Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Trẻ bị xâm hại: Không thể thỏa hiệp!

Thứ Tư 28/04/2021 | 10:59 GMT+7

VHO- Những ngày gần đây, dư luận không khỏi bàng hoàng, phẫn nộ và đau xót khi liên tiếp xảy ra những vụ việc xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em tại nhiều địa phương với diễn biến ngày càng phức tạp, nghiêm trọng và gia tăng về độ man rợ…

 Một người mẹ (người đứng) có con bị xâm hại trình bày vụ việc để được hỗ trợ pháp lý

Trong đó có vụ nạn nhân còn rất nhỏ tuổi, để lại hậu quả vô cùng thương tâm và nỗi đau không gì bù đắp nổi cho gia đình.

Nhiều vụ XHTD trẻ em bị “chìm xuồng”

Điều đáng lưu ý, kẻ thủ ác luôn là những người có quan hệ thân thiết, gần gũi với trẻ. Theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, thủ phạm các vụ XHTD là người quen chiếm tới 59,4%, người thân trong gia đình 21,3%, giáo viên, nhân viên nhà trường chiếm 6,15%, các nhóm khác là 13,15%.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến Xâm hại tình dục trẻ em: Đương đầu hay thoả hiệp? nằm trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ tiếp cận tư pháp cho trẻ em bị xâm hại tình dục tại Hà Nội” do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (SCDI) thực hiện mới đây, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em cho rằng, tình trạng bố mẹ ly hôn, ly thân hay phải đi làm xa ngày càng tăng, các em bé phải sống với cha dượng, hay ở nhà với ông bà, họ hàng… khiến cho rủi ro các em bị xâm hại tăng lên. Bên cạnh đó, công tác quản lý xã hội của các địa phương vẫn chưa tốt; trẻ em còn non nớt và chưa biết cách bảo vệ mình. Chúng ta phải truyền thông mạnh mẽ hơn nữa, đồng thời hành động thật quyết liệt để có thể hỗ trợ các em và gia đình nhanh nhất có thể.

Trong các vụ XHTD trẻ em có nhiều vụ được trình báo, khởi tố, đưa ra xét xử; nhưng cũng có nhiều vụ lại có xu hướng “chìm xuồng” hoặc kéo dài khiến gia đình và nạn nhân cảm thấy nản chí và không muốn tiếp tục. Lý giải về vấn đề này, luật sự Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Đối với những trường hợp sự việc bị kéo dài, nguyên nhân chủ yếu là do gia đình trình báo chậm trễ. Nếu không trình báo sớm thì việc thu thập chứng cứ rất khó khăn. Một số trường hợp gia đình không muốn phối hợp trong quá trình điều tra vì họ không đủ tin tưởng và cũng có thể do họ bị đe dọa hoặc nạn nhân có những thay đổi tâm lý, không muốn nhắc lại chuyện đau lòng. “Nhiều trường hợp không được giải quyết kịp thời, thái độ tiếp xúc của cán bộ điều tra vô cảm, cười cợt nên gia đình nạn nhân cảm thấy mất niềm tin. Khi phát hiện những hành vi như vậy, chúng tôi đã khiếu nại, thậm chí tố cáo về các quy trình tố tụng làm tổn thương thêm cho các em. Vì thế, các quy trình điều tra, thu thập chứng cứ, xét hỏi này là rất quan trọng để các em không bị xâm hại một lần nữa và gia đình cảm thấy yên tâm”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

Chia sẻ về kinh nghiệm thực tế khi trực tiếp hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại tình dục, bà Nguyễn Khánh Linh, cán bộ Ngôi nhà bình yên chia sẻ: “Những vụ việc của các nạn nhân trong Ngôi nhà bình yên đa phần đã xảy ra rất lâu mà không được trình báo. Họ gặp rất nhiều vấn đề về tâm lý, đồng thời việc trả lời nhiều lần những câu hỏi trong quá trình điều tra dẫn đến việc tái sang chấn đối với nạn nhân. Có những nạn nhân mất đến 6 tháng mới bình ổn trở lại; cũng có những trường hợp, sau thời gian dài điều tra, đôi khi khiến nạn nhân bị bỏ quên với những ám ảnh tâm lý sâu sắc, còn gia đình lại đổ lỗi cho nạn nhân...

