Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Trở lại truyền thống bằng “phá cách”

Thứ Hai 22/03/2021 | 10:13 GMT+7

VHO- Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa tổ chức khởi công dàn dựng vở tuồng lịch sử Làm vua. Vở diễn được giao cho Đoàn nghệ thuật Thể nghiệm cùng với ê kíp sáng tạo là những tên tuổi “đình đám” của sân khấu, điều đó cho thấy kỳ vọng lớn của Nhà hát đối với tác phẩm này.

 

 Một trong những vở diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam

Làm vua được TS Nguyễn Đăng Chương viết kịch bản và Nguyễn Sĩ Chức chuyển thể sang tuồng; NSND Hoài Huệ, người con của đất võ Bình Định được tin tưởng mời làm đạo diễn; Âm nhạc: NSƯT Lê Trần Vinh; Biên đạo múa: NSƯT Lê Khánh Toàn; Họa sĩ: Nguyễn Hoàng Phong.

Phát biểu tại lễ khởi công, tác giả Nguyễn Đăng Chương chia sẻ đã mất tới 4 năm để thai nghén và viết vở diễn, chưa từng có một kịch bản nào khiến ông mất nhiều thời gian và tâm sức như thế. Nhưng sự kì công đó hoàn toàn xứng đáng khi có tới 5 đơn vị nghệ thuật ở nhiều loại hình nghệ thuật dàn dựng. “Khai thác đề tài lịch sử, Làm vua có nhiều đất cho sân khấu tuồng truyền thống. Đó là lý do tôi đặt niềm tin vào đạo diễn, NSND Hoài Huệ và các nghệ sĩ trẻ của Đoàn nghệ thuật thể nghiệm sẽ thổi sinh khí và mang tới sức hấp dẫn cho kịch bản của mình. Bằng trái tim của người làm nghề cũng như trách nhiệm của người cầm bút, tôi sẵn sàng hợp tác cùng với đạo diễn để cùng chỉnh sửa làm sao có được một bản diễn thuyết phục nhất”, TS Nguyễn Đăng Chương bộc bạch.

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi “bật mí”, bà chính là người đã đặt hàng tác giả Nguyễn Đăng Chương viết vở Làm vua: “Tôi đã đọc kịch bản này và vô cùng thích thú. Không phải đơn giản mà một kịch bản ra đời có tới 5 đơn vị sân khấu cùng dựng. Tôi cũng rất cảm động khi dự một lễ khởi công trang trọng, nó thể hiện sự trân quý của người nghệ sĩ với nghề tổ, thể hiện sự nghiêm túc của một Nhà hát nghệ thuật truyền thống mẫu mực”.

Ê kíp sáng tạo vở, các nghệ sĩ của Đoàn nghệ thuật Thể nghiệm và các đại biểu tại Lễ khởi công

Chia sẻ với Văn Hóa về ý tưởng dàn dựng tác phẩm Làm vua, đạo diễn, NSND Hoài Huệ cho biết ông đặc biệt ấn tượng với ý tưởng mà tác giả kịch bản đặt ra, đó là người làm vua đứng đầu một quốc gia hay nói theo cách xưa là người đứng đầu thiên hạ thì phải biết hy sinh lợi ích cá nhân để làm những việc lớn cho đất nước. Tác phẩm khai thác đề tài lịch sử, là khúc tráng ca về vị vua “cờ lau áo vải” Đinh Bộ Lĩnh, người sáng lập triều đại nhà Đinh, nước Đại Cồ Việt trong lịch sử dân tộc. Lấy bối cảnh cung đình thời đó, vở diễn mang đến những câu chuyện xoay quanh vua Đinh Tiên Hoàng trong mối quan hệ hoàng tộc, triều chính và hậu cung, cùng các nhân vật lịch sử: Vua Đinh Tiên Hoàng, Hoàng hậu Dương Vân Nga, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn...

“Ai cũng biết về giai thoại tình yêu giữa Hoàng hậu Dương Vân Nga và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn. Nhưng Tướng quân Lê Hoàn đã luôn giữ đạo trung thần mà quên đi tình cảm cá nhân. Không chỉ tôn vinh đạo làm vua của vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành mà bản thân Hoàng hậu Dương Vân Nga cũng được coi là một vị vua khi bà là người đàn bà quyền lực của hai triều đại, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực từ nhà Đinh sang nhà Tiền Lê. Tôi sẽ khai thác các nhân vật theo hướng suy nghĩ về đạo làm vua”, đạo diễn Hoài Huệ cho hay. Câu chuyện lịch sử có phần trúc trắc sẽ được ê kíp sáng tạo khai thác để cho thấy sự hy sinh của các nhân vật lịch sử vì đất nước. Chính việc khai thác tâm lý của các nhân vật cũng đã mang lại những khám phá mới mẻ với góc nhìn của những con người hôm nay.

Được giao làm việc với Đoàn nghệ thuật thể nghiệm, đạo diễn, NSND Hoài Huệ cũng thông tin thêm là ông sẽ tìm sự “phá cách”, thể nghiệm ở chính việc trở lại với các đặc trưng của nghệ thuật tuồng truyền thống từ âm nhạc, múa cho tới hình thức thể hiện. Vị đạo diễn tâm huyết cho biết hiện nay, nhiều tác phẩm chạy theo xu hướng hiện đại hóa và học theo cách dàn dựng của sân khấu nước ngoài. Có những hình thức mà đối với nước ngoài thì lại quá lạc hậu rồi thì ta lại đi làm. “Tôi cho rằng chính các đặc trưng của nghệ thuật truyền thống mà cha ông ta đã làm là điều đáng học hỏi để sáng tạo hiệu quả hơn. Dĩ nhiên sẽ đẩy nhanh tiết tấu, những lớp giao đãi chậm để vở diễn được gọn gàng, hợp lý”, ông chia sẻ. 

 HIỀN LƯƠNG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top