Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Vẽ tranh cổ động tuyên truyền về bầu cử: Tâm huyết với ngày hội lớn

Thứ Hai 17/05/2021 | 11:43 GMT+7

VHO- Những ngày này trên đường phố và trong các cuộc trưng bày, triển lãm tại nhiều địa phương, những tác phẩm tranh cổ động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang phát huy mạnh mẽ sức mạnh của ngôn ngữ hội họa cổ động tuyên truyền.

 Tác phẩm đoạt giải Nhì của họa sĩ Trịnh Bá Quát (Hà Nội)

 Cất tiếng nói chuyển tải thông điệp ý nghĩa, mỗi tác phẩm đều góp phần giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử. Đối với các họa sĩ vẽ tranh cổ động tuyên truyền về bầu cử, cơ hội được sáng tạo nên những tác phẩm ý nghĩa như thế này đều để lại dấu ấn khó quên. Với họ, tham gia thi không phải vì giải thưởng mà là để thể hiện tâm huyết, trách nhiệm người nghệ sĩ.

Hào hứng sáng tác

Đoạt giải Nhất tại cuộc thi sáng tác tranh cổ động tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) tổ chức, họa sĩ Lưu Ngọc Phan (Hà Nội) cho biết, anh đã sử dụng thông điệp “Ngày hội của toàn dân” để thể hiện tác phẩm “Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Ngày hội của toàn dân”.

Sáng tác tranh cổ động về những sự kiện, ngày lễ trọng đại của đất nước và của Hà Nội trong mười mấy năm qua, với họa sĩ Lưu Ngọc Phan, mỗi cuộc thi đều mang đến nhiều cảm xúc. Anh nói, những họa sĩ vẽ tranh cổ động luôn bước vào mỗi cuộc thi bằng niềm yêu nghề, trách nhiệm công dân và trách nhiệm nghệ sĩ trước những sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Cuộc thi tranh cổ động tuyên truyền về bầu cử, họa sĩ Lưu Ngọc Phan cùng hàng trăm họa sĩ trên mọi miền đất nước đã hào hứng tham gia với một tâm thế tự hào. “Với tác phẩm của mình, tôi thể hiện ý tưởng Ngày bầu cử 23.5 thực sự là ngày hội của toàn dân. Để làm được điều đó, tôi nghiên cứu, lựa chọn những hình ảnh đại diện tiêu biểu cho 54 dân tộc anh em, cùng với các hoạt động văn hóa văn nghệ, các nhạc cụ truyền thống nhằm tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, cổ vũ tinh thần nhân dân trong ngày hội lớn này”, họa sĩ Phan chia sẻ.

Ngoài tác phẩm đoạt giải Nhất, họa sĩ Lưu Ngọc Phan còn có hai tác phẩm được trưng bày tại các cuộc triển lãm được Bộ VHTTDL tổ chức tại các địa phương trong thời gian qua. Mỗi tác phẩm đều mang một thông điệp ý nghĩa mà họa sĩ đã cố gắng tìm tòi, thể hiện. Theo đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, các tác phẩm đã đáp ứng được nội dung, yêu cầu chủ đề của cuộc thi, có chất lượng nghệ thuật cao. Thông qua hình ảnh và thông điệp sâu sắc, các tác phẩm đã giới thiệu, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; thành tựu của đất nước sau 35 năm đổi mới trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội cũng như những nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 trong thời gian qua.

Họa sĩ Vi Kiến Thành, thành viên Hội đồng nghệ thuật cho biết: “Tôi tham gia chấm hầu hết các cuộc thi sáng tác tranh cổ động do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức. Tại cuộc thi này, các tác phẩm tranh cổ động tuyên truyền về bầu cử có chất lượng và kỹ thuật thể hiện tốt. Nhiều tác phẩm đẹp, ngôn ngữ cô đọng, súc tích, gần gũi và dễ hiểu. Màu sắc trong mỗi tác phẩm cũng được thể hiện sinh động, tươi vui, phù hợp với không khí ngày hội lớn của toàn dân”.

 Tác phẩm đoạt giải Ba của Đỗ Như Điềm (Thái Bình)

Tìm tòi ngôn ngữ thể hiện

Họa sĩ Phan bộc bạch, hầu hết những họa sĩ sáng tác tranh cổ động đến với các cuộc thi trước hết xuất phát từ tâm huyết và trách nhiệm hơn là mong muốn có giải thưởng: “Tôi rất vui khi nhận được giải Nhất, thế nhưng lớn hơn niềm vui đó là cảm xúc khi được nhìn thấy những bức tranh của mình hiện diện trong triển lãm, trên đường phố, gửi gắm thông điệp ý nghĩa đến với mọi người”.

