. Chương trình Nghị sự 2030 đã đưa ra cam kết không bỏ ai lại phía sau. Điều này có nghĩa là trong nỗ lực phát triển của chúng ta, trẻ em gái phải là một ưu tiên. Thế giới và cả Việt Nam cần đảm bảo mọi cơ hội cho trẻ em gái khi các em lớn lên và trưởng thành. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” cần phải thay đổi, và chúng ta cần nhấn mạnh việc đem lại giá trị bình đẳng cho các bé gái trong mọi hoàn cảnh.

Lần đầu tiên UNFPA lựa chọn hình thức truyền thông đặc biệt qua một chương trình hòa nhạc, đây cũng là cách để tạo nên sự đa dạng trong việc truyền thông mang tới thông điệp mạnh mẽ về chống bạo lực giới. Chính vì vậy, không chỉ ban tổ chức mà bản thân các nghệ sĩ tham gia chương trình cũng vô cùng hào hứng. Tại buổi họp báo, Nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Honna Tetsuji, cho biết buổi hòa nhạc sẽ có sự góp mặt của ba nữ nghệ sĩ độc tấu trẻ xuất sắc và đầy triển vọng, cùng các tác phẩm nhạc kịch thể hiện sự bình đẳng nam nữ như “Romeo và Juliet” để hướng tới mục tiêu kết nối tất cả mọi người, kết nối phụ nữ và nam giới, kết nối các trẻ em gái và trẻ em trai, và kết nối những người có hoàn cảnh văn hóa - xã hội khác nhau đến từ nhiều vùng, miền khác nhau ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. 

HIỀN LƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top