Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

"Nóng" phân loại phim theo độ tuổi

Thứ Tư 16/12/2020 | 10:28 GMT+7

VHO- Hội nghị - hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Nam do Bộ VHTTDL tổ chức dưới sự chủ trì của Cục Điện ảnh và Vụ Pháp chế vừa diễn ra tại TP.HCM, ghi nhận nhiều ý kiến của giới chuyên môn quan tâm đến các nội dung về kiểm duyệt, bản quyền phim, phổ biến phim trên không gian mạng, bổ sung mức phân loại phim theo độ tuổi…

 Quy định Loại PG (phim cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 với điều kiện đi cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ) trong dự thảo được hầu hết đại biểu đồng tình

 Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được đưa ra thảo luận tại Hội nghị - hội thảo lần này gồm 8 chương, 44 điều, với một số điểm mới, nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung cũng như dự kiến bãi bỏ một số nội dung tại Luật Điện ảnh hiện hành không còn phù hợp.

Băn khoăn tiêu chí phân loại C21

Vấn đề được các đại biểu quan tâm “mổ xẻ” nhiều nhất liên quan đến phân loại khán giả. Cụ thể, so với quy định hiện hành, bổ sung 2 mức phân loại phim: Loại PG (phim cho phép trẻ em dưới 13 tuổi được xem phim C13 với điều kiện đi cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ) và Loại C21 (phim không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 21). Bên cạnh đó, giữ nguyên các cấp độ như Loại P (phổ biến đến mọi đối tượng), Loại C13 (không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 13), Loại C16 (không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 16), Loại C18 (không phổ biến đến khán giả ở lứa tuổi dưới 18) và Loại C (phim không phổ biến đến mọi đối tượng khán giả). Theo Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, “Loại C21 để cảnh báo những phim có những cảnh bạo lực, hình ảnh nhạy cảm hơn so với Loại C18, vì thế đối tượng xem cũng sẽ được hạn chế cho phù hợp”.

Với phân loại bổ sung này, hầu hết ý kiến ủng hộ cho Loại PG để khuyến khích nhiều đối tượng người xem, tuy nhiên, Loại C21 lại không được số đông ủng hộ. Ông Sim Joon Beom, CEO của CJ CGV Việt Nam nói rằng, tiêu chí phân loại này không phù hợp với pháp luật hiện hành của Việt Nam và trình độ nhận thức của người Việt, do đó, để phù hợp với thực tế doanh nghiệp, đề xuất bỏ tiêu chí phân loại phim C21 như dự thảo 3. Bà Võ Thị Thùy Trang, đại diện Galaxy lo lắng mức phân loại C21 sẽ tạo thêm rào cản trong việc đưa phim điện ảnh đến với khán giả, vì theo pháp luật quy định thì người đủ 18 tuổi đã có đầy đủ trách nhiệm dân sự nên cũng sẽ không bị giới hạn độ tuổi xem phim này. Tương tự, ông Lee Jin Sung - Tổng giám đốc Lotte Entertainment Việt Nam, nêu băn khoăn: “Rất khó phân biệt khán giả lứa tuổi C18 và C21, nên chăng có thể lấy những quy định của C21 áp dụng cho C18 hiện nay và bỏ mức C21”. Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thế Phong, Giám đốc Công ty CP sản xuất phim Hoan Khuê: “Tôi ủng hộ việc có thêm hai mức phân loại PG và C21, đồng thời mong chờ có hướng dẫn cụ thể, hy vọng mức phân loại C21 sẽ cực kỳ thoáng với các nhà làm phim”.

Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), ông Nguyễn Thế Phong cũng cho hay: “Đối với các Điểm b, c, d tại Khoản 1 của Điều 8 trong dự thảo, như phim có nội dung tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, phá hoại thuần phong mỹ tục; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc… theo tôi là những quy định quan trọng và cốt lõi của Luật Điện ảnh, các nhà làm phim chúng tôi mong muốn được biết sớm và thảo luận chi tiết về các hướng dẫn cụ thể, bởi lâu nay các lo ngại, bức xúc của giới làm phim chủ yếu liên quan đến việc hiểu và thực hiện quy định này”, ông Phong đề xuất và nói rằng mong muốn Luật nên giảm các điểm cấm xuống mức tối thiểu, bởi bị “cấm” nhiều sẽ hạn chế tính sáng tạo, gây khó khăn cho điện ảnh phát triển.

“Phim chiếu mạng” cần được quản lý chặt

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh hiện hành. “Cần bổ sung quy định tại Điều 17 và Điều 18 dự thảo Luật Điện ảnh các quy định về việc yêu cầu cơ sở điện ảnh có chức năng phổ biến phim và hệ thống truyền hình dành tỷ lệ số buổi chiếu phim và thời lượng phát sóng dành cho các phim được ngân sách Nhà nước đầu tư liên quan đến các chủ đề danh nhân Việt Nam, truyền thống, lịch sử… Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ VHTTDL với Bộ TT&TT để ban hành các quy định về phối hợp quản lý phim phát hành trên truyền hình và mạng internet, phim phát hành xuyên biên giới, trong đó quy định cụ thể các biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm”, bà Thúy góp ý.

Trước nhiều ý kiến lo ngại việc phim lậu, phim chiếu mạng bị thả nổi, dễ dãi trong quản lý, thiếu kiểm soát… Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, “Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến việc phổ biến phim trên không gian mạng, vì đây là vấn đề mới, Cục và các đơn vị liên quan sẽ tích cực triển khai trong thời gian tới”, ông Thành nhấn mạnh. Được biết, theo dự thảo, đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng, Ban soạn thảo đề ra 2 phương án. Phương án 1 (tiền kiểm): Phim phổ biến trên mạng tại Việt Nam phải được cấp giấy phép phổ biến và phân loại của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc được biên tập bởi cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh - truyền hình. Phương án 2 (hậu kiểm): Việc phổ biến phim trên không gian mạng phải đảm bảo có bản quyền hợp pháp và nội dung phim không vi phạm điều cấm của Luật Điện ảnh; phải có cảnh báo và hiển thị mức phân loại độ tuổi phổ biến phim. Bên cạnh đó, quy định doanh nghiệp nước ngoài hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam phải đặt chi nhánh hoặc VPĐD tại Việt Nam…

Đối với hai phương án này, nhiều đại biểu cho rằng phương án 2 khả thi hơn, vì cơ quan cấp phép không thể tiền kiểm tất cả các phim chiếu trên mạng mà chỉ có thể hậu kiểm. Diễn viên - Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh tâm tư, “Thực trạng hiện nay cho thấy trên một số trang mạng, việc xem phim miễn phí hoặc trả phí một số bộ phim với nội dung khá tương đồng vẫn được công chiếu; trong khi đó phim điện ảnh thường sẽ bị kiểm duyệt với yêu cầu gắt gao hơn, do đó, kính mong Bộ VHTTDL bên cạnh việc xem xét, quản lý chặt chẽ, cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn để khuyến khích, hỗ trợ các nhà làm phim để điện ảnh tiếp cận gần hơn với khán giả”.

Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết, trên cơ sở các ý kiến, Ban soạn thảo, Tổ biên tập sẽ tổng hợp, tiếp thu và đăng tải dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ VHTTDL, Trang thông tin điện tử của Cục Điện ảnh trong 60 ngày để lấy ý kiến rộng rãi của những người làm công tác điện ảnh và các thành phần khác. Sau khi hoàn chỉnh dự thảo, Bộ sẽ trình Chính phủ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào tháng 4.2021 và trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vào tháng 10.2021. 

 THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top