Họa sĩ Đỗ Như Điềm (Thái Bình) cũng là gương mặt thâm niên trong các cuộc thi sáng tác tranh cổ động, và dịp này cũng có một tác phẩm được giải Ba và hai tác phẩm giải Khuyến khích. Ông chia sẻ, vẽ tranh cổ động về bầu cử luôn mang cảm xúc rất tự hào như thôi thúc. “Thế nhưng cũng có cái khó là bầu cử 5 năm diễn ra một lần nên các họa sĩ phải cố gắng tìm cách thể hiện. Vẫn là hình ảnh hòm phiếu và nhân dân bỏ phiếu nên khi vẽ, họa sĩ cần tìm ra hình ảnh mới, kỳ sau vẽ về bầu cử phải khác với kỳ trước”, họa sĩ Điềm nói. Chẳng hạn, ở tác phẩm đoạt giải Ba, họa sĩ đã thêm hình ảnh về các chiến sĩ hải quân cùng các thành phần khác của xã hội tham gia bỏ phiếu. Vấn đề biển đảo chính là điểm mới về mặt hình ảnh mà tác giả đã thể hiện.

 Trang trí tác phẩm đoạt giải Nhất của họa sĩ Lưu Ngọc Phan (Hà Nội) tại khu vực bầu cử xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy (Kon Tum) Ảnh: TR.HUẤN

Bên cạnh đó, khi tạo hình, các bức tranh cổ động về bầu cử phải thể hiện được không khí háo hức của người dân đi bỏ phiếu để lựa chọn ra các đại biểu tiêu biểu, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Màu sắc của bức tranh cần tươi sáng và bố cục đơn giản, chắc chắn, không rườm rà về chi tiết vì ngôn ngữ của tranh cổ động vốn rất kiệm lời, súc tích nhưng giàu tính biểu đạt. Họa sĩ Trịnh Bá Quát (Hà Nội), tác giả chuyên vẽ tranh cổ động của quân đội với hơn 30 năm gắn bó với nghề cũng cho rằng, bầu cử là một đề tài quen thuộc với các họa sĩ vẽ tranh cổ động và chính cái quen ấy lại khiến các họa sĩ phải trăn trở tìm cái mới để vẽ cho khác các họa sĩ khác và khác với chính mình ở những lần trước. Đồng thời, họa sĩ phải tìm ra một tứ, một ý từ khẩu hiệu do BTC đưa ra. Tại cuộc thi này, họa sĩ Trịnh Bá Quát tạo ấn tượng với tác phẩm giải Nhì: “Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp là trực tiếp góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.

Đặc thù tranh cổ động là có tiếng nói mạnh mẽ và sự gắn bó mật thiết với thời cuộc. Hầu hết các họa sĩ gắn bó với tranh cổ động đều bởi lòng yêu nghề và nhiệt huyết với dòng chảy lịch sử của dân tộc. Họa sĩ Đỗ Như Điềm bộc bạch: “Trong khi nhiều người cho rằng, tranh cổ động là khô khan, khó biểu đạt thì với tôi, thể loại này có sức hấp dẫn với người sáng tác vì tính định hướng, tuyên truyền cao, ngôn ngữ thể hiện sinh động. Còn một lý do nữa khiến cho tranh cổ động không hấp dẫn các họa sĩ là tranh vẽ ra không có thị trường…”. Thế nhưng, họa sĩ thâm niên này cũng cho biết, ông là người sống tốt với nghề vẽ tranh cổ động. Tác phẩm do họa sĩ sáng tác có khách trong và ngoài nước đặt hàng.

Khác với các loại hình hội họa khác, tranh cổ động vẫn đang chứng minh sức sống của mình trong đời sống đương đại. Điều ý nghĩa nhất là tiếng nói của những bức tranh luôn góp phần vào thành công của các sự kiện chính trị lớn của đất nước. 

 Tôi tham gia chấm hầu hết các cuộc thi sáng tác tranh cổ động do Cục Văn hóa cơ sở tổ chức. Tại cuộc thi này, các tác phẩm tranh cổ động tuyên truyền về bầu cử có chất lượng và kỹ thuật thể hiện tốt. Nhiều tác phẩm đẹp, ngôn ngữ cô đọng, súc tích, gần gũi và dễ hiểu. Màu sắc trong mỗi tác phẩm cũng được thể hiện sinh động, tươi vui, phù hợp với không khí ngày hội lớn của toàn dân.

(Họa sĩ VI KIẾN THÀNH, thành viên Hội đồng nghệ thuật)

 AN TÂM

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top