“Bố già” và điện ảnh “Make in Việt Nam” – Tại sao không?

VHO- Bộ phim “Bố già” không quảng cáo quá rùm beng, tuy nhiên sau khi công chiếu trong những ngày qua đã liên tục đạt những kỉ lục, cụ thể là trở thành bộ phim Việt đạt doanh thu cao nhất mọi thời đại tại Việt Nam.

“Bố già” và điện ảnh “Make in Việt Nam” – Tại sao không? - Anh 1

Các nhân vật trong phim "Bố già". Ảnh: NSX

Nội dung “bố già” chẳng có gì “to tát”, chỉ xoay quanh mối quanh hệ gia đình, đặc biệt là tình phụ tử, trong một bối cảnh con hẻm nghèo, gia đình cũng nghèo, nhưng qua đó sáng lên bài học về tình yêu thương, cách hành xử trong gia đình…, mà lấy được không ít nước mắt khán giả.

Từ nhiều năm trước, chúng ta được biết đến chương trình “chấn hưng điện ảnh Việt”. Nhưng dường như đến bây giờ, ít ai biết được, hoặc có thể đo lường được hiệu quả của chương trình này tới đâu, đi vào lòng công chúng yêu điện ảnh Việt được bao nhiêu.

Nhưng với “Bố già”, bộ phim đang được nhắc đến do tư nhân đầu tư sản xuất, lấy câu chuyện gia đình – một đề tài không mới và cũng là muôn thuở, để khai thác, nhưng lại ăn tiền chứ không bị rơi vào cảnh ế khách.

Mảng đề tài về gia đình không phải là ít phim hay dù không dễ làm vì nó quá quen thuộc, thậm chí có thể rơi vào nhàm chán. Nhưng vấn đề là cách làm. Từ điện ảnh Mỹ, hay “gần gũi” với khán giả Việt Nam hơn là phim Hàn Quốc, đã khai thác những đề tài gia đình với những câu chuyện gần gũi, tiểu tiết tưởng như vặt vãnh, nhưng lại rất thiết thực, đặc biệt là chỉ ra cái cách giải quyết những vấn đề về mối quan hệ gia đình giữa ông bà với các cháu, cha mẹ với con cái, anh chị em…

Hàn Quốc có được những bộ phim như thế là xuất phát từ chiến lược Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) được Chính phủ Hàn Quốc khởi xướng từ hơn 20 năm về trước. Hallyu không chỉ là làn sóng văn hóa Hàn, mà được kết hợp giữa kinh tế với văn hóa, giải trí, công nghệ, âm nhạc, thời trang…

Đỉnh cao của Hallyu về văn hóa chính là điệu nhảy Gangnam Style, K-pop; về lĩnh vực kinh tế, công nghệ là các thương hiệu Samsung, LG, Hyundai, Kia…

Trở lại câu chuyện phim “Bố già”, trong một status đăng trên trang cá nhân, ông Nguyễn Tử Quảng - CEO của công ty công nghệ BKAV – cho rằng “doanh số khủng của “Bố già” cũng khẳng định nội lực của con người và thị trường Việt Nam”. Và ông Quảng nhấn mạnh: “Make in Việt Nam là đây chứ đâu”.

Chương trình Make in Việt Nam đã được triển khai trong ngành sản xuất công nghiệp và công nghệ ICT khoảng 2 năm trở lại đây và đã mang đến những thành tựu bước đầu đáng khích lệ.

Với bộ phim “Bố già”, ông Quảng cho rằng đó cũng là “Make in Việt Nam”, trong lĩnh vực điện ảnh, và rộng ra hơn là văn hóa. Đây là một gợi mở rất đáng lưu ý và cũng rất đáng quan tâm. Make in Việt Nam không chỉ triển khai trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ mà nên kết quyện với văn hóa tạo ra sức mạnh tổng lực của thương hiệu quốc gia, tương hỗ và bổ trợ cho nhau cùng phát triển.

Make in Việt Nam trong điện ảnh, văn hóa sẽ không lấy đòn bẩy từ những khoản tiền tài trợ từ ngân sách nhà nước, mà cũng như Make in Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất công nghiệp, là bắt đầu tư từ duy sáng tạo, tạo ra những giá trị mới, khác biệt, được công nhận rộng rãi trước hết từ thị trường nội địa Việt Nam sau đó sẽ đi ra thị trường quốc tế.

Điện ảnh Việt từng có bộ phim “Hai Phượng” khá đình đám được Netflix mua lại và phát tại hàng chục thị trường trên thế giới. Như vậy, Make in Việt Nam về điện ảnh, văn hóa cũng sẽ có con đường “ra biển lớn”.

LAODONG.VN

Ý kiến bạn đọc