Không thể thỏa hiệp

Theo bà Ninh Thị Hồng, Hội Bảo vệ quyền trẻ em đã nhận được rất nhiều đơn kêu cứu liên quan đến XHTD trẻ em mà thủ phạm là hàng xóm hoặc người quen. Những thủ phạm này thường hứa hẹn có trách nhiệm, đền bù nhưng sau đó lại “trở mặt” chối bỏ tội ác, thậm chí quay ra mạt sát, đe dọa gia đình nạn nhân. Lúc này gia đình nạn nhân mới đi trình báo thì gây khó khăn cho cơ quan điều tra vì không còn bằng chứng. “Do đó, nhiều vụ XHTD trẻ em bị chìm xuồng là có phần trách nhiệm của gia đình. Khi con em mình bị hại thì phải trình báo ngay, coi kẻ đó là kẻ thủ ác cần phải được trừng trị. Nếu có sự thoả hiệp, đền bù sẽ là nguy cơ với trẻ khác, là tiếp tay cho tội ác…”, bà Hồng nhấn mạnh.

Đối tượng thực hiện hành vi XHTD trẻ em được các chuyên gia chia làm 2 nhóm: Nhóm có ham muốn tình dục bất thường và nhóm đối tượng có nhân cách, đạo đức thấp kém. Tuy nhiên, dù là nhóm đối tượng nào, kẻ xâm hại đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Một số người quan niệm rằng, những hành vi XHTD trẻ em như dâm ô, xâm hại trẻ em nam… là chưa để lại hậu quả nhiều; trẻ em còn nhỏ, tổn thương vẫn chưa đủ sâu sắc nên đã rút đơn tố cáo… Nhưng nếu im lặng, vụ việc không được đưa ra ánh sáng thì nạn nhân hoặc những trẻ em khác có thể tiếp tục bị xâm hại bởi những kẻ thủ ác này. Việc trẻ em trở thành nạn nhân của XHTD là điều không ai muốn, vì vậy, bên cạnh việc bảo vệ con em mình trước các nguy cơ xâm hại, cha mẹ cũng cần trang bị những kiến thức hỗ trợ trẻ khi không may trở thành nạn nhân của XHTD.

“Việc thoả thuận dân sự sẽ kéo dài khoảng vài tháng và đến lúc đấy mới đưa ra pháp luật thì những chứng cứ, khám nghiệm pháp y rất khó để tìm. Trong thời đại phát triển hiện nay, camera được lắp đặt ở rất nhiều nơi, tuy nhiên bộ nhớ camera thường không nhiều. Vì vậy, nếu phát giác mà chúng ta không trình báo sớm thì việc thu thập chứng cứ sẽ rất khó khăn. Những nạn nhân bị XHTD có nguy cơ bị xâm hại lần tiếp theo. Khi đối tượng xâm hại xong thường sẽ có ý định xoá dấu vết bằng cách đe dọa hoặc sát hại nạn nhân. Nếu sát hại nạn nhân, đối tượng sẽ bị xử lý hình sự thêm tội giết người, có thể bị tù chung thân hoặc tử hình. Với đối tượng có vấn đề bệnh lý, ở một số nước đã áp dụng phương pháp thiến hoá học. Những đối tượng nhân cách thấp thường sẽ được cải tạo để thay đổi hành vi, thái độ. Tuy nhiên, sau khi đối tượng tái hoà nhập cộng đồng, mọi người xung quanh cũng nên cẩn thận, cảnh giác phòng trường hợp đối tượng tái phạm”, luật sư Đặng Văn Cường thông tin. 

 THẢO LAM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top