Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Lần đầu phát hiện “công xưởng” chế tác mũi khoan cổ quy mô lớn

Thứ Sáu 14/05/2021 | 11:28 GMT+7

VHO-  Đoàn khai quật gồm cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và Bảo tàng Đắk Lắk vừa báo cáo kết quả sơ bộ cuộc khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai (thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, Đắk Lắk). Theo đó, đây là một di chỉ khảo cổ học mới, ẩn chứa nhiều tư liệu, sẽ góp phần làm sáng tỏ lịch sử vùng đất Tây Nguyên thời Tiền - Sơ sử, rất cần được nghiên cứu, thu thập tư liệu và bảo tồn.

 Xử lý di tích xuất lộ trong hố khai quật

Đây là một di chỉ xưởng kết hợp cư trú và mộ táng. Trong đó, tính chất xưởng của di chỉ nổi lên một cách rõ rệt thông qua bộ sưu tập hàng nghìn tiêu bản mũi khoan và phác vật mũi khoan. Ngoài là công xưởng chế tác mũi khoan, cư dân cổ Thác Hai còn chế tác cả các công cụ đá như rìu, bôn… Những mảnh gốm xuất hiện rải rác cùng những tàn tích than tro, mộ táng có chôn theo đồ tùy táng... cho thấy cư dân cổ ở Thác Hai ngoài chế tác công cụ cũng đồng thời cư trú và mai táng tại đây, chưa phân tách khu vực cư trú, sản xuất với khu vực mai táng.

Trên cơ sở một số loại hình đồ gốm, đồ án hoa văn trang trí cũng như trình độ tinh xảo của những thợ thủ công chế tác mũi khoan tại đây, các nhà khoa học bước đầu nhận định niên đại của di chỉ Thác Hai khoảng trên dưới 3000 năm cách ngày nay, thuộc trung kỳ thời đại kim khí. Tầng văn hóa dày (2m) cho thấy, giai đoạn cư trú khá dài nhưng tính chất di chỉ khá ổn định. Về chủ nhân ngôi mộ, cư dân cổ ở Thác Hai là những người thợ thủ công có trình độ cao, với các sản phẩm rất tinh xảo. Cụ thể, qua nghiên cứu cấu trúc mộ M1, các nhà khoa học cho rằng, chủ nhân ngôi mộ này có liên quan tới công xưởng chế tác này, có thể là một trong những người thợ trực tiếp chế tác công cụ (rìu, bôn, mũi khoan...) phát hiện trong hố khai quật, thể hiện qua việc tìm thấy những đồ tùy táng, ngoài đồ gốm còn có những công cụ bằng đá. Có thể, ngoài các ngôi mộ đã xuất lộ trong hố đào, trong phạm vi di chỉ còn nhiều ngôi mộ khác có liên quan trực tiếp tới công xưởng chế tác này.

Báo cáo sơ bộ khẳng định, những kết quả nghiên cứu và khai quật tại di chỉ khảo cổ học Thác Hai là một trong những phát hiện mới và rất quan trọng của khảo cổ học Việt Nam. Có thể nói đây là lần đầu tiên ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng đã phát hiện được một công xưởng chế tác mũi khoan với quy mô lớn, chuyên môn hóa cao, trình độ kỹ thuật tinh xảo. “Ở Việt Nam, loại di chỉ công xưởng chế tác mũi khoan không nhiều, chỉ mới xác định được ở các di chỉ như Bãi Tự (Bắc Ninh), Tràng Kênh (Hải Phòng), Đầu Rằm, Ba Vũng (Quảng Ninh). Song những mũi khoan ở các di chỉ này chỉ được ghè, tu chỉnh, mài thô..., hiện vật tương đối to và thô, chủ yếu dùng để sử dụng trong kỹ thuật khoan tách lõi, còn mũi khoan Thác Hai có rất nhiều hiện vật được mài trau chuốt, đánh bóng toàn thân đạt đến mức độ hoàn mỹ, được sử dụng trong kỹ thuật khoan xuyên tâm để chế tạo đồ trang sức...”, báo cáo sơ bộ cho biết.

Một số loại hình đồ gốm mới cũng lần đầu tiên được tìm thấy ở Đắk Lắk trong di chỉ Thác Hai. Nhiều cụm gốm có khả năng phục dựng rất cao, được đưa về còn khá nguyên vẹn. Sau khi được xử lý, phục dựng lại, đồ gốm Thác Hai cùng với các loại hình hiện vật khác trở thành những tiêu bản hiện vật quý hiếm, độc đáo... bổ sung cho hệ thống trưng bày ở Bảo tàng Đắk Lắk và Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Là một địa điểm khảo cổ học mới phát hiện với nhiều thông tin nghiên cứu quan trọng, nhiều hiện vật tinh xảo, nhiều đồ gốm còn khá nguyên vẹn có thể phục dựng để trưng bày, tuy nhiên, cũng theo các nhà khoa học, di chỉ này nằm sát bờ sông đang đổi dòng, từng ngày, từng giờ đang bị dòng nước xoáy vào địa tầng gây sạt lở nghiêm trọng. Do vậy, các chuyên gia kiến nghị rất cần có những biện pháp bảo vệ di chỉ trước sự tàn phá của thiên nhiên.

THANH MỘC, ảnh: BTLSQG CUNG CẤP

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top