TP.HCM: Đình An Hội và miếu Sa Tân được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật

VHO - Ngày 27.11, UBND quận Gò Vấp, TP.HCM đã tổ chức lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố đối với hai di tích đình An Hội (phường 8) và miếu Sa Tân (phường 5).

Theo đó, đình An Hội tọa lạc trong khuôn viên miếu Võ Tiên Sư, miếu Bà Chúa Ngọc là công trình có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ to lớn, mang đặc trưng kiến trúc vùng Nam Bộ.

TP.HCM: Đình An Hội và miếu Sa Tân được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật - ảnh 1

Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích đình An Hội

Đình An Hội ngày nay hội tụ nhiều công trình đình, miếu, nhà thờ họ tộc, đài tưởng niệm các liệt sĩ, phối tự nhiều đối tượng thờ cúng, nhưng không gian thờ tự vẫn được Ban trị sự đình và cư dân địa phương giữ gìn, coi sóc cẩn thận; khuôn viên thông thoáng, sạch sẽ; chiêm bái nghiêm trang; phát huy tốt truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. 

Cùng đón nhận Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật với đình An Hội, miếu Sa Tân nằm bên bờ sông Vàm Thuật thuận lợi để bà con, khách thập phương đến cúng viếng tham quan. Trải qua nhiều lần sửa chữa, tu bổ nhưng miếu Sa Tân vẫn lưu giữ nét kiến trúc đình làng truyền thống Nam bộ và chịu sự ảnh hưởng của phong cách kiến trúc, trang trí Trung Hoa. Hiện nay chưa xác định được kiến trúc miếu Sa Tân được xây dựng từ năm nào. Tuy nhiên, theo một số cụ cao niên trong vùng cho rằng miếu được xây dựng vào khoảng thế kỷ XIX bên bờ sông Bến Cát (nay là sông Vàm Thuật) thuộc xã Hạnh Thông, tổng Bình Trị Thượng, huyện Gò Vấp (quận Gò Vấp ngày nay).

TP.HCM: Đình An Hội và miếu Sa Tân được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật - ảnh 2

Lãnh đạo quận Gò Vấp trao Bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật miếu Sa Tân 

Trước đây mặt tiền của ngôi miếu Sa Tân quay về hướng dòng sông Bến Cát (Vàm Thuật), tuy nhiên do nhiều nguyên nhân nên Ban trị sự quyết định hướng mặt tiền miếu như hiện nay giáp đường Trần Bá Giao (giấu tích còn lại là 2 con rồng trên vách tường chính điện). Ngoài ra, trong khuôn viên miếu Sa Tân còn có một lối đi nội bộ, lối đi này dẫn ra Bến đò kết nối với di tích kiến trúc nghệ thuật miếu Nổi nằm giữa dòng sông Vàm Thuật để người dân, khách tham quan có thể thuận lợi đến chiêm ngưỡng, cúng bái, nghiên cứu tại miếu Sa Tân rồi sau đó tiếp tục đi đến miếu Nổi. Đây chính là lợi thế để phát triển du lịch văn hóa, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa cho các tầng lớp Nhân dân, quảng bá về giá trị của hệ thống di tích lịch sử - văn hóa của địa phương này. 

TP.HCM: Đình An Hội và miếu Sa Tân được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật - ảnh 3

Cùng với lễ đón nhận Bằng di tích là triển lãm, trưng bày sách nhiều hoạt động văn hóa - lịch sử

Cũng trong dịp này, UBND quận Gò Vấp tổ chức triển lãm hình ảnh di tích lịch sử văn hoá, trưng bày sách và nhiều hoạt động thi đua nhằm tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2020: “Năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị” do Thành phố phát động gắn với kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Tính đến nay, trên địa bàn Gò Vấp đã có 11 công trình được xếp hạng di tích, với 3 di tích cấp quốc gia (tịnh xá Ngọc Phương, đình Thông Tây Hội, chùa Sắc Tứ Trường Thọ) và 8 di tích cấp thành phố.

HẢI ÂU

Ý kiến bạn đọc