Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Âm nhạc dân tộc: Phải hiểu thì mới thích, mới yêu

Thứ Tư 23/12/2020 | 11:04 GMT+7

VHO- Âm nhạc dân tộc chính là “quốc hồn, quốc túy” của mỗi quốc gia. Nền âm nhạc truyền thống mà Việt Nam đang có là sự kết tinh đáng tự hào của những sáng tạo nghệ thuật vô giá được lưu truyền, bồi đắp qua nhiều thế hệ; là minh chứng sống động cho một nền văn hóa dân tộc đa dạng, giàu bản sắc và có lịch sử lâu đời.

 Ban nhạc Trúc Mai biểu diễn tại trường THCS Phú Mỹ - TP.HCM

 Vì thế, nhiệm vụ hay nói rộng hơn là nghĩa vụ của giới trẻ hiện nay, những chủ nhân tương lai của đất nước, là phải giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống ấy.

Đã có nhiều dấu hiệu tích cực

Dẫu cho âm nhạc truyền thống có những giai đoạn thăng trầm, nhưng trong lòng bao thế hệ người Việt, nó vẫn bền bỉ trường tồn suốt chiều dài lịch sử đất nước. Có ý kiến cho rằng, đa số người trẻ hiện nay chỉ thích nghe pop, rap, nhạc Trung, nhạc Hàn và “quay lưng” với âm nhạc dân tộc, khiến môn nghệ thuật này dần mất đi vị trí trong thị hiếu nghe nhìn của lớp khán giả đương thời. Thế nhưng, đây chỉ là một cách nhìn nhận phiến diện, khi mà hiện nay người trẻ chưa có nhiều cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu về âm nhạc truyền thống cũng như các tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Việt Nam. Điều này đã tạo nên một rào cản lớn cho giới trẻ khi khó tiếp cận được với loại hình này. Nhất là trong môi trường xã hội hiện đại, khi họ có quá nhiều điều kiện để tiếp xúc, thu nhận các thể loại âm nhạc, nghệ thuật, hình thức văn hóa… qua các phương tiện truyền thông, internet. Người trẻ không hề quay lưng với âm nhạc dân tộc, chỉ là họ chưa hiểu nên khó lòng mà thích, mà yêu được.

Ðây cũng chính là tâm huyết, là trăn trở của GS Trần Văn Khê, một “cây đại thụ” trong giới nghiên cứu âm nhạc cổ truyền. Ông đã từng khẳng định: Âm nhạc dân tộc phải được tác động vào tâm hồn học sinh để các em hiểu một cách nghiêm túc, rồi từ hiểu mới dẫn đến thích, từ thích dẫn đến đam mê như một truyền thống quý báu và tốt đẹp. Chính vì thế, trong những năm qua Sở VHTT TP.HCM đã và đang triển khai kế hoạch thực hiện các đề án “Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học” trên địa bàn thành phố một cách đồng bộ. Trong đó, đẩy mạnh và tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật biểu diễn tại các trường học, tiếp tục truyền lửa đam mê bộ môn nghệ thuật dân tộc đến với người trẻ. Có những lúc khó khăn về kinh phí, nguồn lực nhân sự… nhưng nhờ vào tâm huyết của những nghệ sĩ, người làm nghề đã góp phần duy trì hoạt động cho đến ngày hôm nay và bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực.

Sự  hưởng ứng nhiệt tình của các em học sinh tại buổi biểu diễn

Sân khấu học đường là cầu nối cho thế hệ khán giả trẻ

Đồng hành với đề án này, phải kể đến ban nhạc Trúc Mai với sự dẫn dắt tài tình của ThS. NSƯT Ngô Tuyết Mai suốt 3 năm qua. Với mong muốn mang âm nhạc dân tộc đến gần hơn với các bạn trẻ, NSƯT Tuyết Mai đã cố gắng sáng tạo, làm mới sao cho phù hợp với độ tuổi học sinh trong mỗi buổi giao lưu tại các trường. Ở đó, cô không chỉ mang đến những tiết mục âm nhạc đặc sắc mà còn giới thiệu cụ thể cho các em về các loại nhạc cụ, các làn điệu dân tộc như: Đàn tam thập lục, đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, trống, dân ca Quan họ Bắc Ninh… thông qua các trò chơi sôi động, khơi dậy sự tìm tòi, khám phá ở các em. Đây còn là cơ hội để các em được giao lưu, mạnh dạn đặt câu hỏi hay thử sức với các loại nhạc cụ dân tộc. NSƯT Tuyết Mai chia sẻ: “Điều mà tôi hướng đến trong mỗi buổi giao lưu là giới thiệu cho các em biết và phân biệt được các loại nhạc cụ, phân biệt được làn điệu dân ca các vùng miền. Từ đó, bước đầu tạo ra được lớp khán giả trẻ cho âm nhạc truyền thống”.

Bên cạnh đó, kiến thức văn hóa dân gian về các loại hình như: Dân ca, cải lương, hát bội... cũng được truyền tải đến học sinh thông qua các buổi tọa đàm, sinh hoạt ngoại khóa. Không nhiều thời gian cho một chuyên đề giao lưu, nhưng các nghệ sĩ khách mời vẫn cố gắng gửi gắm đến các bạn trẻ những phần trình diễn thu hút, những chia sẻ từ tận trái tim của những người làm nghệ thuật từng ngày gắn bó và gìn giữ bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Sự hưởng ứng từ các em học sinh có thể xem là một tín hiệu tích cực cho âm nhạc truyền thống.

Tuy nhiên, thực trạng dự án “Sân khấu học đường” thời gian qua cũng bộc lộ không ít những khó khăn, bất cập. Một số ý kiến cũng cho rằng, hiệu quả của dự án này còn chưa được như kỳ vọng, tác động với thế hệ trẻ còn khá khiêm tốn, mờ nhạt. Bởi lẽ, nhiều nghệ sĩ quá đặt nặng vấn đề, khi mong muốn qua các buổi giao lưu, tọa đàm các em học sinh sẽ trở thành thế hệ kế thừa với vai trò là một người nghệ sĩ. Tuy nhiên, cũng cần phải đặt lên bàn cân so sánh, khi quá chú trọng vào việc đào tạo nghệ sĩ còn khán giả thưởng thức lại bỏ ngỏ, thì kết quả cũng bằng không. Chính vì vậy, việc “Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học” cần có định hướng rõ ràng, nhất quán, đồng bộ và đầu tư thực chất, có chiều sâu của nhà trường, gia đình và xã hội.

Thế hệ trẻ có vai trò vô cùng quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc nói riêng và các giá trị di sản của đất nước nói chung. Vì vậy, ngay từ bây giờ phải “đánh thức” được tình yêu âm nhạc truyền thống ở các bạn trẻ bằng cách ươm mầm cảm thụ, dần dà tạo được sự yêu quý, trân trọng và ý thức gìn giữ. 

 HỒNG HẠNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top