Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Hà Nội xem xét bỏ ga ngầm C9 nằm trong khu vực bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn: Độ lùi cần thiết để bảo tồn di sản

Thứ Hai 22/03/2021 | 10:53 GMT+7

VHO- Cuối tuần qua, trước thông tin báo chí phản ánh việc Văn phòng UBND TP Hà Nội ban hành văn bản 137/TB-VP thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét về phương án quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9, trong đó “xem xét phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10”, nhiều chuyên gia cho rằng động thái này là “độ lùi” rất cần thiết để Hà Nội bảo tồn những giá trị di sản riêng có.

Người dân Hà Nội tham quan phương án phối cảnh ga ngầm C9  Ảnh: N.THÀNH

Vậy là sau gần hai năm “bặt tin” về số phận công trình ga ngầm C9 nằm trong khu vực bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, thành phố Hà Nội đã “lên tiếng” trở lại bằng việc hối thúc cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, bổ sung ba phương án, trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ba phương án nghiên cứu gồm: 1. Nghiên cứu kỹ về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ đối với loại hình đường sắt đô thị ngầm làm cơ sở nghiên cứu điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để không nằm vào vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn (ranh giới nhà ga ngầm trùng với ranh giới vùng bảo vệ II). Phương án 2 là giữ nguyên, không đề xuất điều chỉnh hướng đoạn tuyến và phương án tổng mặt bằng ga ngầm đã được Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội và các Sở, ngành TP thống nhất, đã xác định trong quy hoạch Thủ đô, củng cố các văn bản pháp lý để UBND TP thống nhất với Bộ GTVT, Bộ Xây dựng (không điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô), làm cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định về hướng đoạn tuyến và vị trí ga ngầm C9.

Phối cảnh lối lên xuống nhà ga C9

Phương án 3, giữ nguyên hướng tuyến, xem xét phương án bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10 với yêu cầu bảo đảm tất cả yếu tố về tiêu chuẩn kỹ thuật, kỹ thuật công nghệ liên quan để chạy tàu; phân tích, đánh giá về việc sẽ giảm tổng mức đầu tư, giảm tiến độ thực hiện dự án đầu tư, lưu lượng hành khách... Phân tích những phương án mà lãnh đạo thành phố Hà Nội vừa đề xuất ở trên, nhiều chuyên gia bảo tồn di sản văn hoá cho rằng rất hoan nghênh tinh thần này, đồng thời nhấn mạnh đây là “độ lùi” cần thiết và quan trọng để chúng ta giữ được cảnh quan không gian cũng như sự an toàn cho các di tích nơi đây.

Đề cập đến phương án 1, một chuyên gia cho biết thành phố Hà Nội đã có sự cầu thị trước sự góp ý của nhiều cơ quan, Bộ ngành, tổ chức có liên quan trong việc tôn trọng các quy định của Luật Di sản văn hoá cũng như tránh ảnh hưởng đến các công trình di tích quan trọng. Vì trước đó, trong rất nhiều cuộc họp, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và Bộ VHTTDL đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo thành phố Hà Nội cần bố trí nhà ga ngầm C9 ra khỏi khu vực bảo vệ II di tích hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn. Còn nhớ vào tháng 10.2019, Bộ VHTTDL có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội để tiếp tục góp ý về nhà ga ngầm C9, trong đó cho biết, “từ năm 2008 đến nay (tháng 10.2019), Bộ đã nhiều lần có văn bản góp ý. Nội dung các văn bản góp ý với thành phố Hà Nội đều thể hiện quan điểm xuyên suốt là yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía Đông đường Đinh Tiên Hoàng (cách xa bờ phía Đông của Hồ Hoàn Kiếm và nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng tại Quyết định số 2383/QĐ/TTg ngày 9.12.2013)”.

Như vậy, phương án 1 đã được thành phố Hà Nội “điều chỉnh” và tiếp thu theo hướng nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế, vi chỉnh cục bộ tổng mặt bằng ga ngầm C9 để công trình này không phạm vào vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn. Nghĩa là, công trình ga ngầm C9 sẽ được tính toán đẩy ra xa khu vực bảo vệ di tích hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn như những đề nghị trước đây của Bộ VHTTDL.

 Phối cảnh nhà ga C9

Cho ý kiến về phương án 3 là “bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 sẽ đến thẳng ga ngầm C10”, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia cho biết, ngay từ những ngày đầu góp ý cho tổng thể dự án này nói chung và ga ngầm C9 nói riêng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực và Bộ, ngành, tổ chức có liên quan đã bày tỏ quan điểm với lãnh đạo thành phố Hà Nội, đơn vị tư vấn là không nên bố trí nhà ga ngầm C9 ở vị trí như hiện nay. Nếu bố trí tại một vị trí nhạy cảm như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến nhiều công trình di tích lịch sử, văn hoá của Thủ đô, tạo nên áp lực giao thông khi nơi đây sẽ đón một lượng khách rất lớn. Đó là còn chưa kể sẽ gây nên dư luận không tốt.

“Với tư cách cá nhân, tôi rất hoan nghênh lãnh đạo thành phố Hà Nội khi đề nghị các cơ quan hữu trách nghiên cứu bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 đến thẳng ga ngầm C10. Phương án này là một đề xuất sáng suốt, qua đó thể hiện sự lắng nghe ý kiến của giới chuyên gia, nhà nghiên cứu. Và nếu Hà Nội quyết định bỏ nhà ga ngầm C9 thì tôi cho rằng đây là phương án tối ưu nhằm đảm bảo cho tính toàn vẹn của di sản hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn cũng như cảnh quan, không gian xung quanh”, PGS.TS Đặng Văn Bài nói. Trước đó, ngày 25.9.2019, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ UBND thành phố Hà Nội “cam kết với Thủ tướng Chính phủ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các công trình thuộc di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm khi thi công ga C9 tại khu vực hồ Hoàn Kiếm”.

 Với tư cách cá nhân, tôi rất hoan nghênh lãnh đạo thành phố Hà Nội khi đề nghị các cơ quan hữu trách nghiên cứu bỏ ga ngầm C9, từ ga ngầm C8 đến thẳng ga ngầm C10. Phương án này là một đề xuất sáng suốt, qua đó thể hiện sự lắng nghe ý kiến của giới chuyên gia, nhà nghiên cứu.

Và nếu Hà Nội quyết định bỏ nhà ga ngầm C9 thì tôi cho rằng đây là phương án tối ưu nhằm đảm bảo cho tính toàn vẹn của di sản hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn cũng như cảnh quan, không gian xung quanh.

(PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá quốc gia)

 LÂM SƠN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top